Sau 7 năm thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế, tính đến cuối năm 2011, các tập đoàn kinh tế hiện nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khối DNNN.
Tuy nhiên, theo số liệu vừa được công bố tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2012, nợ xấu của DNNN tới 200.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 153.000 tỉ đồng thuộc về các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước phần nào cho thấy hiện trạng đầy khó khăn của các tập đoàn TCty nhà nước.
Tiếp tục “xin - cho”?
Sau nhiều lần Vinacomin đệ trình và được liên Bộ Tài chính - Công Thương đồng loạt xin giảm thuế xuất khẩu than để gỡ khó cho DN, mới đây Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý giảm một nửa thuế xuất khẩu than.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu giảm mức thuế xuất khẩu xuống 10%, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) sẽ xuất khẩu được dự kiến là 6,5 triệu tấn, lượng hàng tồn kho cũng giảm xuống, đời sống của 110.000 người dân vùng mỏ sẽ không bị ảnh hưởng.
Còn Bộ Công Thương cho rằng, cần điều chỉnh thuế để ngành than có điều kiện tái đầu tư và khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Ngành than tồn kho lớn, do đó cần tạo điều kiện cho Vinacomin giữ được hệ số tín nhiệm tốt.
Việc giảm thuế xuất khẩu than có thể giải quyết bài toán trước mắt của Vinacomin nhưng nó sẽ khiến cho nguy cơ nhập khẩu than ngày càng cao.
Tương tự như vậy, Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Ủy ban kinh tế Quốc hội nới lỏng chính sách tín dụng đối với các DN sản xuất, kinh doanh bất động sản.
Theo đó, sẽ bổ sung các DN sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm được hưởng hỗ trợ của NQ 13 và được khoanh nợ, giãn nợ. DN được giảm lãi suất; cải cách các thủ tục cho vay, đồng thời, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và các Ngân hàng thương mại hỗ trợ DN trong việc thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay có gốc ngoại tệ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị nới lỏng chính sách tín dụng đối với các DN sản xuất, kinh doanh bất động sản. Để kích cầu, Bộ đề xuất giảm một nửa thuế GTGT xuống còn 5% đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân (diện tích căn hộ nhỏ hơn 90 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2) và mua lần đầu để ở.
Cục bộ
Không chỉ mang tính đơn lẻ, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các DN, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều đề nghị nặng tính “xin- cho”.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép TKV vay vốn ngân hàng nước ngoài dài hạn 10 năm trở lên để đầu tư phát triển mỏ mới. Các khoản vay này của TKV cần sự bảo lãnh của Chính phủ.
Đối với ngành điện, Bộ đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, bảo lãnh cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vốn nước ngoài và cho Tập đoàn có cơ chế đặc biệt trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong và ngoài nước.
Một số dự án cụ thể của các TCty, Tập đoàn cũng được Bộ Công Thương xin Chính phủ ưu đãi riêng. Ví dụ, ở dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Phát triển VN và Ngân hàng Viettinbank tiếp tục cho chủ đầu tư - TCty Thép VN vay bổ sung đối với phần vốn tăng thêm của dự án.
Bên cạnh đó, ngành cơ khí được Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giá mua máy móc cho nông dân và hưởng cơ chế chỉ định thầu ở các dự án vốn Nhà nước chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư kéo dài đến hết quý III năm 2013.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị cho xuất khẩu tinh quặng titan, quặng apatit đang tồn kho, giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% cho sản phẩm động cơ dưới 30cv, kéo dài thời gian giảm 50% tiền thuê đất cho DN cơ khí đến hết năm 2013.
Đồng thời, Chính phủ cần gia hạn thêm thời gian chuyển khoản cổ tức đối với các DNNN thuộc đã cổ phần hóa mà nay, Bộ là đại diện quyền chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại đây, có văn bản thông báo bổ sung kinh phí 50 tỉ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Cũng vì các DN “ruột” của Bộ mình, mới đây Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Sông Đà vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài Bộ Tài chính để trả nợ Ngân hàng Natixis (CH Pháp). Theo kế hoạch trả nợ năm 2012, phần vốn phải trả ngân hàng này khoảng 437 tỉ đồng.
Hồi đầu năm, Bộ NNPTNT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho các DN sản xuất mía đường vay 3.200 tỉ đồng với lãi suất 0% trong 3 tháng để tạm trữ 200.000 tấn đường và xuất khẩu 100.000 tấn...
Một điểm chung trong các kiến nghị của nhiều Bộ ngành gần đây là đều đưa ra những giải pháp tình thế và mang tính cục bộ của riêng ngành mình quản lý, chưa đặt vào trong lợi ích chung của cộng đồng DN và toàn nền kinh tế. Thực tế, lấy ưu đãi có thể giải quyết được bài toán trước mắt cho DN nhưng rất có thể để lại nhiều hệ lụy cho ngành khác và các DN khác.
Tái cấu trúc các tập đoàn là động lực tái cấu trúc nền kinh tế nhưng khi cơ chế “xin- cho” vẫn còn lấp ló trong các giải pháp, thì rõ ràng đó sẽ là trở lực đối với tiến trình tái cấu trúc các tập đoàn.
Theo DDDN