“Quả đấm thép” và sự “tan chảy”

Thứ sáu, 05/10/2012, 14:37
Mới đây, website Chính phủ chính thức phát đi thông báo Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) kết thúc hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế. Như vậy, sau 3 năm thực hiện thí điểm theo mô hình tập đoàn, quyết định này là hồi chuông mở đầu, đánh dấu sự ghi nhận thất bại của mô hình.

>> “Hạ cấp” tập đoàn Sông Đà, HUD thành tổng công ty
>> Giải tán hai tập đoàn: Thời điểm nhìn lại
>> Bộ Xây dựng muốn trực tiếp quản lý 2 tập đoàn, 1 Tổng công ty
>> Tập đoàn nhà nước: Sự sao chép Chaebol tai hại

Gọi là "thí điểm”, có nghĩa kết quả hoặc là thành công, hoặc là thất bại, nhưng để thừa nhận sự thất bại là điều không dễ. Nói một cách lạc quan thì đây là sự dũng cảm, là việc dám nhìn thẳng vào sự thật, khi câu chuyện HUD có vẻ chỉ là điểm khởi đầu cho quá trình "thanh lọc” các tập đoàn kinh tế, và sâu xa hơn, là sự thành bại của cả một mô hình.

Sau 3 năm hoạt động, HUD trở thành "chúa Chổm” với tỷ lệ nợ trên vốn chủ cao ở mức ngất ngưởng của ngất ngưởng. Trước sự thất bại, câu hỏi "Tại sao” không thể không đặt ra.
 


Mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng các dự án của HUD đã liên tục được bơm thêm tiền.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn hôm qua đã đánh giá: việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn này, rằng: "khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy”, trong bối cảnh "Quan hệ sản xuất đi trước một bước” nên việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công.

ĐBQH Lê Thị Nga từng nêu ý kiến, "Ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, chưa tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế. Chỉ trong hai năm (2005 - 2007), liên tiếp 8 tập đoàn kinh tế được thành lập.

Đến năm 2009, ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, trong khi chưa có tổng kết thí điểm, lại có thêm 4 tập đoàn mới, xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản”.

Tạo ra những quả đấm thép, tạo sức mạnh cho nền kinh tế có vẻ là lý do hấp dẫn cho việc thành lập ồ ạt các tập đoàn kinh tế, dù "chỉ bằng một quyết định hành chính”- như lời bà Nga, bất chấp năng lực tích tụ vốn liếng ra sao, trình độ nhân sự quản lý thế nào, hay tối thiểu là một khung pháp lý cho chúng hoạt động và cũng là để giám sát.

ĐBQH Lê Thị Nga cũng bình luận việc thực hiện quyền sở hữu giám sát đầu tư và Nhà nước quản lý chuyên ngành; vị thế độc quyền và những ưu đãi "giúp tập đoàn kinh tế biện minh cho sự hoạt động kém hiệu quả”. Và "Đây chính là lỗ hổng pháp lý có thể tạo ra khả năng dẫn đến sự chi phối chính sách và lợi ích nhóm” .

Nhưng câu trả lời cũng không đơn giản chỉ là nóng vội. Bởi cũng là tập đoàn kinh tế, theo mô hình những Toyota, Samsung, Huyndai, nhưng tập đoàn kinh tế Nhật, Hàn khác về cơ bản so với tập đoàn kinh tế Việt Nam ở chỗ chúng là những tập đoàn kinh tế tư nhân, có nghĩa là chúng phải cạnh tranh và không có một ngân sách mềm nào để trở thành "những đứa con hư của nhà trọc phú”.

"Cái chết” của VNIC, của HUD ngày hôm nay đang cấp thiết đặt ra vấn đề tạo động lực, thông qua việc buộc phải có sự cạnh tranh giữa chính các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và ràng buộc ngân sách cứng để những "quả đấm thép” còn lại không tiếp tục "tan chảy”.

Chứ nếu chỉ dừng ở việc chúng đổi "chủ” (quản) thì chỉ là sự đổi sang chiếc bình, thực ra cũng không mới, và HUD, hay VNIC, chỉ là những quân cờ đônimô kế tiếp mà thôi.
 

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn