Xin đơn cử một ví dụ về chuyện làm ăn thua lỗ ở các dự án xi măng. Đứng đầu top 10 dự án thua lỗ là Xi măng Cẩm Phả lỗ 1.259 tỷ đồng, tiếp đến là Xi măng Hạ Long 1.215 tỷ đồng, Xi măng Yên Bình 932 tỷ đồng, Xi măng Hải Phòng (mới) 361 tỷ đồng, Xi măng Đồng Bành gần 197 tỷ đồng (đã phải dừng hoạt động từ quý I/2012), Xi măng Sông Thao 173 tỷ đồng, Xi măng Thăng Long 127 tỷ đồng…
Câu hỏi đặt ra là tại sao các dự án lớn được đầu tư bởi các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp giỏi làm ăn mà lại đồng loạt “thở hắt ra” như vậy? Câu trả lời sẽ là tại dự án chậm tiến độ dẫn tới đội giá thành, rồi do vay ngân hàng lãi suất cao và điều cốt lõi là sản xuất ra không bán được.
Xi măng Cẩm Phả ngập trong nợ nần.
Thực ra đây không phải là lần đầu các doanh nghiệp xi măng “chết”. Hơn chục năm trước các tỉnh đua nhau nhập công nghệ xi măng lò đứng của Trung Quốc, thứ công nghệ mà nước bạn “thải ra” chỉ còn có tác dụng làm sắt vụn đem về Việt Nam. Khi đó nhiều tỉnh có nhà máy xi măng lò đứng hỉ hả ra mặt, coi đây là “mũi nhọn” trong việc “công nghiệp hóa” tỉnh nhà.
Chất lượng xi măng lò đứng phập phù đến nỗi người dân làm nhà không dám mua để đổ trần thì làm sao vào được các công trình lớn. Mặc dù nhiều tỉnh “nhắm mắt” ra “chỉ thị” các công trình xây dựng trong tỉnh phải dùng xi măng lò đứng trong tỉnh sản xuất để “kích cầu” tiêu thụ mà thực chất là cứu “con chim đầu đàn” lĩnh vực công nghiệp tỉnh nhà.
Nhưng cuối cùng xi măng lò đứng cũng đồng loạt “nằm xuống”. Tỉnh nào cũng “đi” như vậy, không ai “cười vào mũi” ai được, người nào “bản lĩnh” lắm thì coi đó là bài học về đầu tư, còn không thì phủi tay cho qua.
“Thủ phạm” làm chết các nhà máy xi măng lò đứng chính là các dự án xi măng sử dụng công nghệ lò quay hiện đại, công suất lớn, chất lượng ổn định. Dăm năm trước nhu cầu xây dựng tăng cao, những cơn sốt xi măng làm bao nhiêu chủ đầu tư điêu đứng vì giá thành xây dựng đội lên. Khi đó nhiều “đại gia” thấy đầu tư vào dự án xi măng ngon ăn, vì thế tìm mọi cách “nhảy” vào xây nhà máy.
Bình thường để đầu tư xây dựng một dự án xi măng, ngoài những thủ tục cần có, điều đơn giản nhất là dự án đó có nằm trong chiến lược phát triển của ngành đã được phê duyệt hay không. Bởi trong chiến lược này đã có dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng những năm tiếp theo, giờ “soi” lại, có bao nhiêu dự án phơi mình nằm ngoài bản chiến lược phát triển này?
Vay lãi tùm lum, đầu tư ngoài ngành, xây mới ồ ạt không tính đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường dẫn đến hệ quả như ngày hôm nay, đồng loạt các dự án xi măng kêu lỗ. Vậy ai phải “gánh” khoản lỗ này?
Nguồn tin từ Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng tính đến cuối năm 2011 là 1,365 tỉ USD với 16 dự án. Trong đó, xi măng Đồng Bành 45 triệu USD; Xi măng Thái Nguyên 59 triệu USD (năm 2005); Xi măng Tam Điệp 133 triệu USD (năm 2000); Xi măng Hoàng Mai 145 triệu USD (năm 1998)…
Phần lớn các khoản vay đều rơi vào tập đoàn, TCty nhà nước, theo quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay nước ngoài, ban hành kèm Quyết định 272/2006/QĐ-TTg, với tất cả các khoản vay đã được bảo lãnh khi DN không thực hiện, người bảo lãnh sẽ thực hiện các nghĩa vụ đó.
Không làm ăn được chỉ cần kêu lỗ, Chính phủ gánh nợ, chủ đầu tư… sướng vậy sao?
Theo PL&XH