Chỉ hai ngày sau khi tiếp thu góp ý từ phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2012 của Chính phủ đã được hoàn tất để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ được khai mạc vào sáng 22/10 tới.
Một trong những điểm mới tại đây là đi kèm với các đánh giá, nhận định đã có những địa chỉ cụ thể, khi đánh giá về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Chính phủ, đã giảm về số lượng nhưng doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thì quy mô vốn tăng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ...
Đi kèm với đánh giá một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có hành vi tiêu cực, vi phạm
pháp luật, gây lãng phí, bản báo cáo cũng chú thích “điển hình như vụ việc tại Vinashin,
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…”.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, là chủ lực trong việc bảo đảm các cân đối lớn, có vai trò giúp Nhà nước trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế; thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đầu tư những dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước, mặc dù hiệu quả về kinh tế thấp nhưng hiệu quả về xã hội rất lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa đủ khả năng làm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận “hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Công tác quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới. Việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập”.
Một số tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ lớn được điểm danh (theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước ngày 5/9/2012) là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Quân đội, hoặc có lãi nhưng hiệu quả chưa cao như Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí. Một số doanh nghiệp sử dụng đất kém hiệu quả có Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…
Đi kèm với đánh giá một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây lãng phí, bản báo cáo cũng chú thích “điển hình như vụ việc tại Vinashin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…”.
Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cùng những hành vi vi phạm pháp luật gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước, để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, báo cáo viết.
Không có con số cụ thể về thất thoát, lãng phí từ các doanh nghiệp nhà nước, song các con số là kết quả của tiết kiệm đã xuất hiện. Với tổng số tiền tiết kiệm do tiết giảm chi phí năm 2012 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đăng ký là 12.548,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng chi phí đã thực hiện tiết giảm được theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty ước tính là 4.433 tỷ đồng.
Rất cụ thể, phụ lục báo cáo đã cung cấp thông tin về tổng số tiền đăng ký tiết kiệm trong cả năm 2012 và kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm của 12 tập đoàn, 11 tổng công ty 91 và 18 tổng công ty nhà nước khác.
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đăng ký tiết kiệm 3.720.000 triệu đồng và đã thực hiện được 1.850.912 triệu đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiết kiệm 1.090.454 triệu đồng trong tổng số 1.880.000 triệu đồng đăng ký....
Đáng chú ý, Vinashin đăng ký tiết kiệm 191.446 triệu đồng, song chưa thấy con số đã thực hiện. Tương tự, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm cũng vẫn bỏ trống với các tập đoàn Bảo Việt, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Sông Đà, dù các con số đăng ký lần lượt là 145.000 triệu đồng, 125.000 triệu đồng và 158.060 triệu đồng.
Với các tổng công ty 91, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đăng ký tiết kiệm 105.059 triệu đồng, song dòng kết quả vẫn để trắng. Các tổng công ty Hàng không, Xi măng, Đường sắt cũng chưa thấy con số tiết kiệm, dù đều đăng ký lần lượt là 343.000; 382.800; 84.000 triệu đồng.
Tổng công ty Thép Việt Nam đã tiết kiệm 84.319 triệu đồng, con số cao nhất ở khu vực doanh nghiệp này, báo cáo cho biết.
18 tổng công ty khác, không một dòng kết quả nào để trống, còn thành tích thực hiện cao nhất thuộc về Tân Cảng Sài Gòn với 145.000 triệu đồng trong nửa năm.
Cũng liên quan đến việc thực hành tiết kiệm của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - vấn đề luôn nóng bỏng tại nghị trường - tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội vào giữa năm qua, Chính phủ cho biết con số cụ thể được dẫn theo báo cáo của 12 tập đoàn, tổng công ty 91, trong 5 năm đã tiết kiệm được trên 13.738 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đầu tư xây dựng.
Trong đó tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh là 9,6 nghìn tỷ đồng và tiết kiệm trong đầu tư xây dựng trên 4 nghìn tỷ đồng.
Theo tài liệu từ Ủy ban Kinh tế, doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu. .
Theo Vneconomy