Lập nghiệp từ ếch

Thứ hai, 24/06/2013, 11:15
Tốt nghiệp phổ thông trung học và đủ điểm vào học ngành xã hội học của Đại học Quốc gia Singapore cách đây 6 năm nhưng cô thiếu nữ xinh đẹp Chelsea Wan lại ở nhà giúp gia đình nuôi ếch.

Trại ếch Jurong rộng 1,2ha do cha cô, một cựu kỹ sư giàn khoan dầu khí gây dựng từ những năm 1970 khi chính phủ bắt đầu chính sách xóa bỏ trại nuôi heo và khuyến khích thú nuôi khác phù hợp với điều kiện vệ sinh môi trường và thổ nhưỡng của Singapore.

Trả lời phỏng vấn báo The Sunday Times, cô Wan cho biết thời gian đầu khởi nghiệp thu nhập của cha cô không đủ để gia đình sống thoải mái vì thịt ếch không phải là mặt hàng chính của thị trường thực phẩm.

chelsea wan
 "Công chúa" Chelsea Wan đang nâng niu một chàng "hoàng tử" ếch.

Năm 1999, gia đình cô bắt đầu bán ống dẫn trứng ếch, được gọi là Hashima, một món ăn bổ dưỡng tráng miệng được nhiều người dân châu Á ưa chuộng mà Singapore vẫn thường nhập từ Trung Quốc.

Khi đó, cô Wan tranh thủ thời gian sau giờ học đi giới thiệu và thuyết phục các tiệm thuốc Bắc nhận bán sản phẩm Hashima khô đóng gói. Sự từ chối hay nghi ngại của các tiệm thuốc Bắc vẫn không làm cô nản lòng và đến vòng tiếp thị thứ ba, 15 tiệm đã chấp nhận mỗi tiệm bán 10 gói dưới hình thức ký gửi.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2011 sau nhiều vòng thuyết phục, cô mới bắt đầu có đơn đặt hàng, đầu tiên là các tiệm thuốc Bắc, sau đó là các nhà hàng nơi thực khách đã dùng thử.

Theo báo The Sunday Times, nếu như trước đây các tiệm thuốc Bắc hay nhà hàng trên đảo Sư tử hay nhập Hashima từ Trung Quốc, nay bắt đầu chuyển sang đặt mua hàng sản xuất tại Singapore vì các nhà cung cấp Trung Quốc tăng giá và có khi chất lượng sản phẩm không đều.

Ông Amos Pech, chủ tiệm thuốc Bắc Nam Huat Lee ở vùng Choa Chu Kang phía Tây Bắc Singapore, cho biết 80% nguồn hàng Hashima hiện nay của ông là “made in Singapore”.

Năm ngoái, giá một lạng (37,5g) Hashima từ Trung Quốc đã tăng từ 70 đô la Singapore (SGD) lên 100SGD, trong khi giá sản phẩm cùng loại của trại nuôi ếch Jurong chỉ khoảng 40-60SGD/lạng.

Các nhà cung cấp Trung Quốc nói với ông Peck giá tăng vì nhu cầu tiêu thụ Hashima ngày càng tăng. Ông cho rằng nếu mua ở Singapore sẽ rẻ hơn, chất lượng đảm bảo và dễ điều chỉnh khi cần.

Theo nhiều chủ tiệm thuốc Bắc, người Singapore nay đã hiểu hơn về công dụng của thức ăn bổ dưỡng Hashima và có người gọi đây là nước yến ngân nhĩ rẻ tiền, điều này có ý nghĩa quan trọng cho DN nuôi ếch của cô Wan.

Doanh số bán hàng của trại nuôi ếch Jurong đã tăng mạnh trong năm ngoái với 2.000 gói Hashima khô và 3.000 hộp ăn liền. Theo dự kiến, Hashima đóng hộp ăn liền sẽ có mặt ở hệ thống siêu thị Fairprice vào cuối năm nay.

Cô Wan cho biết đang triển khai sản xuất Hashima có hàm lượng đường thấp, đồng thời tăng sản lượng ếch nuôi và mở rộng diện tích trại ếch. Mỗi ngày cô Wan dành thời gian trông coi trại, nhận đơn mua hàng và thỉnh thoảng phải tham gia việc lột da và móc ruột ếch.

Cô tiết lộ rằng lương hàng tháng của cô khoảng 3.000SGD, thấp hơn một ít so với lương kỹ sư mới ra trường. Mọi so sánh thật ra chỉ là khập khiễng, nhưng cô Wan cho biết cô làm công việc này với niềm say mê và điều thích thú là cô có thời gian thảnh thơi để trồng khoai lang hay nuôi cá tilapia.

Theo SG ĐTTC

Các tin cũ hơn