Ông Huỳnh Uy Dũng - chủ khu du lịch Đại Nam đã đứng ra tố cáo, kiện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ về những vi phạm, những kiểu 'hành' doanh nghiệp của vị lãnh đạo này. Vụ kiện được cho là rất hy hữu đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vụ kiện này, trả lời phỏng vấn trên VTC News mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đã khẳng định nhiều nội dung ông Dũng tố cáo là 'bịa đặt, lừa đảo'.
Ông Huỳnh Uy Dũng trả lời phỏng vấn VTC News. Ảnh: Minh Long |
Thực sự, doanh nghiệp là chiến sỹ kiến quốc, là những người nộp thuế, tạo công ăn việc làm, tạo an sinh xã hội, tạo sức mạnh cho đất nước v.v… Nếu cứ mãi bị cái “lệ” nó đè lên cái “luật”, họ “chết” hết còn ai nộp ngân sách, ai nuôi sống nội lực đất nước, sự cường thịnh của đất nước đâu ra. Con người phải có lòng tự trọng, khi quá rồi tôi mới làm vậy.
Nếu họ không có lương tâm đi nữa nhưng cố gắng làm đúng luật pháp là doanh nghiệp mừng lắm rồi. Khi quyết định làm vụ này, tôi xác định từ giã con đường doanh nghiệp, trong di chúc dành cho con trai tôi cũng không mong muốn nó làm doanh nghiệp nữa. Tôi sợ quá rồi. Tôi may mắn thoát ra được. Vợ chồng tìm cách tháo gỡ xóa hết nợ nần. Tôi nghĩ nếu tiếp tục làm, mình sẽ chết vì cái “lệ” này.
Tôi là người đại diện, sẵn sàng hy sinh để nói lên tiếng nói của doanh nghiệp. Họ khổ lắm rồi, họ sắp chết hết rồi thì chính quyền phải dành một chút lương tâm. Trước khi tôi làm điều này, tôi xóa hết nợ ngân hàng, ủy quyền, tặng, cho hết tài sản cho con, làm từ thiện chứ tôi không mang gì theo.
Khu công nghiệp Sóng Thần 3 buộc phải để hoang sau nhiều năm mỏi mòn chờ lãnh đạo tỉnh Bình Dương phê duyệt |
Tôi đã gửi đơn thư rất nhiều, chờ riết chịu không nổi nên mới tố cáo. Khi làm điều này, tôi như tự đâm vào chính con tim tôi. Cả cuộc đời tôi, trong giấc ngủ tôi vẫn suy nghĩ làm thế nào để cho Bình Dương phát triển suốt mấy chục năm nay.
Tôi dám chắc, giỏi cỡ Bill Gates ở Mỹ qua Việt Nam mà bị những văn bản này cũng “chết”, ngân hàng không cho vay, nợ ngân hàng thì để đó. Bên này thì không cho góp vốn, không cho chuyển nhượng, không cho bán trong khi đất của mình đi mua, được cấp sổ đỏ, được 5 cái quyền của Quốc hội ban hành. Họ tước đi những cái quyền đó, rồi họ kéo, đẩy, đổ qua người này người kia thì không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại với kiểu làm việc như vậy.
Tôi không biết một cá nhân hoặc một số cá nhân có vì lợi ích nhóm hay không, chứ người dân Bình Dương tốt lắm. Quyết định của họ như một bản án kết án cho doanh nghiệp sụp đổ. Những năm 2009, lãi suất ngân hàng rất cao, từ 2009 đến giờ không cho buôn bán dưới mọi hình thức.
Tôi mua đất để làm dự án, kinh doanh chứ đâu phải để tiêu xài. Nếu tôi làm bản chi tiết 1/500 sẽ có nhà đầu tư thứ cấp, doanh nghiệp đầu tư vào, họ mua để xây nhà ở cho công nhân, cán bộ công nhân viên cũng có thể xây nhà trọ làm sao đảm bảo được kiến trúc, đúng được mục đích phục vụ cho công nhân ở đó.
Dự kiến khu đất đó có khoảng 30-50 ngàn người lao động làm việc do vậy phải có chỗ ở kèm theo. Tôi đâu có làm nhà cho giới nhà giàu đâu, nhà giàu qua thành phố mới ở, còn tôi đi vào đối tượng người nghèo, người lao động thu nhập thấp. Sau khi có bản chi tiết 1/500, tôi đi tìm những người dân bị thiệt hại, bị đền bù ở đó. Tôi không biết họ, bởi tôi mua của tỉnh mà. Tôi giải quyết cho họ có khi một hai lô đất, có khi một nhà trọ. Họ dùng tiền trích ra xây nhà để phục vụ cho công nhân, để có nguồn thu nhập. Tôi đã tính đến mức độ đó.
Ổ voi, ổ trâu ngập trũng nước do chủ đầu tư không dám đầu tư vì vướng quy hoạch 'treo' |
Việc tôi cắt hộ khẩu ra đi khỏi tỉnh Bình Dương, mở cửa đền Đại Nam để người dân tham quan miễn phí là hoài bão tôi muốn để lại cho đời. Bây giờ Đại Nam đã mở miễn phí cho dân rồi. Còn bên du lịch tôi dự tính sau này đủ vốn tôi bàn giao lại cho người khác làm, lấy tiền đó xây đền, đình, số còn lại đưa vào quỹ từ thiện.
Tôi xác định dâng hiến hết cho xã hội. Đứng ở vị trí như thế tôi mới dám tố cáo vụ việc. Nếu xác định còn làm nữa, cuộc đời tôi không muốn kiện cáo thế này đâu.
Cũng cần nói thêm, thời điểm năm 2008-2009 rất khó khăn, chuẩn bị mở cửa Đại Nam, tôi phải huy động vốn của nhân viên để thực hiện dự án cũng là lúc bắt đầu “treo” dư án. Tôi phải huy động khoảng 410 tỷ đồng tiền vốn để chờ xây nhà trọ. Chờ hoài không được thì nhân viên đã trả lại. Tôi trả lại họ vốn và lãi ngân hàng. Đến giờ này, số đất cho nhân viên góp vốn khoảng 410 tỷ, tôi đã thu hồi lại được phân nửa.
Vì tiền của họ góp vốn vô chờ thực hiện tiếp dự án. Họ là nhà đầu tư thứ cấp nhưng do kéo dài quá họ không chịu nổi. Bất cứ ai, chỉ cần trong vòng 5 phút đồng hồ là tôi trả lại tiền cọc và lãi ngân hàng. Tôi đã trả được 50% nhân viên góp vốn. Họ hầu hết là những người nghèo không có tiền mua nhà trong khu thành phố mới, nên đầu tư vào đất của tôi để cất nhà, phục vụ cho công nhân thuê ở .
Bản quy hoạch chi tiết 1/500 tôi nộp từ 26/10/2009. Cho tới giờ tôi vẫn không thay đổi so với quy hoạch chi tiết 1/2000, không phá vỡ cảnh quan đô thị, không sai một mét đất nào.
Tôi thề, từ nay đến lúc chết đi tôi không dám đi vay mượn một đồng nào nữa, nếu tôi phạm lời thề, trời tru đất diệt. Trái tim tôi tất cả vì Bình Dương, ngồi 15 - 16 tiếng/ngày, suy nghĩ làm gì cho Bình Dương, tôi làm hết sức mình.
Thôi chuyện đời mà, ông bà xưa có câu “được chim thì quăng ná”, "được cá thì quăng nôm”. Tôi thấy bản thân đã quá đủ, tôi rời Bình Dương để ra đi. Tất cả những gì của Bình Dương tôi đưa vào từ thiện. Tôi xây dựng 17 ngôi đền thờ ông cha tổ tiên, có thành lập hội đồng kiểm duyệt đàng hoàng.
Tâm niệm cuối cùng, tôi mong các vị lãnh đạo đất nước, chính quyền nên quan tâm đến các doanh nghiệp, trong đó không có tôi. Tôi nói cho những người còn lại, đang kinh doanh làm ăn. Họ phải biết xót xa cho những người bị phá sản. Có nhiều lý do, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là nếu doanh nghiệp nào giống tôi thì phá sản rất nhanh".
Theo VTCNews