Nguy hiểm thủ đoạn gom vỏ bình gas
Thời gian gần đây, hàng loạt các hãng kinh doanh gas như: Hồng Hà gas, TL gas, Venus gas, Total gas... đồng loạt đứng lên tố cáo một số doanh nghiệp kinh doanh gas sử dụng thủ đoạn thu gom vỏ bình của hãng khác về “phù phép” thành hãng của mình nhằm thu lợi mà bỏ mặc sự nguy hiểm chết người đối với người dùng.
Thông thường phải mất 3 tháng, doanh nghiệp mới quay vòng được bình gas với người sử dụng. Vì vậy, nếu như những doanh nghiệp "ma" dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt vỏ bình thì công ty gas sẽ không những không có lãi mà bị lỗ mất hàng trăm nghìn đồng/bình gas. Và những công ty gas ít vốn sẽ bị đẩy đến đường phá sản. Còn những công ty làm ăn bất chính kia sẽ trúng đậm vì không phải mất chi phí làm vỏ bình.
Một sản phẩm mang tên Halonggaz được phát hiện đã sử dụng bình gas của hãng khác. |
Bình gas đã bị đập vỏ, mài mỏng sau đó "phù phép" thành bình gas của hãng khác, rất nguy hiểm cho người dùng vì không đảm bảo an toàn cháy nổ.. |
Để thu gom được vỏ bình của các hãng gas trên thị trường, những công ty "ma" dùng nhiều thủ đoạn như: giảm giá bán gas, khuyến mại tặng quà cho khách hàng đổi sang dùng sản phẩm của công ty này... Người tiêu dùng thấy lợi sẽ sẵn sàng đổi bình gas cho hãng khác mà không hề hiểu rằng đang phải đối mặt với những hiểm họa cháy nổ khôn lường.
Sau khi thu gom được vỏ bình, các công ty này sẽ tập kết để "phù phép" thành vỏ bình gas của công ty mình bằng cách: đập quai xách bình cũ để thay mới xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình quét lại thành tên công ty khác. Vì thế, các hãng gas bị chiếm đoạt vỏ bình gọi đây là chiêu "cắt tai mài vỏ" bình gas. Tuy nhiên, phía trong bình gas vẫn còn in chìm tên hãng gas. Và muốn xác định nguồn gốc của bình gas chỉ còn cách cắt đôi vỏ bình mới biết được.
Theo anh Lê Văn Anh - Phó phòng kinh doanh hãng gas Hồng Hà, ngoài việc doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu tổn thất kinh tế nặng nề thì việc nguy hiểm hơn là chính sự an toàn của người sử dụng. Bởi các bình gas bị "phù phép" vốn bị doanh nghiệp làm ăn phi pháp đập bỏ quai bình hàn lại, mài bỏ tên hãng gas in nổi trên vỏ bình sẽ vô cùng mất an toàn bởi kết cấu đã thay đổi. Nguy hiểm nhất là vỏ gas sau khi bị mài sẽ mỏng hơn nhiều gây nguy cơ rò rỉ, cháy nổ. Thực tế là đã có rất nhiều vụ tai nạn cháy nổ bình gas gây hậu quả thảm khốc xảy ra trong thời gian vừa qua.
Cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt
Trước thực trạng trên, đai diện của nhiều hãng gas cho biết sau một thời gian dài truy tìm các vỏ bình mất tích, các hãng gas này đã tìm thấy tài sản của công ty mình bị "hô biến" thành vỏ bình gas của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang (Công ty Điện Quang), trụ sở ở Lô 18, Khu công nghiệp Cái Lân - TP Hạ Long (Quảng Ninh) và đã trình báo lên phía cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh.
Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của các hãng gas, Công an tỉnh Quảng Ninh đã lập tức vào cuộc điều tra sự việc.
Số bình gas đã bị "phù phép" được cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh thu giữ tại trụ sở của Công ty Điện Quang. |
Sáng 23/10, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan bất ngờ kiểm tra Công ty Điện Quang tại KCN Cái Lân bắt quả tang hành vi sang chiết gas trái phép của công ty này.
Tại hiện trường sự việc, cơ quan công an đã thu giữ hơn 200 vỏ bình gas các loại. Công ty Điện Quang sử dụng thủ đoạn lấy vỏ bình của các hãng khác như Petrolimex, Total, Fgas; Xuân Nghiêm gas… cắt phần quai xách, mài vỏ, hàn và sơn lại để biến thành vỏ bình của hãng Thăng Long gas và HL Petro để chiết nạp gas vào và đưa ra thị trường.
Hành vi sang chiết gas trái phép của công ty này đã vi phạm các quy định tại Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng và các quy định khác về sản xuất hàng nhái, hàng giả.
Không những vậy, hành vi này còn xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của các hãng gas bị làm giả, gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ.
Theo Tri Thức