Không còn là chuyện của Cty Đại Nam
Giấy mời số 178/GM-UBND ngày 23.10.2013, do ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh BD - ký và đóng dấu, có nội dung: “Trân trọng kính mời ban lãnh đạo Cty CP Đại Nam đến dự cuộc họp bàn giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án KCN Sóng Thần 3”. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra 14 giờ, ngày 28.10.2013, tại UBND tỉnh BD.
Theo giấy mời: “Những ngày vừa qua, trên một số báo có đăng thông tin UBND tỉnh BD không giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai dự án KCN Sóng Thần 3. Thực tế đến nay, UBND tỉnh chưa tiếp nhận được các kiến nghị chính thức từ Cty CP Đại Nam (đơn vị chủ đầu tư dự án KCN Sóng Thần 3)”.
Ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam |
Cuộc họp trên sẽ là cơ sở để UBND tỉnh BD xem xét, giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc cho Cty Đại Nam”. Tuy nhiên, một điều không ai ngờ, ông Huỳnh Uy Dũng đã chính thức từ chối lời mời “trân trọng” này!
Phát biểu với PV Lao Động, ông Huỳnh Uy Dũng nói: “Nếu cách đây 7 năm, UBND tỉnh BD mời tôi đến gặp để tháo gỡ khó khăn cho DN, như thế này thì, tôi phải trăm “trân” ngàn “trọng” biết ơn để đến gặp. Còn bây giờ, sự quan tâm của UBND tỉnh BD không đúng lúc.
Cty chúng tôi đã chờ đợi mòn mỏi hơn 7 năm nay rồi, giờ có chờ thêm một thời gian nữa cũng không sao. Nếu không có đơn tố cáo của tôi và công luận lên tiếng, liệu UBND tỉnh BD “trân trọng” mời Cty chúng tôi đến họp bàn giải quyết vướng mắc, khó khăn trong dự án KCN Sóng Thần 3 hay không?
Tôi chờ sự giải quyết công bằng, kết luận rõ ràng, minh bạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương. Tôi nghĩ rằng, giờ này, câu chuyện trên không còn là chuyện riêng của Cty Đại Nam; trái lại, nó đã trở thành vấn đề chung của nhiều DN chung cảnh ngộ... Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ chuyện này, cũng là để giúp rất nhiều DN đã - đang bị cái “lệ” của địa phương đè nặng như Cty Đại Nam trong suốt nhiều năm qua”.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 26.10, người phát ngôn của Chính phủ - ông Vũ Đức Đam (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) - cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã nhận được đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng. Quan điểm của Chính phủ trước hết là rất hoan nghênh tất cả những công dân và DN phản ánh những điều không phù hợp trong lĩnh vực quản lý nhà nước hay có những góp ý, tố cáo mang tính xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ đang xem xét đơn và sẽ giải quyết theo đúng quy định của Luật Tố cáo. Chính phủ cũng sẽ xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan nếu phát hiện có sai phạm, để đảm bảo môi trường đầu tư thật sự lành mạnh.
Luật của Quốc hội thua… “lệ” của UBND tỉnh?
Trong khi đó, như Lao Động đã thông tin: Ngày 24.10, trong một cuộc gặp gỡ “bất thường” với gần 20 nhà báo, đại diện UBND tỉnh BD đã cung cấp một văn bản... bất bình thường, do Sở Xây dựng tỉnh BD ban hành số 2244/BC-SXD đề ngày 1.10.2009.
Điều đáng nói, trong nội dung của văn bản “lạ” này, Sở Xây dựng cho rằng: “Việc Cty CP Đại Nam thỏa thuận góp vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng dự án khu Sóng Thần 3, mặc dù theo Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản thì được thỏa thuận góp vốn, nhưng ở Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sóng Thần 3, thì việc thực hiện góp vốn không đúng quy định pháp luật, do: Thực chất của thỏa thuận góp vốn là chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo từng lô đất, trái với chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 3259/UBND-KTTH ngày 14.11.2008... (?!)”.
Thật lạ lùng, Sở Xây dựng đã công nhận Cty Đại Nam “thỏa thuận góp vốn” là đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản...; nhưng sau đó lại kết luận việc góp vốn này là “trái với chỉ đạo của UBND tỉnh” (?!). Chẳng lẽ, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản do Quốc hội ban hành lại không có giá trị pháp lý, thua cái “lệ” - chỉ đạo của UBND tỉnh BD?
Theo LS Phan Văn Hải (Đoàn luật sư TPHCM): Văn bản báo cáo kiểm tra tình hình thực hiện dự án khu đất ở Sóng Thần 3, mà Sở Xây dựng tỉnh BD ban hành lần sau là căn cứ vào chỉ đạo của ông Nguyễn Hoàng Sơn (Chủ tịch UBND tỉnh BD lúc đó), chứ không phải căn cứ vào biên bản cuộc họp của các cơ quan có thẩm quyền được phân công đi kiểm tra và không có sự tham gia của chủ đầu tư là đối tượng bị kiểm tra và một thành viên khác trong đoàn như văn bản báo cáo lần đầu.
Như vậy là không bình thường, bởi lẽ, đây là báo cáo kiểm tra tình hình thực hiện dự án. Vì vậy, hình thức bản báo cáo không thể thiếu phần kết quả kiểm tra thực tế. Song, văn bản báo cáo sau lại không thấy Sở Xây dựng thể hiện (?).
Câu chuyện ông Huỳnh Uy Dũng từ chối lời mời – cơ hội “vàng” - của UBND tỉnh BD, nhằm tháo gỡ vướng mắc quy hoạch cho Cty Đại Nam, sau 7 năm bị “ngâm” hồ sơ quy hoạch rõ ràng không còn là chuyện riêng của Cty này nữa...
Và như vậy, một khi vấn đề được xử lý, giải quyết thỏa đáng sẽ góp phần giúp không ít DN đã và đang bị “cái lệ” của địa phương vượt lên trên luật, hành hạ, gây khốn khổ trong suốt nhiều năm qua.
Theo Lao Động