Indonesia đang nổi lên như trung tâm ôtô mới của Đông Nam Á, bên cạnh Thái Lan. Sự phát triển thần tốc của quốc gia này là bài học kinh nghiệm cho những nước có tham vọng tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu mang nhiều giá trị như ôtô. Trong đó có Việt Nam. Những so sánh dưới đây dựa trên số liệu của báo cáo của hãng IHS và thực tế thị trường.
Quy mô thị trường
Indonesia có dân số 240 triệu người, đứng thứ tư thế giới. Đất nước trải dài 5.000 km từ Tây sang Đông và có nguồn khoáng sản lớn như thiếc đứng thứ hai thế giới, đồng đứng thứ tư. Sản lượng dầu cọ lớn nhất thế giới và cao su tự nhiên đứng thứ 2.
Dòng xe bán chạy tại Indonesia là MPV và đứng đầu trong số đó là Toyota Avanza. |
Năm 2012, Indonesia xuất xưởng 1 triệu xe. Đa phần là tiêu thụ nội địa. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ. Có tới 95% xe hơi ở đất nước vạn đảo là xe Nhật. Trong đó Toyota chiếm 36,7% thị phần (năm 2012).
Việt Nam năm 2012 tiêu thụ 93.000 xe (gồm cả nhập khẩu), nhỏ hơn 10 lần Indonesia trong khi quy mô dân số 90 triệu người. Hãng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Toyota với 27%.
Thị hiếu khách hàng Indonesia tập trung vào xe đa dụng với tỷ lệ tới hơn 50%. Trong khi Việt Nam lại có xu hướng ưa chuộng dòng xe con.
Chính sách thuế
Indonesia áp dụng hai mức thuế cơ bản là nhập khẩu và hàng xa xỉ (tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam). Thuế nhập khẩu ở mức 40% dành cho xe nguyên chiếc. Nếu lắp ráp dưới dạng CKD (bộ linh kiện hoàn chỉnh) thuế nhập là 10% và lắp dưới dạng IKD (bộ linh kiện không hoàn chỉnh) thuế là 7,5-8%.
Thuế xa xỉ phân theo các dung tích động cơ, dao động trong khoảng 30-75%. Riêng với dòng xe chiến lược với tỷ lệ nội địa hóa trên 60% thì thuế xa xỉ chỉ là 10% hoặc thấp hơn, nhằm khuyến khích các hãng tham gia.
Trong hơn 10 năm, Indonesia thay đổi rất ít chính sách thuế nhằm tạo môi trường ổn định.
Trong khi đó Việt Nam áp thuế nhập khẩu ở mức 68-78% cho xe nguyên chiếc, 20% trung bình cho CKD và không có hình thức IKD. Tiếp theo đó là thuế tiêu thụ đặc biệt đánh theo dung tích xi-lanh, từ 45-60%.
Nhưng khác với Indonesia, thuế ở Việt Nam tùy biến theo những mệnh lệnh hành chính. Năm 2007 và 2008 được coi là đỉnh cao của sự bất ổn thuế. Riêng 2007, thuế nhập khẩu khẩu xe mới giảm từ 90% xuống 80% rồi 70% và cuối cùng là 60%.
Sang 2008, với mục tiêu "giảm ách tắc giao thông", chỉ trong 4 tháng thuế tăng lại thành 70% và 83%. Một tốc độ thay đổi mà gần như không quốc gia nào có, theo nhận định của giới chuyên gia.
Không chỉ thuế, thị trường ôtô Việt Nam còn liên tục bị ảnh hưởng bởi chính sách phí. Trong 2012, dự thảo phí hạn chế phương tiện được cho là nguyên nhân chính của việc sụt giảm tới 33% so với 2011.
Xe chiến lược
Năm 2007, Indonesia đặt kế hoạch phát triển xe chiến lược giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu. Chính phủ nước này quy định ôtô nằm trong diện ưu đãi cần có dung tích động cơ dưới 1.200 phân khối, giá dưới 10.000 USD và tiêu thụ nhiên liệu dưới 5 lít cho 100 km. Tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Chương trình này, nằm trong tổng thể chiến lược LCEC thu hút 1,8 tỷ USD đầu tư của các hãng Nhật.
Năm 2009, Bộ Công thương đề xuất về dòng xe chiến lược, dựa trên sự thành công của dòng bán tải pick-up ở Thái Lan và đa dụng MPV ở Indonesia. Nhưng sự bất đồng làm đề xuất này bị cất vào ngăn tủ. Cho đến giờ, Việt Nam vẫn chưa có gì riêng.
"Indonesia làm được vì họ có sự đồng thuận. Còn chúng ta thì không", ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương nhận định.
Công nghiệp phụ trợ
Thống kê của IHS cho thấy năm 2008 Việt Nam chỉ có 14 công ty sản xuất phụ kiện Nhật Bản. Trong khi Indonesia là 160. Thái Lan lớn nhất Đông Nam Á với 500 công ty Nhật đầu tư.
Điều đó kéo theo năm 2010, tỷ lệ nội địa hóa ôtô Việt Nam chỉ là 10%. Còn Indonesia đã đạt 75%.
Việt Nam có tỷ lệ lỗi cao kỷ lục 250 ppm (250 sản phẩm lỗi trên 1 triệu ra lò) trong khi ở Indonesia chỉ là 4 ppm.
Tham vọng xuất khẩu
Indonesia đặt tham vọng đạt sản lượng 2,59 triệu xe vào 2020. Trong đó tiêu thụ nội địa 1,97 triệu và xuất khẩu 620.000 chiếc.
Việt Nam chưa từng đặt tham vọng xuất khẩu xe hơi.
Bảng thuế nhập khẩu và hàng xa xỉ một số dòng xe chủ yếu tại Indonesia:
Dung tích động cơ | Dạng xe | Thuế nhập khẩu | Thuế hàng xa xỉ | |||
CBU | CKD | IKD | ||||
Xe sedan | - 1.500 cc trở xuống - 1.501-3.000 cc (máy xăng)/2.500 cc (máy dầu) - 3.001 cc trở lên (máy xăng)/2.501 cc trở lên (máy dầu) |
9 chỗ trở xuống | 40% | 10% | 8% |
30% 40% 75% |
Xe một cầu (minivan, hatchback) |
- 1.500 cc trở xuống |
9 chỗ trở xuống | 40% | 10% | 7,5% |
10% 20% 40% 75% |
Xe hai cầu |
- 1.500 cc trở xuống |
9 chỗ trở xuống | 40% | 10% | 7,5% |
30% 40% 75% |
Theo VnExpress