Bí mật chôn vùi kho vàng Nguyễn Duy Hiệu

Chủ nhật, 20/10/2013, 14:20
Chỉ tồn tại hơn 10 năm nhưng hơn 100 năm sau phong trào Cần Vương vẫn còn để lại trong dân gian một câu hỏi lớn về những địa điểm chôn vàng suốt dọc đường kháng chiến. Thời gian trôi đi đã phủ lên những kho vàng một lớp huyền thoại quá sức hấp dẫn lôi kéo nhiều người vào những cuộc tìm kiếm vô vọng.

Gánh vàng lên núi trong đêm

Lãnh tụ nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu còn được dân gian gọi là ông Hường Hiệu. Năm 1885 kinh đô thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở, Trần Văn Dư bị Pháp bắt xử trảm, Nguyễn Duy Hiệu lên làm hội chủ nghĩa hội Quảng Nam, lập ra căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc, nay là xã Quế Lộc huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam. Đây là căn cứ quân sự, hành chính quan trọng nhất của phong trào nghĩa hội Quảng Nam mặc dù nó chỉ tồn tại chưa đầy 2 năm từ năm 1885 đến 1887.

Hồ thủy lợi Hóc Ông Hạ, nơi mà nhiều người tin kho vàng Nguyễn Duy Hiệu đang nằm dưới đáy. Phía xa trên núi là Hóc Cây Chuồng, một địa điểm cũng nghi là nơi chôn giấu kho vàng.

Đại bản doanh của căn cứ Tân Tỉnh chỉ rộng khoảng 15km vuông, nằm gọn trong thung lũng làng Tây Lộc tổng Trung Lộc. Trong gần 2 năm ngắn ngủi, Nguyễn Duy Hiệu cho xây dựng nhiều cơ sở phục vụ kháng chiến mà ngày nay trở thành địa danh như Lò Rèn – nơi rèn đúc vũ khí, Miếng Kho – khu vực cất giấu quân lương, Bãi Chém – nơi hành hình quân địch, Nghĩa Trũng – nơi thờ tự chiến sĩ trận vong… Sau khi bị Nguyễn Thân phản bội, Nguyễn Duy Hiệu biết cuộc cờ tàn, tự rời khỏi Tân Tỉnh nộp mình cho Pháp tại làng quê Thanh Hà và bị xử tử.

Năm 1887, trước khi giải tán nghĩa hội, Nguyễn Duy Hiệu tổ chức chôn vàng trên khu vực núi ở gần căn cứ. Việc chôn giấu diễn ra vào ban đêm. Một đoàn quân từ đại bản doanh lặng lẽ thắp đuốc dầu rái khiêng những rương, hòm ngang qua làng Tây Lộc lên núi Hóc Vũ. Đó là một đêm náo động nhưng người dân chỉ dám đứng nhìn qua khe cửa dõi theo ánh đuốc. Quá nửa đêm, dường như việc chôn cất đã xong, đoàn quân đi chôn vàng trở về chỉ một nửa.

Ngày nay, qua lời truyền miệng của thế hệ cha ông, tất cả những người dân ở làng Tây Lộc đều kể lại câu chuyện Nguyễn Duy Hiệu chôn vàng giống nhau như vậy, chỉ khác về số lượng và địa điểm.

Bà Đỗ Thị Kiệt: “Cha tôi kể cụ Hường Hiệu chôn vàng trên núi Hóc Vũ.Ông đã đi tìm nhiều lần nhưng không gặp”.

Cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Đỗ Hạt, một bô lão của làng Tây Lộc cho biết cha của ông làm chức Bang biện tỉnh vụ cho nghĩa hội nói số lượng vàng chôn là 24 rương và giỏ bội (một loại giỏ người dân ở đây dùng đựng bổi). Hai người khiêng một và sau đó chỉ một người trở về, số còn lại bị thủ tiêu chôn theo kho vàng vừa để giữ bí  mật vừa làm thần giữ của theo quan niệm dân gian.

Âm thầm nuôi mộng

Những ngọn núi phía trong làng Tây Lộc là núi không cao, nhưng ăn thông với dãy Trường Sơn, kéo dài lên huyện Hiệp Đức. Sát cạnh làng, núi chia làm nhiều hóc nhỏ như Hóc Vũ, Hóc Phẩm, Hóc Ông Hạ, Hóc Cây Chuồng… Địa điểm Nguyễn Duy Hiệu chôn vàng theo người dân nằm trong những hóc núi này, chỉ khác nhau về cách suy đoán. Cách đây vài chục năm, mỗi người theo cách suy đoán của mình âm thầm nuôi mộng tìm vàng ở mỗi địa điểm khác nhau trên núi.

Trong số những người tìm vàng có anh Nguyễn Tấn Đích. Theo lời kể của mẹ mình là bà Đỗ Thị Kiệt, năm nay 84 tuổi, địa điểm chôn vàng bà nghe kể lại là ở Hóc Vũ. Cha bà Kiệt trước là nghĩa quân của Nguyễn Duy Hiệu, trước khi qua đời kể cho con cháu nghe nghĩa quân rất nhiều vàng nhưng tuyệt đối bí mật, không ai dám hé răng, nếu lộ ra sẽ bị giết. Cái đêm gánh vàng lên núi chôn tình thế đã quá cấp bách, không phải là cách nghi binh như dân gian bàn tán. Chắc chắn chỗ chôn vàng nằm ở núi Hóc Vũ nên nhiều năm ròng con trai bà Kiệt một mình đào bới nhưng không có kết quả.

Trước đây trong thời gian làm rẫy, anh Nguyễn Tấn Đích có đào được một tảng đá đen, có khắc chữ và những hình đồ kỳ lạ. Cho rằng đó là bản đồ kho vàng, anh Đích nhờ người đưa tảng đá vào miền Nam nhờ người giải mã nhưng người cầm tảng đá đó đi luôn không trở lại.

Anh Đích vẫn cứ đeo đuổi ước mơ, một mình đào bới liên tục cho đến thời gian gần đây anh phát bệnh, có vẻ tâm thần không được bình thường. Người làng rỉ tai nhau chuyện anh Đích không hề cúng bái mà mạo phạm đào bới kho vàng đã được yểm bằng người chôn sống theo nên bị thần giữ của trừng phạt. Chuyện thực hư không rõ lắm nhưng anh ta thường lảng tránh khi người lạ nhắc đến kho vàng trên rẫy ở núi Hóc Vũ.

Anh Phan Thanh Đại: “Tôi biết kho vàng đang nằm trên rẫy của tôi ở Hóc Phầm. Nếu có máy móc tôi sẽ tìm ra”.

Khi chúng tôi đến làng Tây Lộc vào khu vực sát chân núi Hóc Vũ, một cuộc tranh cãi nho nhỏ đã xảy ra ngay ngã ba đầu làng giữa những người làm rẫy. Anh Phan Thanh Đại nói rằng: “Kho vàng cụ Hường đang nằm trên rẫy của tui ở Hóc Phẩm. Chỉ cần các anh có vài chục triệu, có máy dò vàng, máy xúc đưa lên hợp tác với tui kiếm ra liền. Tui có đào thử vài hố trên đó nhưng chưa tới. Phải có máy móc!”.

Một người khác nghe chuyện bảo anh Đại nói sai. Ánh đuốc của nghĩa quân khiêng vàng dẫn lên núi trong đêm xưa thực ra là ánh đuốc nghi binh. Một đoàn quân khác không đèn không đóm đã khiêng vàng lên Hóc Cây Chuồng chôn đâu đó trong hầm đã đào sẵn.

Trong khi đó ông Nguyễn Mực ở làng Trung Hạ khẳng định kho vàng cụ Hường giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy lợi Hóc Ông Hạ rồi. Rốt cuộc, kho vàng của nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu cho đến nay vẫn mãi mãi là bí mật hấp dẫn những người dân ở làng Tây Lộc âm thầm nuôi mộng.

Theo Một Thế Giới

Các tin cũ hơn