Trâu chậm uống nước đục!
Ngày 18/10, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam tổ chức họp báo công bố kết quả bước đầu trong quá trình tái cơ cấu. Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phương Nam nói, sau gần 4 tháng tiến hành tái cấu trúc, hoạt động của công ty từng bước khôi phục trở lại.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2013 đạt 1,1 triệu USD, lợi nhuận chưa tính khấu hao gần 48,5 tỷ đồng; tháng 8/2013 đạt 3,1 triệu USD, lợi nhuận chưa khấu hao ước 6,6 tỷ đồng; tháng 9/2013 đạt 3,3 triệu USD, lợi nhuận chưa tính khấu hao khoảng 4,9 tỷ đồng. Và, lũy kế kim ngạch đến 30/9 đạt 10,1 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước 18 triệu USD, tăng gần 100% so với 2012. Nhiều khách hàng truyền thống từ Mỹ, Nhật, EU đã quay lại với công ty, đơn hàng vượt công suất.
Tại thời điểm tháng 7/2013 (Phương Nam chính thức vỡ nợ và phải tái cấu trúc), các khoản nợ ngắn hạn ở các ngân hàng tại công ty này lên tới 1.513 tỷ đồng, cộng với các khoản vay trung dài hạn ước 84 tỷ đồng thì tổng số nợ là 1.597 tỷ đồng. |
Do đặc thù của công ty là sử dụng một lực lượng lao động lớn người dân tộc Khơ Me nên việc hồi phục công ty còn có ý nghĩa về mặt xã hội. Hiện công ty đã nâng thêm 20% lương cho tất cả lao động, tương đương thu nhập của các nhà máy trên địa bàn; tổng số lao động trước cơ cấu là 509 người, đến nay tăng lên 1.070 người, dự kiến tuyển thêm 200 người vào cuối năm.
Tạm gác lại câu chuyện hồi phục của Phương Nam, khi tiếp xúc với một số điểm chính của vụ việc, đã cho thấy, một số ngân hàng đã đào thoát một cách ngoạn mục, trong khi phần lớn các đơn vị bị kẹt, không kịp rút ra.
Theo số liệu mà ông Trí cung cấp, số nợ ngắn hạn mà các ngân hàng cho Phương Nam vay như sau, Vietcombank: 126,381 tỷ đồng, Agribank: 497,6 tỷ đồng; VDB: 341,48 tỷ; LienVietPostbank: 255,531 tỷ; Sacombank: 147 tỷ; ABBank: 79 tỷ, Vietinbank: 7,3 tỷ...
Trong số các ngân hàng trên, Vietcombank là đơn vị nhanh chân nhất khi dư nợ của ngân hàng này tại thời điểm xảy ra rủi ro còn khoảng 70 tỷ đồng, họ đã rút ngay 50 tỷ đồng, còn lại 20 tỷ, sau đó bán luôn số tài sản bảo đảm được 13 tỷ và hiện chỉ còn kẹt lại 7 tỷ đồng.
Hoặc Eximbank cũng là ngân hàng cho vay vào đây tương đối kha khá nhưng vì có “cơ sở mật” bên trong công ty báo tin nên đã nhanh chân đào thoát toàn bộ khoản nợ đã cho vay Phương Nam vay.
May mắn hơn một chút là ABBank cho vay 79 tỷ đồng nhưng sau đó đã bán cho ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Bình An bị vỡ nợ và phải tái cấu trúc năm ngoái).
Hoặc, khoản nợ của LienVietPostbank cũng được xử lý một cách khéo léo là bán lại cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Đất Việt và đề cử ông Nguyễn Minh Trí (nguyên Phó tổng giám đốc LienVietPostbank) đại diện phần vốn này và đảm nhiệm luôn chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Như vậy, chỉ có Vietcombank và Eximbank là thoát được nợ một cách ngoạn mục, tiếp đó là ABBank và LienVietPostbank dù không được tiết lộ chi tiết giá bán thì phần còn lại đều bị kẹt tại công ty cho đến nay.
Bài học cho các ngân hàng
Qua vụ việc trên, nổi lên vấn đề đầu tiên là các ngân hàng khi cho vay đã không xác định được hệ số đòn bẩy tài chính của Phương Nam như thế nào.
Tại thời điểm tháng 7/2013 (Phương Nam chính thức vỡ nợ và phải tái cấu trúc), các khoản nợ ngắn hạn ở các ngân hàng tại công ty này lên tới 1.513 tỷ đồng, cộng với các khoản vay trung dài hạn ước 84 tỷ đồng thì tổng số nợ là 1.597 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn tự có của công ty theo ông Trí cung cấp chỉ có 295 tỷ đồng, đòn bẩy tài chính tương đương gần 5,4 lần.
“Có một đồng, vay một đồng thì còn tạm an toàn. Đằng này, có một đồng mà vay tới 5,4 đồng thì sớm muộn gì cũng phá sản”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostbank nói.
Điều đáng lưu ý là không riêng gì Phương Nam mà ở đồng bằng sông Cửu Long, hệ số đòn bẩy tài chính của phần lớn các công ty thủy sản đều tương tự, thậm chí hơn.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao các ngân hàng không biết hệ số đòn bẩy tài chính quá cao của Phương Nam? Câu trả lời ở đây chính là công ty này đã biến mình thành mồi câu để nhử ngân hàng và cùng với đó là lập nhiều báo cáo khác nhau để gửi cho các ngân hàng. Bằng thủ thuật kê khống giá trị hàng tồn kho, lập hệ thống mã thẻ kho với số liệu cao hơn nhiều lần so với số liệu kế toán, đồng thời, dùng số liệu giả để cung cấp cho từng ngân hàng, khiến cho ngân hàng nào cũng tưởng “mình là nhất”.
Tỏ ra tiếc nuối, ông Trí nói: “Giá mà các ngân hàng ngồi lại với nhau, cùng chia sẻ thông tin và so sánh số liệu với báo cáo thuế một cách sớm hơn thì không đến nỗi như thế này”.
Điểm thứ hai, cũng chính vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ cao, trong khi lại vay nhiều ngân hàng, đến khi vỡ nợ thực sự, phản ứng đồng loạt từ các ngân hàng là ngưng ngay các khoản tài trợ dù đã cam kết hạn mức.
Tiếp đó là ráo riết đòi nợ bằng tiền mặt, nếu đã đòi đủ thì thôi, nếu chưa, ngân hàng lập tức phong tỏa kho hàng, khiến cho công ty không còn lối thoát.
Trên thực tế, sau khi Vietcombank và Eximbank rút được nợ về, Agribank đã cho vay gần 500 tỷ đã rút được trên 50% nhưng sau đó sợ phá sản thì mất luôn cả gốc, nên Agribank đã ngưng rút và bơm tiếp cho đủ về hạn mức cam kết.
Việc doanh nghiệp vỡ nợ, ngân hàng ráo riết xiết nợ, phong tỏa tài sản làm ngưng trệ sản xuất không chỉ ở Phương Nam mà xảy ra ở rất nhiều nơi trên cả nước từ đầu năm đến nay. Rất nhiều trường hợp chỉ một kho hàng nhưng nhưng có đến 5 - 6 đội vệ sĩ, dán niêm phong của 5 - 6 ngân hàng khác nhau, ngày đêm canh gác.
Trước đây ít lâu, ông Trương Văn Ba, Chủ tịch Công ty Điều Phú Yên than vãn: “Do các khoản nợ ngân hàng bị quá hạn, hàng hóa tiêu thụ chậm và dưới giá thành nên chủ nợ ráo riết thu hồi nợ, quản chặt kho hàng thế chấp, làm cho công ty sản xuất cầm chừng, nhiều thời điểm nhà máy phải ngưng hoạt động”.
Điều này có lẽ cũng giống như chiếc thuyền gặp sóng lớn, nếu tất cả nháo nhào về một hướng mà không biết phân bổ trọng lực cho đều các góc, thuyền sẽ nhanh chóng lật úp và bị sóng cuốn trôi!
Theo Vneconomy