Thời gian gần đây, trên đường phố, xe đạp điện lưu thông khá nhiều song phần lớn người điều khiển không đội mũ bảo hiểm. Tại một số thành phố lớn có hiện tượng học sinh đua xe đạp điện, đánh võng rất ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Còn ở Hà Nội, tháng qua, xảy ra 4 vụ tai nạn liên quan xe đạp điện khiến một học sinh trường Amstersdam tử vong.
Hàng trăm chiếc xe đạp điện nhập lậu bị thu giữ (Ảnh: Tiến Cường/VOV) |
Trước thực trạng này, tại cuộc họp Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hồi tháng 9/2013, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại trước thực trạng xe đạp điện tràn lan trên đường, được nhiều học sinh sử dụng đến trường song chưa có quy định quản lý.
Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều 4/11, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, thời gian qua, xe đạp điện là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng mua sử dụng do giá hợp lý, đi lại thuận tiện và lúc đầu chưa có quy định đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm.
Để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu xe đạp điện (chủ yếu từ Trung Quốc). Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến xe đạp điện.
Cụ thể, theo ông Lam, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu hàng trăm xe đạp điện các loại vì không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Mới đây, tại Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 700 xe đạp điện vì doanh nghiệp nhập khẩu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cùng với đó, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều vi phạm về việc doanh nghiệp không niêm yết giá, dán nhãn hàng... khiến người tiêu dùng khó xác định được giá và chất lượng.
Về giải pháp cho việc quản lý xe đạp điện, ông Lam cho rằng, cần có nhiều giải pháp. Trong đó, hệ thống văn bản pháp luật phải điều chỉnh để ngành sản xuất trong nước phát triển. Hơn nữa, phải thiết kế kênh phân phối phù hợp để giá xe đạp điện đến người tiêu dùng hợp lý, và cơ quan chức năng giám sát được chất lượng.
Đặc biệt, cần có biện pháp kịp thời chống nhập lậu xe đạp điện.
Về giải pháp chung liên quan đến nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Sẽ rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn.
Theo VOV