Đa số xe đạp điện nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay đều được dán nhãn hiệu của các tên tuổi lớn, như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant...
Đây đều là những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Đài Loan... nhưng thực chất tất cả những sản phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trong số đó có những sản phẩm do các nhà máy của Yamaha, Honda đặt tại Trung Quốc sản xuất nhưng cũng có những sản phẩm do những cơ sở khác làm giả.
Theo một DN nhập khẩu xe đạp điện, hiện có 2 loại xe giả, đó làm giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu của xe thật và chỉ giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự thiết kế.
Cũng theo DN trên, hiện công ty Honda Sundiro tại ThượngHải, Trung Quốc chỉ sản xuất có 3 mẫu xe đạp điện và Yamaha Motor TrungQuốc sản xuất 13 mẫu, thì tại thị trườngViệt Nam đang bày bán khoảng 13 mẫu xe Honda và 30 mẫu xe Yamaha.
Xe đạp điện nhái bị thu giữ
Chất lượng xe đạp điện giả rất kém ở 3 bộ phận quan trọng đó là ắc quy (hoặc là pin), động cơ và bộ điều khiển. Ắc quy hay pin có chất lượng kém sẽ nhanh bị sụt điện, làm cho quãng đường đi ngắn hơn và xe không đạt công suất mong muốn.
Động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to, đường ngập sâu. Bộ điều khiển sử dụng các thiết bị điện tử thiếu chính xác, không đáng tin cậy.
Nói tóm lại, chất lượng kém sẽ khiến cho tuổi thọ của xe giảm dù có thường xuyên bảo hành hay thay thế các linh kiện. Nếu xe thật có thể sử dụng tốt trong 3 năm thì xe giả chỉ khoảng 1-1,5 năm.
Giá nhập khẩu xe đạp điện giả rẻ chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện thật, tuy nhiên về Việt Nam, xe đạp điện giả được bán ra tương đương với giá xe thật. Những người bán xe đạp điện giả thường tham khảo giá bán xe đạp điện thật cùng thương hiệu để đưa ra giá bán cho mình. Làm như vậy sẽ tạo ra một mặt bằng giá tương đối ngang bằng vừa thu lợi lớn lại vừa đánh lừa được người tiêu dùng.
Mua phải xe đạp giả thiệt hại vô cùng, không những chi tiền bằng xe thật mà tuổi thọ lại kém hơn, hay gặp trục trặc trong vận hành, thường xuyên phải thay đồ, độ tin cậy thấp.
Nhiều người cho rằng cứ mua xe có địa chỉ, người bán rõ ràng, có bảo hành bảo dưỡng đầy đủ sẽ yên tâm và coi đó là cơ sở để khẳng định hàng thật. Nhưng một số nguồn tin cho biết, xe giả hiện cũng có chế độ bảo hành bảo dưỡng đầy đủ như xe thật. Bởi vì mua giá thấp, bán giá cao nên các cửa hàng bán xe đạp giả sẵn sàng bảo hành cho người tiêu dùng.
Họ cũng nhập linh kiện về để thay thế trong thời gian bảo hành nhưng chất lượng phụ tùng kém nên nhiều xe có khi phải thay tới vài lần và khi hết thời gian bảo hành khoảng 1 năm thì lúc đó người tiêu dùng phải tự bỏ tiền ra để thay. Khi đó nhiều cửa hàng sẵn sàng thẳng tay "chém" khách bằng việc nâng giá phụ tùng để bù vào những lần thay trước đó.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM đã kiểm tra một kho hàng tại quận 6, phát hiện có gần 70 chiếc xe đạp điện Trung Quốc sản xuất, giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha và 230 tờ tem giả mạo in chữ Honda, Yamaha.
Chủ lô hàng cho biết mua lại từ một công ty nhập khẩu, trị giá khoảng 4,5 - 5 triệu đồng mỗi chiếc. Những chiếc xe này nếu tiêu thụ trót lọt, thì giá đến tay người tiêu dùng có thể lên tới 10 triệu đồng/chiếc.
Dạo qua thị trường Hà Nội những ngày này, có thể thấy xe đạp điện có rất nhiều mẫu mã, phong phú, đa dạng và cửa hàng nào cũng khẳng định xe mình bán là hàng thật, trong khi các nhà sản xuất nước ngoài chẳng hề có khuyến cáo nào cho người tiêu dùng, còn hầu hết người tiêu dùng khi được hỏi đã không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Cách phân biệt xe thật, xe giả Xe đạp điện thật thường dập nổi thương hiệu của nhà sản xuất trên động cơ (ở mayơ bánh sau xe). Những xe giả hiện nay phần lớn không có. Xe thật đều có phiếu tiêu chuẩn chất lượng, trên mỗi dòng ghi các thông tin như tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật... có đóng dấu của nhà sản xuất. Người tiêu dùng nên tham khảo các mẫu xe chính hãng thông qua các trang web trước khi đi mua xe. |
Theo VNN