Cổ phiếu Trung Quốc "náo loạn" vì luật sinh hai con

Thứ tư, 20/11/2013, 13:25
Dù chưa thực sự có những đứa trẻ thứ hai ra đời nhưng cả nền kinh tế Trung Quốc đang xôn xao vì tin mừng này.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã công bố một loạt cải cách sâu rộng vào thứ Sáu vừa qua, trong đó có một sự thay đổi lớn về chính sách một con của đất nước này - chính sách bị cả thế giới chỉ trích kể từ khi được ban hành vào cuối những năm 1970.

Theo luật mới, các gia đình Trung Quốc có thể sinh thêm con thứ hai nếu như một trong hai người (cha hoặc mẹ của đứa bé) là con một. Mặc dù ngày áp dụng luật mới chưa được công bố chính thức nhưng toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đang lên cơn "sốt".
Cổ phiếu của nhà sản xuất đồ trẻ em, thậm chí cả các nhà sản xuất đàn piano đã tăng giá ngay trong ngày thứ Hai khi thị trường vừa mở cửa sau khi tin tức về sự nới lỏng chính sách một con được công bố.
Cổ phiếu các công ty dạy kèm cũng tăng dựa trên giả định rằng các gia đình sống ở đô thị mong muốn đứa con thứ hai của họ học tập và có thành tích xuất sắc như đứa con đầu tiên của họ. Các nhà đầu tư Trung Quốc gọi hiện tượng này là “cổ phiếu ăn theo đứa con thứ hai”.
Cổ phiếu của C&S Paper, doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy dùng cho trẻ sơ sinh, tăng giá 10% trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của hai công ty sản xuất đàn piano là Hailun Piano và Quảng Châu Pearl River Piano Group cũng tăng 10%. Cổ phiếu công ty sản xuất đồ dùng trẻ em Biostime International Holdings Ltd tăng 6,6%. Cổ phiếu nhà sản xuất tã Hengan International Group tăng 6,4%.
Trong khi đó, cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc tránh thai lại giảm. Cổ phiếu của Humanwell Y tế (Group), nhà sản xuất bao cao su và thuốc tránh thai lại giảm ngay khi ngày giao dịch bắt đầu.
Các bệnh viện cũng “rục rịch” chuẩn bị đón nhận tin vui này. Bệnh viện Thượng Hải đang xem xét mở thêm các khóa học khả năng hỗ trợ sinh sản và tư vấn về rủi ro cho cha mẹ lớn tuổi, lớp học trước khi sinh dành cho phụ nữ trung niên.
Trên trang tiểu blog Weibo của Trung Quốc, một tác giả đã nói đùa rằng: “Các cặp vợ chồng trẻ đã đi ngủ sớm ngay khi biết được phép sinh đứa con thứ hai”.
Chính sách gây tranh cãi đó đã thành công trong việc giảm một nửa tỷ lệ sinh trong hơn ba thập kỷ vừa qua, trong lúc dân số Trung Quốc tăng nhanh chóng mặt được coi là một vấn nạn. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra hàng loạt tác dụng phụ tiêu cực, trong đó có sự gia tăng lựa chọn giới và phá thai.
Trong khi đó, nếu xét từ quan điểm kinh tế, động thái đó cũng dẫn đến nhiều lo ngại về quá trình lão hóa dân số nhanh chóng và sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.
Theo Kiến Thức

Các tin cũ hơn