Thoi thóp với nợ cũ
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã lỗ liên tiếp kéo dài mấy năm gần đây, đổ dồn vào các khoản vay cũ nên việc vực dậy doanh thu còn khó chứ chưa nói đến thoát lỗ. Nợ ngắn hạn của QCG đạt hơn 2.695 tỷ đồng, tăng thêm hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm.
Cụ thể, doanh thu trong quý 3/2013 của QCG đạt hơn 37 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Điều này làm cho lãi gộp của QCG chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm 42% so với quý 3/2012. Trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, QCG lỗ thuần 2,56 tỷ đồng. Song nhờ lợi nhuận khác 2.8 tỷ đồng nên cuối kỳ QCG ghi nhận lãi 360 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, QCG cũng lỗ thuần hơn 25,4 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận khác 23,53 tỷ đồng và được hoàn thuế 5 tỷ đồng nên lãi ròng của công ty đạt hơn 5,36 tỷ đồng.
Theo thuyết minh trong báo cáo của QCG, lợi nhuận khác có được là nhờ thanh lý hợp đồng mua căn hộ hơn 23,42 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2012.
Tính đến 30/9, tiền mặt và tương đương tiền của QCG chỉ còn 1,75 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 48 tỷ đồng vào đầu năm.
Giữa lúc công ty đang hoạt động trên đống nợ liên tục trong nhiều năm thì vẫn không thấy Phó Tổng giám đốc này có động thái gì mà chỉ liên tục “up” hình lên Facebook khoe siêu xe.
Hiện tại, Cường đô-la chỉ sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG, tương ứng 0,42%. Nếu tính theo thị giá hiện nay, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của Cường đô-la là 3,7 tỷ đồng, chưa đủ mua một chiếc siêu xe.
Ngoài QCG thì hai trường hợp lỗ tới 10 quý liên tiếp đều thuộc họ” “Sông Đà”. Chẳng hạn Sông Đà 207 SDB Sông Đà 9.06 S96 tức lỗ triền miên từ quý 2/2011 đến nay.
Chỉ tính riêng trong quý gần đây nhất (quý 3/2013), SDB lỗ ròng gần 10 tỷ đồng; nâng lỗ lũy kế tiệm cận con số âm 100 tỷ đồng, vượt 2,8 lần vốn chủ sở hữu; còn nợ ngắn hạn 407,5 tỷ đồng, sắp “đuổi kịp” tổng tài sản 448,6 tỷ đồng.
Theo giải trình thua lỗ trong quý 3/2013 của SDB, lĩnh vực xây lắp của công ty gặp khó khăn khi kinh tế suy thoái, doanh thu chủ yếu từ các công trình ký hợp đồng từ năm trước. Trong khi đó, các dự án bất động sản ngừng trệ dẫn đến chậm trễ công tác thanh quyết toán. Ngoài ra, chi phí tài chính cao do thời gian thi công kéo dài, nguồn vốn để thực hiện các công trình xây lắp chủ yếu là nguồn vốn vay.
Còn tại S96, quý 3/2013 không có doanh thu nhưng chi phí mất 359 triệu đồng khiến công ty lỗ ròng 308 triệu đồng. Tại ngày 30.9.2013, tiền mặt chỉ vỏn vẹn 195 triệu đồng, nợ ngắn hạn 339 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng tài sản, tuy nhiên đây chủ yếu là chi phí phải trả, còn vay nợ ở mức 18,7 tỷ đồng.
Vớ được phao… tạm thời
Không nằm trong danh sách lỗ liên tiếp, nhiều doanh nghiệp đang chìm ngập trong lỗ cũng làm gián đoạn đà thua lỗ của mình bằng một quý có lãi. Tuy nhiên đó chỉ là “chiếc phao” tức thời, bởi ngay quý sau thì doanh nghiệp lại tiếp tục lỗ.
Cụ thể, nhờ quý 4/2012 có lãi 966 triệu đồng đã giúp CTCP Xây Lắp & Phát Triển DV Bưu Điện Quảng Nam (QCC) “thoát” được “lời nguyền” lỗ 11 quý liên tiếp. Theo QCC, quý 4/2012 có lãi nhờ việc quyết toán các công trình vào thời điểm cuối năm, ngoài ra, thời gian đó công ty đẩy mạnh việc tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nên đã giảm được một khoản chi phí lớn. Nhưng suốt 3 quý của năm 2013 tiếp sau đó, QCC lại trở về với thua lỗ và đang chờ đợi quý 4/2013 xoay chuyển tình thế như năm cũ?
Tương tự, CTCP Đầu Tư Tổng Hợp Hà Nội (SHN) được “cứu” nhờ quý 2/2011 có lãi tới 14 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn thuộc vào “top” 9 quý lỗ liên tiếp. Đây cũng là doanh nghiệp đang vướng vào việc thu hồi công nợ tại CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân kéo dài từ năm 2012.
Đối với CTCP Vận Tải Vinaconex (VCV), lý do thua lỗ là hàng hóa vận chuyển khan hiếm, giá cước của ngành vận tải biển vẫn ở mức rất thấp, trong khi đó lãi vay dài hạn đầu tư mua tàu vẫn ở mức cao. Ngoài ra chi phí nhiên liệu và các chi phí khác làm cho hoạt động của tàu vẫn rất lớn.
Gần đây VCV đang khó khăn khi phải bán tàu Vineconex lines đến lần thứ 3 và đặt kế hoạch nếu lần 3 không có khách hàng mua thì sẽ tiếp tục bán lần thứ 4 với mức giá giảm 10% so với giá khởi điểm lần trước.
Mới đây trong buổi đối thoại với ngành thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo lỗ năm nay đã giảm so với tỷ lệ 69% báo cáo báo lỗ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn không có lãi vẫn rất lớn, dù Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các giải pháp hỗ trợ và cải cách thủ tục hành chính.
Theo các chuyên gia tài chính, việc duy trì các khoản nợ, hàng tồn kho, các khoản phải thu… ở mức cao chính là những tử huyệt của các doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp khó khăn nhất, đang đình trệ và phá sản chủ yếu là doanh nghiệp dựa vào vốn ngân hàng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng với lãi suất cao như vừa qua khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Theo Một Thế Giới