Hai chữ “lôm côm” được vị tiến sĩ kinh tế này dùng rất “văn học” khi bàn về một lĩnh vực quan trọng của đất nước. Ông Lịch xài chữ quá đắt, quá đúng, quá trúng với tình trạng đầu tư công hiện nay. Không lôm côm sao được khi địa phương nào cũng có dự án xây dựng, bất cần biết dự án đó có thực sự cần thiết hay không.
Có không ít dự án đầu tư vượt nhiều lần khả năng sử dụng, vẽ đường cho lớn ra, vẽ cầu cho to ra, vẽ cảng biển, sân bay cho hoành tráng ra. Tỉnh này có sân bay thì tỉnh khác cũng có sân bay, anh có cảng biển tôi cũng có cảng biển, chị có nhà máy ximăng tôi có hơn chị. Ông ở trụ sở như cung điện thì tôi cũng xây cung điện làm trụ sở.
Không lôm côm sao được khi vẽ dự án ra rồi chạy đua xin vốn. Túi tiền ngân sách có hạn, rải mỗi nơi một ít nên nơi nào cũng thiếu. Nói như ngôn ngữ của TS Lê Đăng Doanh là “tiền ngân sách bị rải tứ tung”. Vì thế, có rất nhiều dự án kéo dài từ vài năm đến vài chục năm do không có vốn, dẫn đến lãng phí vô cùng lớn.
Không lôm côm sao được khi chính các dự án đầu tư này là môi trường nảy sinh tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình. Doanh nghiệp “săn” tin các dự án được phê duyệt là lao vào, là cửa sau cửa trước để trúng thầu.
Hăm hở xây nhưng công trình dang dở vì chủ đầu tư chưa xin được vốn. Cả nước cùng kịch bản như nhau, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 42.000 tỉ đồng, theo công bố của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh tại Quốc hội ngày 19.11.
Địa phương thiếu vốn nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng, cả một hệ thống kinh tế bị các dự án xây dựng “dư giấy làm gì chẳng vẽ voi” bắt làm con tin. Thế nhưng, theo trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các địa phương, các bộ có kiểm điểm về trách nhiệm, nhưng rất ít người nhận trách nhiệm hoặc nhận chung chung, ít trường hợp có địa chỉ cụ thể. Thật quá lôm côm.
Không nói “văn học” như ông Trần Du Lịch, Đại biểu Võ Thị Dung nói thẳng: “Vừa qua rõ ràng đầu tư công quá lãng phí, chúng ta phải thấy là có tội với nhân dân trong việc sử dụng nguồn vốn của Nhà nước... Chứ như vừa qua đầu tư công là một trong những lĩnh vực tham nhũng rất nặng nề”.
Có cả một rừng luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... nhưng vẫn chưa đủ để điều chỉnh những “cái đầu” quản lý quá tham lam dự án đầu tư.
Nay thêm một dự án Luật Đầu tư công, liệu có ngăn chặn được những dự án xây dựng ào ạt như nấm, liệu có không còn mắc tội với nhân dân.
Theo Lao Động