Có lẽ, nhiều người đã từng quen, mỗi khi mua hàng ở siêu thị hoặc các cửa hàng bán đồ tiêu dùng ở những đô thị lớn, khi tính tiền, nhân viên thu ngân luôn muốn thu bằng tiền mặt. Mặc dù trên quầy thanh toán luôn có ít nhất hơn chục máy cà thẻ (POS) của các ngân hàng khác nhau nằm chờ “quẹt”, nhưng liền cạnh cũng có mấy máy ATM để… rút tiền mặt.
Thế nên, mỗi khi mua bán hàng hóa dịch vụ không đủ tiền mặt, người tiêu dùng sẽ được nhân viên bán hàng hướng dẫn ra cây ATM để rút tiền vào thanh toán. Có quan điểm cho rằng, phải chấm dứt mở máy ATM tại các điểm bán lẻ, buộc các điểm thương mại phải chấp nhận thanh toán bằng thẻ.
Thế nhưng khi thanh toán bằng hình thức thẻ, điểm bán lẻ thường thu thêm của chủ thẻ từ 0,3% đến 0,5% trên doanh số thanh toán gọi là chi phí trả cho hệ thống chấp nhận thẻ của người tiêu dùng.
Phải khẳng định ngay rằng, phần thu thêm này do các điểm bán hàng tự thu để chi trả cho công tác kế toán của doanh nghiệp khi quyết toán với ngân hàng. Dù rằng trong các văn bản pháp quy nhằm quản lý thuế có một điều kiện, khi thành lập doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 20 tỷ đồng, bắt buộc phải trang bị máy POS để thực hiện hoạt động thanh toán cho khách hàng.
Thế nhưng đã hơn mấy năm nay, điều kiện cần này chỉ như một hình thức cho đủ hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp, còn thực tế hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt không được các điểm bán cuối cùng thực hiện nghiêm túc.
Mặc dù hơn 3 năm trước, Quyết định 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 đã phê duyệt kế hoạch tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015. Nhưng dường như, hệ thống thương mại trên cả nước, đến nay, vẫn chưa theo kịp sự phát triển của dịch vụ thanh toán điện tử.
Trong khi đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt không thể chỉ có chiếc thẻ ngân hàng hay máy chấp nhận thẻ POS, mà cần phải có sự chấp thuận “vô điều kiện” của các điểm bán hàng thì mới xây dựng được hoạt động thanh toán có năng lực kết nối cao.
Hai năm sau khi Quyết định 2453/QĐ-TTg ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm mới, đa dạng loại hình thanh toán điện tử. Công nghệ thông tin đang được nâng cấp trong hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng để thích nghi với bối cảnh tín dụng tăng thấp, thu dịch vụ đang thay thế cho thu của hoạt động cho vay và đầu tư như cách đây 2 năm.
Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink vừa công bố: trong 3 năm qua, Vietcombank và VietinBank huy động vốn từ các dịch vụ ngân hàng điện tử chiếm từ 50-55% so với tổng huy động vốn. Lãnh đạo HSBC và ANZ tại Việt Nam cũng cho biết, doanh thu từ mở rộng kênh phân phối dịch vụ hai ngân hàng tăng 3-4 lần trong ba năm qua.
Đánh giá từ một con số của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, doanh thu từ POS của BIDV chi nhánh Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) trong một năm đạt 3,2 tỷ đồng là minh chứng sống động về hiệu quả kinh doanh ngân hàng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng đều thừa nhận, doanh thu thẻ tín dụng tăng nhanh nhất ở những địa bàn có hoạt động mua bán sỉ hoặc mua bán hàng hóa dịch vụ có giá trị cao.
Đơn cử như trong giao dịch vàng nữ trang… người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn hình thức sử dụng thẻ để thanh toán, ít ai “ôm” tiền để mua bán những vật dụng có giá trị lớn. Với một đất nước có tới 70-80% người trong độ tuổi lao động dùng internet, đặc biệt trong xu thế nền kinh tế đang hướng tới giảm sự lệ thuộc vốn qua tín dụng thì các ngân hàng sẽ buộc phải tăng tốc mảng dịch vụ để tạo ra nguồn thu.
Cũng từ NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, doanh số giao dịch điện tử của một số NHTM đang có xu hướng tích cực. Điển hình như DongA Bank trong 10 tháng đầu năm 2013 doanh số tăng khoảng 449% so với cả năm 2012. Một số ngân hàng khác cũng đang tích cực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đưa công nghệ vào giao dịch nhằm tiết giảm chi phí mạng lưới trong giai đoạn lợi nhuận giảm sút mạnh so với những năm trước.
Như vậy, điều quan trọng hiện nay là những điểm giao dịch thương mại lớn có tự nguyện và sẵn sàng tham gia vào hình thức thanh toán bằng thẻ hay không, hay ngại hoặc không muốn chia sẻ lợi ích, nên nhân viên vẫn cứ khuyên người tiêu dùng ra… rút tiền ở cây ATM.
Theo Thời Báo Ngân Hàng