Giới trẻ mê thử sức với bầu trời
Cao 1,76m, gương mặt sáng, thông minh, tiếng Anh tốt cộng với tấm bằng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương loại giỏi, Tuấn Minh (Hà Nội) không khó khăn để “lọt” vào mắt các nhà tuyển dụng nhân sự cho những công ty lớn. Thế nhưng anh chàng này lại đâm đơn thi tuyển làm tiếp viên hàng không (Cabin Crew).
Cô Jacqueline Andrew Sigar, Trưởng đoàn tiếp viên của VietJetAir trong một buổi phỏng vấn |
“Mình ra trường năm ngoái, đã thử sức ở một vài công ty không nhỏ nhưng thực sự thấy môi trường làm việc chưa happy lắm. Khi biết mình thi tiếp viên, nhiều người bảo công việc này cường độ cao, sức ép lớn nhưng mình lại muốn được làm việc trong môi trường như vậy để đổi lại là những cơ hội lớn”, Minh tự tin chia sẻ.
Cũng có lợi thế giỏi tiếng Anh và ngoại hình ưa nhìn, chiều cao 1,68m, Vân Mai (TP Hồ Chí Minh) cũng từ chối một công việc nhàn hạ tại một khách sạn 5 sao để ứng tuyển làm tiếp viên hàng không. Điều cô gái trẻ này háo hức là một môi trường làm việc đặc biệt - trên không trung - với những chuyến bay và những miền đất mới.
Mặc dù được coi là nghề vất vả, tuy nhiên, với các bạn trẻ, tiếp viên hàng không vẫn là một nghề hot. |
Quả thực, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều lĩnh vực từng rất hot như ngân hàng, chứng khoán bỗng trở nên bèo bọt thì nghề tiếp viên hàng không vẫn là một nghề đầy cuốn hút và không hề giảm nhiệt. Sau khi thi đỗ, các hãng thường dành từ 3-6 tháng để đào tạo lại đội ngũ tiếp viên mới và những người “đạt chuẩn” sẽ được phân lịch bay ngay.
Không chỉ có mức lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhiều hãng hàng không còn công khai chính sách phát triển nhân sự, theo đó, tiếp viên có cơ hội thăng tiến nhanh hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.
Ví dụ, sau 01 năm làm việc, một tiếp viên chính có thể học để thi lên tiếp viên trưởng, sau đó còn có thể học làm phi công hoặc được đưa lên các cấp quản lý.
Ứng viên Đỗ Anh Giang đang kiểm tra chiều cao “Được bay là ước mơ của Giang. |
Ngay cả khi đã nhiều tuổi, không còn phù hợp với môi trường cường độ cao thì tiếp viên hàng không vẫn còn nhiều cơ hội hấp dẫn khác như chuyển sang các hoạt động thương mại hoặc làm việc trong các cơ quan đại diện của hãng ở nước ngoài.
Ngày càng nhiều cơ hội việc làm
Thị trường hàng không ngày càng phát triển đã đem lại cơ hội việc làm ngày càng nhiều hơn cho các bạn trẻ yêu thích bầu trời. Chỉ trong vòng hai năm, riêng hãng hàng không VietjetAir đã ba lần tuyển tiếp viên cho các đường bay nội địa. Các hãng hàng không quốc tế cũng bắt đầu “nhòm ngó” thị trường Cabin Crew.
Ông Đàm Trung Bắc, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Dịch vụ Nhân lực Toàn Cầu (GMAS) cho biết từ năm 2012 tới nay đơn vị này đã 7 lần tuyển tiếp viên hàng không cho hãng hàng không Emirates Airlines. Hãng hàng không Saudi Arabian - một trong những hãng hàng không lớn nhất Trung Đông mới đây cũng thông báo tuyển tiếp viên Việt Nam với mức lương và thu nhập hấp dẫn.
Ứng viên Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Hà Nội) mong muốn trở thành tiếp viên để được đi du lịch nhiều nơi. |
Theo ông Bắc, mặc dù các tiếp viên đơn vị này tuyển phải làm việc xa nhà song mỗi lần thông báo, lượng hồ sơ dự tuyển thường gấp khoảng 100 lần số lượng cần tuyển mặc dù tiêu chuẩn tuyển dụng khá khắt khe. Thực tế, nhiều ứng viên dự tuyển không chỉ “siêu” ngoại ngữ mà còn có bằng Đại học ở các trường danh tiếng, những “người đẹp” từ các cuộc thi nhan sắc cũng không ngại ngần bày tỏ ước mơ được trở thành tiếp viên hàng không.
“Công việc của tiếp viên hàng không vất vả và nặng nhọc nên quan trọng nhất là sức khỏe và chiều cao ( một số hãng đòi hỏi rất chi tiết như khi kiễng chân, giơ thẳng tay phải có tầm với trên 212cm- pv). Bên cạnh đó, phải có gương mặt ưa nhìn và đức tính kiên nhẫn, chịu khó lắng nghe.
Ứng viên Võ Trần Khánh Ngọc Cẩm Ly (Thái Nguyên) đã nhiều lần đi máy bay VietJetAir mê nghề tiếp viên và mong muốn trở thành tiếp viên của hãng |
Mỗi chuyến bay một tiếp viên phục vụ gần 50 khách, làm liên tục và phải cười nói liên tục, ứng viên phải đáp ứng được điều này và một điều không thể thiếu là tiếng Anh phải giao tiếp tốt, có kiến thức văn hóa xã hội, có năng khiếu khác cũng là điểm cộng…”, cô Jacqueline Andrew Sigar, Trưởng đoàn tiếp viên của VietJetAir “tiết lộ” các tiêu chí để lựa chọn tiếp viên hàng không cho hãng.
Cô Jacqueline Andrew chia sẻ: “ Tầm vóc và thể lực thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đã được cải thiện nhiều, trình độ ngoại ngữ cũng được nâng cao, Internet đã nối liền các khoảng cách vì vậy không có gì khó hiểu khi nhiều hãng hàng không quốc tế, nội địa, trong đó có VietJetAir lựa chọn tuyển tiếp viên hàng không là người Việt Nam.
Không chỉ vươn tới ước mơ “ tất cả mọi người đều có thể bay”, chúng tôi còn đem lại cơ hội việc làm trong môi trường năng động, trẻ trung, thu nhập cao cho tất cả các bạn trẻ ước mơ làm việc trên bầu trời…”
Theo Vietnamnet