Không những thế, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng này cũng đang được hưởng lợi từ quỹ bình ổn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn lấy lý do lỗ để đòi tăng giá. Theo đó, từ đầu năm 2013, Petrolimex đã có 4 lần tăng giá xăng với tổng mức 2.640 đồng/lít. Trong đó lần điều chỉnh gây sốc nhất là tăng giá đến 1.430 đồng/lít.
Rõ ràng, với báo cáo tài chính lãi nghìn tỷ của Petrolimex những nghi ngờ về sự minh bạch của doanh nghiệp đến từ phía người dân là có thật. Riêng về giá thành của xăng, có bao gồm cả những chi phí thuộc về chính sách Nhà nước hỗ trợ, chi phí cho bù giá cho các vùng sâu vùng xa cần được xem xét lại một cách rõ ràng.
Lãi khủng nhưng từ đầu năm đến nay, Petrolimex vẫn 4 lần tăng giá. |
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay dù có đến 17 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhưng cạnh tranh là chưa có vì đơn vị ảnh hưởng và nắm chi phối thị trường vẫn chỉ có Petrolimex. Petrolimex trở thành doanh nghiệp điều tiết giá, cơ quan quản lý chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra giá. “Không lạ gì về con số lãi khi Petrolimex vẫn còn độc quyền trên thị trường”.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu đặt trong mối tương quan lãi lớn và giá cao như hiện nay (23.630 đồng/lít) thì việc doanh nghiệp có lãi nghìn tỷ cũng là điều dễ hiểu. “Mấu chốt là cần đẩy nhanh hình thành thị trường kinh doanh phân phối, bán lẻ cạnh tranh. Tức là chia nhỏ Petrolimex" - ông Doanh nhấn mạnh.
Bình luận về con số lãi khủng của Tập đoàn xăng dầu, chuyên gia kinh tế, thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng: “Đây chứng tỏ có sự “công khai nhưng không minh bạch” nên mới dẫn đến sự bất nhất trong việc khi đòi tăng giá thì kêu lỗ, còn báo cáo tài chính lại bảo lãi”. Theo ông Phú, chưa có ngành kinh doanh nào lại được quy định mức lợi nhuận định mức, hay như việc được dựa vào “bầu sữa mẹ” là thuế nhập khẩu và quỹ bình ổn.
Hai lý do nữa mà theo ông Vinh Phú có thể tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể “qua mặt” các cơ quan quản lý là việc “dù Nghị định 84 vừa được sửa vẫn là chuyện bình mới rượu cũ”. Và trên thực tế, dù Hiệp hội kinh doanh xăng dầu vừa được thành lập mới đây vẫn không biết đang bảo vệ cho ai, bảo vệ cái gì. Và một điều quan trọng nữa, “ con đường đi của giá xăng dầu đầu vào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vẫn là trò “ú tim” của doanh nghiệp.
Không chọn cách chia nhỏ Petrolimex như chuyên gia Lê Đăng Doanh, nhưng giải pháp được ông Phú cho là hiệu quả nhất lúc này, giúp “kìm cương” con ngựa tăng giá của doanh nghiệp xăng dầu đó là việc cần phải sớm mở cửa cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nước ngoài tham gia vào thị trường. “Thông tin doanh nghiệp Petronas (Malaysia) nhiều khả năng sắp vào Việt Nam làm tôi thấy mừng dù cho chỉ chiếm 20% thị phần. Còn giữ độc quyền thì không có giá cạnh tranh”- ông Phú nói.
Theo Dân Việt