Bầu Đức tạo hiệu ứng dư luận xã hội tốt sau thành công của đội tuyển U19 Việt Nam
Từ VCK U19 Đông Nam Á 2013, đến vòng loại U19 châu Á 2014 và gần đây nhất là bầu không khí lễ hội mà U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG sắp xuất xưởng, tạo nên ở sân Thống Nhất.
Nếu có giải thưởng tôn vinh hay vì sự cống hiến trong bóng đá, chắc chắn ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai Group, Đoàn Nguyên Đức, phải là “nhân vật của năm”.
Sự mạo hiểm có tính toán
Cách đây chừng 7 năm, thời điểm diễn ra Lễ động thổ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, tại tiền sảnh khách sạn HA.GL Pleiku (Pleiku, Gia Lai), bầu Đức chia sẻ với cánh báo chí rằng, kể từ ngày ông đầu tư vào bóng đá Gia Lai, doanh thu của HA.GL Group tăng chóng mặt. “Các thương hiệu của HA.GL Group nổi tiếng hơn và cũng gần với người tiêu dùng hơn, thông qua bóng đá. Tôi nuôi bóng đá và ngược lại, bóng đá là kênh quảng bá hữu hiệu. Đấy là mối quan hệ tương hộ và vì thế, tôi luôn tâm niệm rằng, mình làm bóng đá chứ không chơi bóng đá”, chúng tôi chưa quên phát biểu của ông bầu phố núi.
Rất tỉ mỉ, người nông dân Đoàn Nguyên Đức đếm lại những thương vụ đầu tiên của ông với bóng đá Gia Lai, mà đỉnh điểm phải là việc kéo về Pleiku cầu thủ hay nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, Kiatisuk, chỉ để đá… hạng Nhất. Cần chắc rằng, trước khi đến Pleiku, Kiatisuk đã nổi đình nổi đám ở CLB Crystal Palace tận xứ sương mù và ngay lúc đó, bóng đá Việt Nam chưa thể đạt đến đẳng cấp ngang bằng với Thái Lan. Vậy tại sao và như thế nào, cầu thủ số 1 Thái Lan lại gật đầu với bầu Đức?! Chắc chắn không đơn thuần chỉ là chuyện tiền.
Nó cũng tương tự như việc thuyết phục gã khổng lồ Anh quốc Arsenal và JMG toàn cầu trong việc hợp tác, mở Học viện đào tạo cầu thủ trẻ ở Hàm Rồng. “Chúng tôi cần đưa ra được những kế hoạch khả thi để thuyết phục đối tác. Điều đó hoàn toàn không đơn giản. Đã có thời điểm chúng tôi muốn bỏ cuộc, nhưng bầu Đức nói rằng, phải làm cho bằng được”, trợ lý của ông bầu phố núi nhớ lại. Quả thật, sau chuyến khảo sát chóng vánh của các chuyên gia hàng đầu, Học viện HA.GL Arsenal JMG ra đời, với sự có mặt của Tổng lãnh sự Anh và Pháp.
Triết lý kinh doanh chỉ ra rằng, chẳng có sự đầu tư hời hợt nào lại mang về hiệu quả kinh tế cao cả. Bóng đá cũng thế thôi! Để có được chữ ký của Kiatisuk (cùng hàng loạt thương hiệu lớn của bóng đá Thái Lan và Việt Nam sau đó, tạo nên dream team bất khả chiến bại trong gian đoạn 2002 – 2004), một chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho “Zico” Thái. Ngoài ra, Kiatisuk còn được hứa hẹn sẽ trở thành đại lý số 1 các thương hiệu của HA.GL Group ở Thái Lan. Tiền đạo Thái Lan cũng được đặc cách khai thác hẳn một hãng taxi Kiatisuk 13 ở phố núi...
Và Arsenal, cùng JMG toàn cầu cũng thế! Thương hiệu và những hỗ trợ trong suốt quá trình đào tạo được quy ra… thóc, tương ứng với 2 triệu USD mà bầu Đức bỏ ra và tỷ lệ ăn chia cũng rất tỉ mỉ, với một sản phẩm xuất xưởng, được bán ra thị trường. “Tôi cam đoan rằng sẽ lời to”, bầu Đức chắc nịch và tỏ ra rất phấn khích trong ngày động thổ Học viện có cả cồng, chiêng. Để đảm bảo rằng, đây không phải là một vụ đầu tư mạo hiểm, bầu Đức sẵn sàng chặt đi vài hecta cao su đến tuổi thu hoạch nữa, để mở rộng và nâng cấp Học viện tại Hàm Rồng.
Bầu Đức, con người hành động
Với vai trò của mình, ở cả HA.GL Group và Học viện HA.GL Arsenal JMG, hay CLB HA.GL đang chơi V-League, bầu Đức là người đưa ra những quyết sách. Thi thoảng, ông cũng tự cho mình những đặc cách. Nhưng về cơ bản, phần lớn các kế hoạch đều được tham vấn thông qua các thuộc cấp dưới trướng, chứ một mình bầu Đức khó thể ôm hết được. Từ vụ Kiatisuk, đến các chính sách ở đội 1 HA.GL và cả chuyện Học viện HA.GL Arsenal JMG…, đều được bàn bạc rất kỹ lưỡng và được điều hành thông qua các trợ lý đắc lực của ông.
Lấy ví dụ như vụ chiêu dụ Kiatisuk, những người thân bầu Đức vào thời điểm đó có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với danh thủ người Thái, ngoài nghệ thuật “thổi tai”, đã dùng cả “quyền lực mềm” để tác động. Hoặc khi Học viện HA.GL Arsenal JMG được đại diện Việt Nam tham dự các sự kiện – giải đấu như Sanix Cup ở Nhật Bản, đóng vai trò là hạt nhân để chơi VCK U19 Đông Nam Á hay vòng loại U19 châu Á, cũng là từ các mối quan hệ mà ra. Không phải bầu Đức, chắc chắn khó thể có các gói kích cầu lý tưởng như thế.
Theo cái nhìn không chủ quan của những người làm chuyên môn, đó là mối quan hệ tương hỗ. Cụ thể, VFF sẽ không phải cất công tuyển chọn và thành lập các ban bệ rườm ra, khi thành lập U19 quốc gia. Thậm chí, ngay cả chuyện lương bổng hay chế độ Nhà nước, VFF cũng không phải nghĩ! Tất cả đã được HA.GL Group đài thọ, ngay cả kế hoạch tập huấn vĩ mô cho U19 Việt Nam thời gian tới cũng thế. Đổi lại, khi xua quân mình ra đấu trường chinh chiến, bầu Đức được một dịp quá lý tưởng để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm.
Chúng ta đều biết là, bóng đá trẻ muốn phát triển, không thể nhốt mãi ở trong lồng được. Con gà chọi cũng chỉ là con gà, chứ không thể là chiến kê, nếu chưa xua ra đấu trường và chưa giành chiến thắng một vài trận chiến lớn. “Những đứa trẻ của bầu Đức” cũng thế và với giải tứ hùng U19 quốc tế mới đây, người trong cuộc được rất nhiều thứ. Nó bao gồm cả sự hậu thuẫn, lobby cho những kế hoạch vĩ mô ở thượng tầng, mà có thể, U19 Việt Nam cũng chỉ là một công cụ. Tất cả những điều đó đều được tính toán rất kỹ lưỡng.
Giới thạo tin cho rằng, bầu Đức và cộng sự của ông hẳn rất giỏi trong việc chọn “điểm rơi”. Trong bối cảnh nền bóng đá u ám, xuống cấp, với hàng loạt những cuộc bể dâu, thậm chí là đổ vỡ ở thượng tầng, U19 Việt Nam xuất hiện như một làn gió mới. Chúng ta không bao giờ được phép xóa bỏ những giá trị cũ, nhưng hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào cái mới. Bầu Đức và những đứa trẻ của ông thực sự đã gieo vào tai, vào mắt và vào tim một bộ phận đáng kể người hâm mộ, tình yêu và cả niềm tin về một tương lai tốt đẹp.
Theo Thể thao Văn hóa