Thúy Vi giữ vững phong độ và có màn biểu diễn rất đẹp ở nội dung thương thuật - Ảnh: Quang Tuyến |
Một may mắn không nhỏ giúp Vi đăng quang là ở nội dung kiếm thuật và thương thuật, không có sự góp mặt của võ sĩ Trung Quốc. Nhưng nếu không có nội lực và phong độ xuất sắc, cô cũng không thể vượt qua được các đối thủ rất mạnh đến từ hai vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Macao và Đài Loan. Chưa kể, vận động viên Nhật Bản cũng thi đấu khá hay.
Khác với sân chơi khu vực, chỉ cần thi đấu một nội dung đã có thể đoạt huy chương. Luật thi đấu của ASIAD khốc liệt hơn nhiều, phải hoàn tất hai phần thi mới được tính một huy chương và Vi đã hoàn tất hai bài biểu diễn (sáng, chiều) một cách hoàn hảo.
Là người ra sân biểu diễn gần áp chót trong phần thi sáng (kiếm thuật), gần như Vi không mắc lỗi trong tất cả những động tác kỹ thuật khó. Xinh đẹp, vóc dáng lý tưởng, thần thái tuyệt vời, Vi thực hiện những bước xoay người, santo nghiêng hai vòng trên không cùng kiếm rồi xoạc chân tiếp đất, vừa mềm mại, uyển chuyển mà vẫn dứt khoát, mạnh mẽ.
Vì thế, không quá bất ngờ khi các trọng tài đã chấm cho cô số điểm cao hẳn so với những đối thủ đã thi đấu khá tốt trước đó: 9,71 điểm và đứng đầu bảng xếp hạng nội dung kiếm thuật.
Vào buổi chiều, Thúy Vi tiếp tục giữ vững phong độ và có màn biểu diễn rất đẹp ở nội dung thương thuật với số điểm 9,70. Thúy Vi đã đạt tổng cộng 19,41 điểm để giành huy chương vàng xứng đáng.
Khi các hy vọng vàng của Việt Nam như Thạch Kim Tuấn chỉ đoạt huy chương bạc hay Hoàng Xuân Vinh bị loại ở chung kết môn bắn súng thì tấm huy chương vàng của Thúy Vi càng trở nên giá trị, và càng làm dầy thêm bộ sưu tập huy chương của cô gái sinh năm 1993 này.
Vi “tỏi” tự lập, cô thích tự tay mình làm mọi việc, phải sống xa nhà từ nhỏ nên cá tính độc lập càng trỗi dậy trong Vi mạnh mẽ hơn - Ảnh: Quyết Thắng |
Có một chi tiết vui là nhà vô địch ASIAD 17 được mọi người biết đến với biệt danh Vi “tỏi” vì ngày nhỏ hay được các chị trong đội búi tóc tròn trên đỉnh đầu.
Vi “tỏi” học wushu từ năm 8 tuổi, đó là nhờ một lần HLV của anh họ đến nhà chơi, thấy Vi nhanh nhẹn bèn bảo thử chụm chân vào nhảy xa, Vi làm thử và nhảy được có lần 1,5 mét.
Tập wushu và ngày càng đam mê, có khi kết quả học tập trên lớp không như ý, nhiều lần mẹ Vi lo lắng bảo con gái từ bỏ wushu tuy nhiên thấy con gái quá say mê, các thầy cũng khen ngợi con, mẹ Vi đành xuôi lòng cho con đi theo ước mơ này.
Vi “tỏi” tự lập, cô thích tự tay mình làm mọi việc, phải sống xa nhà từ nhỏ nên cá tính độc lập càng trỗi dậy trong Vi mạnh mẽ hơn. Mẹ Vi kể lại những kỷ niệm về con gái bướng bỉnh ngày nhỏ, đó là năm 3 tuổi, Vi đã biết bắt chước bố tập võ.
8 tuổi, Vi đã tự bắt xe buýt đi học, không cần ai đưa đón. Hay có lần bị mẹ lấy roi vụt trong mâm cơm vì ngồi ăn không đúng tư thế, bố thương Vi bế lên thì Vi nhất mực nhảy xuống, vào để mẹ đánh tiếp.
Một Thúy Vi hồn nhiên tuổi teen - Ảnh: Quyết Thắng |
Vi nhiều lần đạt huy chương vàng (HCV) Đại hội Toàn quốc, HCV giải trẻ Toàn quốc, HCV Giải trẻ thế giới, HCV Giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới, là người mở hàng vàng cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 2013 Myanmar.
Để có những thành tích này, cô gái bỏ ra không ít những đau đớn, có nước mắt và cả những lần chấn thương tưởng không thi đấu được tiếp. Tuy nhiên, cá tính trong Vi khiến cô ít khi than thở với mẹ cha về những vấn đề cô đang gặp phải.
Năm 2008, dự giải trẻ thế giới ở Indonesia, Vi thi đấu nội dung thương thuật và bị chệch cổ chân, cô gái vẫn nén đau hoàn thành bài tập, sau đó mọi người phải vào sàn, bế Vi ra vì cô gái quá đau.
Trước khi bước lên sàn đấu ở SEA Games 27, Vi từng ôm chân đau phát khóc vì chấn thương. Ơn trời, HCV gọi tên Vi, đoàn Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc.
Và hôm nay, thành tích tuyệt vời mà Vi vừa giành được trên đất Hàn Quốc là kết quả cho những lao động không ngừng và cả những đớn đau mà Vi “tỏi” đã chịu đựng trong suốt chặng đường cô đã đi qua.
Theo Thanh Niên