Hiệp hội bóng đá quốc tế đang có những đề xuất khiến NHM lo ngại rằng lối đá xấu xí sẽ có điều kiện phát tác.
Từ những giả định
Tình huống giả định 1: Phút 50, Yaya Toure đột phá, khi tỉ số vẫn là 0-0. Bạn là hậu vệ cuối cùng. Đó là một cơ hội tốt, mà một cầu thủ ở trình độ của Toure rất hiếm khi bỏ lỡ. Bạn có thể đốn ngã Toure. Nhưng nếu làm thế, đội của bạn sẽ phải chịu penalty, còn bạn thì phải nhận thẻ đỏ. Chưa kể án treo giò 3 trận. Tốt nhất là không nên thử? Biết đâu thủ môn đội nhà sẽ cản được cú sút của Toure. Nếu không, ít nhất đội của bạn vẫn còn 40 phút để lật ngược thế cờ, trong thế 11 đấu 11.
Giả định 2: Y.Toure đột phá khi tỉ số vẫn là 0-0, và bạn là hậu vệ cuối cùng. Nhưng khác biệt là sau cuộc họp của BLĐ Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), đã có những điều chỉnh quan trọng trong việc xử lý những pha phạm lỗi trong vòng cấm. Cụ thể hơn, một pha phạm lỗi dẫn tới penalty sẽ chỉ bị phạt thẻ vàng. Và tất nhiên không có án phạt 3 trận.
Điều “tuyệt vời” hơn còn ở phía trước. Toure sẽ bị chấn thương. Những cầu thủ đá penalty tốt nhất của Man City đều không có mặt. Trong khi đó, tỉ lệ đá trượt penalty ở Premier League mùa trước, lên tới 16%. Và nên nhớ là dù kết quả đá penalty thế nào thì bạn vẫn còn 40 phút để làm lại, trong thế 11 đấu 11. Tại sao lại không tung ra một cú tắc và chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Coi chừng cổ xúy cái xấu!
Trong bóng đá đỉnh cao hiện đại, khi một đội thiếu người thì cơ hội thất bại rất cao, huống hồ còn bị một quả phạt đền. Ví dụ mới đây, sau khi Mehdi Benatia phạm lỗi với Sergio Aguero tại lượt trận thứ 5 vòng bảng Champions League 2014/15, anh bị đuổi, Bayern chịu phạt đền, và Man City thắng 3-2. Không có luật lệ nào hoàn hảo nhưng chí ít đến lúc này, quy định kể trên đã giảm thiểu tối đa khả năng chơi xấu và những toan tính kỹ của những đội luôn tìm cách triệt phá đối thủ, gây hệ lụy xấu xí cho bóng đá đẹp và những đội chơi đẹp.
Pierluigi Collina, một trong những trọng tài nổi tiếng thế giới khi còn cầm còi, ủng hộ thay đổi thay thẻ đỏ bằng thẻ vàng. Collina là cố vấn cao cấp của Uỷ ban luật quốc tế (IFAB), tiếng nói của ông rất sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu áp dụng luật giảm nhẹ hình phạt ở những tình huống phạm lỗi “một đối một” dẫn tới penalty (như pha phạm lỗi của Benatia với Aguero), thì chắc chắn các pha phạm lỗi trong vùng cấm sẽ tăng vọt.
Nhiều đội sẽ không ngần ngại chủ trương triệt phá cầu thủ tấn công của đối phương để ngăn cản bàn thắng mà vẫn rất “hời”, như trong tình huống giả định 2.
Vẫn cần nghiêm khắc
Bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào khác cũng không thể tránh sai sót do trọng tài, nhưng yếu tố khách quan ấy là một phần của cuộc chơi và được chấp nhận. Chất lượng trọng tài đang ngày càng được cải thiện, nên sai sót chắc chắn không nhiều.
Những hình phạt nghiêm khắc sẽ giúp bóng đá thiết lập kỷ cương trong bối cảnh nạn bạo lực đang gia tăng. Chỉ riêng ở Premier League, cần lưu ý là trong nhóm 10 đội xấu chơi nhất có hầu hết những đội lớn gồm Man City, Arsenal, M.U, Chelsea, Tottenham. Nếu cho rằng chỉ có những đội nhỏ hay đội yếu mới chơi xấu là sai lầm lớn!
Nhìn qua các môn khác, không phải ngẫu nhiên khi hình phạt dành cho vi phạm dùng doping sẽ tăng từ cấm thi đấu 2 năm thành 4 năm kể từ năm 2015 trở đi. Nếu chỉ hai năm, thủ phạm vẫn có cơ hội dự Olympic (đỉnh cao của VĐV chuyên nghiệp) trong khi 4 năm thì chắc chắn sẽ vắng mặt.
Cuộc họp sắp tới của IFAB bàn về vấn đề giảm hình phạt kể trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến bộ mặt bóng đá thế giới. Hy vọng, IFAB sẽ có chọn lựa chính xác.
Tottenham là đội xấu chơi nhất
Nổi tiếng với lối chơi tấn công đẹp mắt nhưng Spurs lại là đội có thành tích “xấu chơi” nhất ở Premier League mùa này với tổng cộng 166 lỗi, quy ra điểm là 265 điểm với 27 thẻ vàng, 3 đỏ. Cách tính điểm là 1 điểm cho 1 lần phạm lỗi, 3 điểm cho thẻ vàng, 6 điểm cho thẻ đỏ.
10 CLB chơi xấu nhất Premier League 2014/15:
Bạn có biết?
IFAB (viết tắt từ “International Football Association Board”) là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành luật của môn bóng đá. IFAB được thành lập vào năm 1886 và hoạt động hoàn toàn độc lập so với FIFA.
Ai chơi xấu, ai chơi đẹp? Jedinak chơi “bẩn” nhất Premier League Tiền vệ trung tâm Mile Jedinak (phải) của Crystal Palace là một trong những “máy quét” thô bạo nhất Premier League mùa này. Cầu thủ người Australia trung bình mỗi trận thực hiện 2,5 pha phạm lỗi, cao nhất Premier League 2014/15. Phạm lỗi nhiều đương nhiên phải nhận thẻ nhiều, Jedinak tới lúc này đã sở hữu 4 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ. Mặc dù nổi tiếng chơi xấu nhưng Jedinak cũng xứng vai đội trưởng khi đã góp 5 bàn cho Crystal Palace từ đầu mùa.
Clyne - vua tắc bóng Premier League Hậu vệ Nathaniel Clyne của Southampton đang dẫn đầu Premier League mùa này về tắc bóng với 4,8 cú tắc/trận. Hầu hết các cầu thủ khi đối đầu đều rất ngại những cú vào bóng dũng mãnh của Clyne. Tuy nhiên kỹ thuật tắc bóng của Clyne rất tốt giúp anh ít bị thổi phạt (Clyne mới nhận 3 thẻ vàng từ đầu mùa).
QPR “chết” vì chơi đẹp QPR là một trong những đội ít phạm lỗi nhất Premier League 2014/15. Tại mùa giải này, họ thực hiện trung bình 9,8 pha phạm lỗi/trận, chỉ nhiều hơn Everton (9,3). HLV Harry Redknapp chủ trương không chạy theo lối đá chém đinh chặt sắt cho dù QPR có thực lực yếu nhất nhì Premier League. Chính vì thế cho tới lúc này, QPR mới nhận 22 thẻ vàng và chưa có thẻ đỏ, đứng thứ 4 về fair-play. Có điều QPR phải “trả giá” cho việc chơi fair-play bằng vị trí áp chót trên BXH.
Bayern tắc bóng hiệu quả nhất Bayern Munich đang là đội bóng hiệu quả nhất trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu xét về khía cạnh phòng ngự. Cụ thể, Hùm xám chỉ thủng lưới 0,23 bàn/trận, ít hơn bất kỳ đội bóng nào khác. Ngoài ra họ cũng sở hữu nhiều trận sạch lưới nhất với 10 trận không phải nhận bàn thua. Tuy nhiên cần biết rằng Bayern lại đứng khá cao (thứ 11/98 CLB thuộc 5 giải hàng đầu) về số pha tắc bóng trung bình với 80 lần/trận. Điều đó cho thấy Bayern tắc bóng hiệu quả ra sao?
Chơi “xấu” cũng dở Các đội bóng thường chọn lối chơi thô bạo xấu xí để bảo toàn mành lưới. Song tất nhiên đó không phải công thức tuyệt đối cho thành công. Điển hình như hai CLB Lorient và Metz (ảnh) tại Ligie 1 mùa giải này. Lorient sở hữu 85 pha tắc bóng/trận, còn Metz là 84, đang dẫn đầu 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu về số pha tắc bóng trung bình mỗi trận. Nhưng hệ quả là gì? Lorient chỉ xếp thứ 14 còn Metz đứng thứ 13 tại Ligue 1 mùa này với cùng 20 bàn thua. Hàng phòng ngự của họ chỉ đứng thứ 16 trong 20 đội bóng Pháp.
|
Theo Bóng Đá Plus