Những điều ít biết về thầy Miura

Thứ tư, 10/12/2014, 11:53
HLV tuyển Việt Nam sống rất tình cảm nhưng không lụy tình. Ông từng học nghề HLV bóng đá năm năm ở Đức.

Tuyển Việt Nam đang trở thành hiện tượng thú vị ở AFF Cup. Thành công bước đầu của đoàn quân áo đỏ có công rất lớn của HLV Miura. Ông chính là ngôi sao sáng, phát hiện lớn nhất của giải lần này. Trong sự nghiệp khá thăng trầm của mình, đây là những giây phút ngọt ngào của vị chiến lược gia 51 tuổi.

miu5-9673-1418089724.jpg

Ông Miura để lại nhiều dấu ấn ở tuyển Việt Nam hiện tại. Ảnh: KL.

Nói tiếng Đức, Anh và đang học tiếng Việt

HLV Miura có ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng không thành. Năm 1991, ông qua Đức học nghề làm HLV hơn 5 năm. Ông không chỉ rời Đức với tấm bằng A bóng đá mà còn có bằng cao cấp về phiên dịch tiếng Đức. Hiện nay, ông Miura sử dụng thành thạo tiếng Anh, Đức và đang học tiếng Việt Nam, bắt đầu từ những từ đơn giản nhất.

Nhận mức lương 'bèo' so với những người tiền nhiệm

Lương tháng của HLV Miura hiện nay nhận 12.000 USD, nếu gồm cả các khoản trợ cấp khác là khoảng 15.000 USD. Con số này khá thấp so với hai người tiền nhiệm là Calisto và Goetz - hai vị từng nhận mức lương lên đến 22.000 USD mỗi tháng. Nhận lương thấp hơn nhưng ông Miura lại đang có dấu ấn rất đặc biệt với bóng đá Việt Nam.

Một quan chức VFF từng so sánh ví von “chúng ta chỉ đủ tiền ăn rau muống chứ không đủ tiền ăn thịt bò Kobe” để giải thích việc mời HLV còn lạ lẫm Miura chứ không phải ai tên tuổi. Đây là lần đầu tiên ông dẫn dắt một đội tuyển và lần đầu ông làm việc ngoài nước Nhật trên cương vị HLV trưởng.

HLV bóng đá từng học… bóng chày

HLV Miura khi còn nhỏ từng học bóng chày - môn thể thao phổ biến tại Nhật Bản. Điều này không khó hiểu bởi bố ông là VĐV bóng chày chuyên nghiệp cho CLB Nippon Steel Kamaishi và có ý hướng ông theo nghề này. Nhưng ông chỉ tập chứ không thể theo đuổi bóng chày như là sự nghiệp. Bóng đá dần chiếm trọn đam mê của ông, tạo cho ông động lức lớn để theo đuổi khi qua Đức học suốt 5 năm. Đây là thông tin về gia đình hiếm hoi nhất ông từng chia sẻ.

Chuyên gia 'chém gió' về bóng đá châu Âu

HLV Miura được biết đến là người rất am hiểu bóng đá châu Âu. Chính vì vậy, có thời gian khoảng hai năm gần đây, ông được các đài truyền hình Nhật mời làm bình luận viên chuyên về bóng đá Đức, Italy và Hà Lan.  Năm 2010, ông cũng từng cùng một nhà đài sang Nam Phi làm các phóng sự bình luận về World Cup. Từng làm trong lĩnh vực truyền thông nên có lẽ ông quá hiểu cách ứng xử sao cho phù hợp và đảm bảo sự yên lặng cần thiết. Thời gian qua, ông tuyệt đối tránh trả lời báo chí.

Sống tình cảm nhưng không lụy tình

miura-1391-1418100921.jpg

Các học trò nể và quý ông Miura. Ảnh: TN.

HLV Miura được biết đến như là người sống tình cảm. Những ngày đặc biệt của cầu thủ ông đều nhớ và nhớ nhiều chi tiết riêng của từng người. Cầu thủ có chuyện gì ông đều hỏi han, động viên như trường hợp Duy Khánh mới đây chấn thương phải mổ. Ông cũng rất tâm lý khi tạo điều kiện để Công Vinh về thăm vợ ốm. Nhưng theo các cầu thủ, ông phải người lụy tình trong công việc. Mọi việc với ông rất rõ ràng. Ông không phân biệt cầu thủ bằng tên tuổi, hoàn cảnh mà bằng những bước chạy trên sân và việc họ có đá chính hay không là ở năng lực.

Tín đồ của sổ sách và thời gian

HLV Miura là người làm việc vô cùng chăm chỉ và đặc biệt đúng thời gian. Ông luôn muốn làm chủ thời gian chứ không bao giờ muốn rơi vào tình trạng bị động. Mọi kế hoạch được ông nghiên cứu kỹ, bàn bạc kỹ với các trợ lý trước một tiếng khi vào buổi tập. Tất cả phải chạy ro ro theo sự tính toán đó dưới sự giám sát của ông. Trong tay ông luôn có cuốn sổ tay để ghi chép tỉ mẫn từng thông tin về cầu thủ, cách chơi của họ, những phương án từng dạng chiến thuật với mỗi người. Phần lớn thời gian trong ngày ông dành cho công việc.

Ông ghét muộn giờ và chỉ nắm bắt cái gì cũng lờ mờ. Tính cách người Nhật và quá trình rèn luyện trong môi trường Đức giúp ông trở thành một người làm việc rất khoa học. Tuy vậy, ông không khô khan. Khi cần, vị chiến lược gia 51 tuổi vẫn vui vẻ nhận lời “đá phủi” trong vai trò tiền vệ tổ chức, rồi cùng ngồi làm vài ly “bia cỏ” với sự thân mật. Ông thích khám phá những điều đặc biệt về ẩm thực, văn hóa nơi ông đi qua.

Cầu thủ là người được phục vụ

Cầu thủ dưới thời ông không phải “bơm bóng xách nước” mà việc này cần có người khác lo. Đó là quan điểm của ông về công việc. Với ông, cầu thủ chỉ việc đúng giờ ra sân, tập trung tập luyện chứ không cần lăn tăn điều gì khác. Họ không phải chia nhau chuyện trực nhật, mang vác dụng cụ tập. Ngược lại, trách nhiệm cầu thủ là thi đấu tốt và giành kết quả như kế hoạch đề ra.

HLV Miura thường sử dụng 'phút 89'

Các học trò rất khó đoán định ý tưởng của người thầy của mình. HLV Miura có những tính toán rất riêng và chỉ khi đến đúng thời điểm ông mới nói. Thường thì khi sắp thi đấu, cầu thủ mới biết mính đá chính thức hay dự bị. Ông không thiên vị ai mà rất công bằng với từng người chứ không sắp xếp đội hình theo tên tuổi cầu thủ. Nỗ lực của học trò trên sân tập, chiến thuật cụ thể với đối thủ cụ thể quyết định việc người nào ra sân ở vị trí nào, từ đâu. Khi dùng ai ông Miura đều giải thích cụ thể. Cách làm này khiến cầu thủ rất nể phục, không ấm ức và luôn cố gắng đến “phút 89”.

Theo Ngôi sao

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích