Năm năm trước, Tuấn vẫn là một người nhặt ve chai, không được ai biết đến. Song, nhờ thể thao, anh đã đổi đời với mức thu nhập 1 tỷ đồng/năm. |
Cũng như “tỷ phú tiền đồng” từng nhặt ve chai và bán vé số này, nhiều VĐV với xuất phát điểm dưới đáy đã tạo nên một sự đổi đời ngoạn mục, gắn với những ngã rẽ kỳ lạ nhờ thể thao.
Từ nhặt ve chai thành tỷ phú
Đến giờ, rất nhiều người bạn lao động đường phố của đô cử quê Bình Thuận mồ côi mẹ từ nhỏ theo các anh chị lên Sài Gòn mưu sinh này vẫn không thể tưởng tượng nổi vì sao Tuấn lại có thể thành đạt cả về danh tiếng lẫn tiền bạc nhanh chóng như vậy.
Mới chỉ 5 năm trước, ngày ngày, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô này hãy còn phải lang thang nhặt ve chai, bán vé số, tầm quất dạo với mục tiêu đơn giản kiếm ít tiền để mang về đưa chị gái lo cuộc mưu sinh.
Còn hiện tại, mới ở tuổi 20, Tuấn đã có tất cả - chức vô địch thế giới, vị thế của ngôi sao hàng đầu, một căn nhà mới tậu trị giá 800 triệu đồng và đáng nói hơn khoản thu nhập “cứng” cao nhất giới thể thao, khoảng 25 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2004, Tuấn vô địch về mặt tiền thưởng, vượt qua cột mốc 1 tỷ đồng cho những chiến tích sáng giá bậc nhất như 1 HCV, 2 HCV thế giới, 1 HCB ASIAD, 3 HCV trẻ thế giới.
Cuộc đổi đời giống như một giấc mơ có thật của Tuấn tất nhiên từ tố chất, đam mê và khả năng khổ luyện độc nhất vô nhị của anh. Song bước ngoặt lại bắt nguồn từ một lần theo anh đến xin tập cử tạ, và gặp đúng được ông thầy đặc biệt Huỳnh Hữu Chí - người đã nhìn ra ngay đây là một viên ngọc thô.
Vừa mới đây, Tuấn cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên được chọn làm bìa của một tạp chí chuyên ngành thế giới - Tạp chí Cử tạ của Liên đoàn cử tạ quốc tế.
Có thể “cử giật” một tỷ đồng mỗi năm
Chưa nói đến các khoản thu nhập ngoài kiểu như quảng cáo hay tài trợ, niềm hy vọng số một của TTVN cho Olympic 2016 có thể đều đặn có mỗi năm ít nhất một tỷ đồng trong nhiều năm tới chỉ bằng việc “giật” tạ.
Với hệ thống thi đấu thường niên hiện tại của môn cử tạ, gồm giải thế giới, giải châu Á, rồi năm nào cũng có một sự kiện Đại hội như SEA Games, ASIAD, Olympic, Tuấn sẽ có khả năng giành huy chương, kể cả Vàng ở mọi cuộc đấu bằng đẳng cấp hàng đầu thế giới của mình. Dĩ nhiên kèm theo đó cũng là những khoản thưởng “khủng” theo quy định của ngành thể thao, đơn vị chủ quản TP.HCM.
VĐV điền kinh Quách Thị Lan - Chạy ra vài chục con trâu
Cách đây hai năm, sau khi nhận 3 triệu đồng tiền thưởng nhờ hai tấm HCV, phá hai kỷ lục tại giải VĐQG, thiếu nữ người Mường vùng Thanh Hóa này thậm chí còn không tin vào mắt mình, chỉ biết đưa hết cho mẹ như một món tích lũy trong mơ. Đơn giản vì lúc đó ngoài được ngành thể thao lo ăn ở, Lan chỉ có được khoản hỗ trợ vài trăm nghìn cho VĐV tuyến trẻ.
Chỉ nhờ đôi chân thần tốc trên các đường chạy điền kinh, Quách Thị Lan đã tạo được khối tài sản trị giá vài chục con trâu. |
Trước đó Lan chỉ biết chăn trâu, nấu cám nuôi lợn, làm ruộng. Về tiền bạc, nhiều nhất cũng chỉ biết đến vài chục nghìn do bố mẹ cho tiêu vặt sau khi bán trâu con hay lợn thịt thu vài triệu đồng.
Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt với tấm HCB ASIAD lịch sử. Lan nổi tiếng khắp cả nước, liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Mới đây, Lan còn được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức một buổi tôn vinh riêng do ông Chủ tịch tỉnh trực tiếp chủ trì.
Và tổng mức thưởng chị nhận được tuy chưa so được với một số anh chị “sao” nhưng cũng đã là mức “khủng khiếp” với bản thân: gần 300 triệu đồng. Như ví von hồn nhiên của mấy cô bạn thân đất Ngọc Lặc đã lấy chồng bồng con, vẫn đang chăn trâu kiếm củi thì “cái Lan sắp giàu nhất vùng rồi, đã dư tiền tậu được vài chục con trâu cho bố mẹ rồi”.
Lan đang đứng trươc cơ hội cực sáng để thâu tóm tấm HCV đường chạy 400m, đồng nghĩa với việc thành sao và tỷ phú thể thao - một thành quả xứng đáng cho cô gái xinh đẹp với tài năng được đánh giá điền kinh Việt Nam phải “hàng thập kỷ mới có một người”.
Boxer Lừu Thị Duyên - “Cõng” nhà Hà Nội lên núi
Thật khó tin đến 2011 khi đã là Á quân SEA Games, nữ tuyển thủ boxing quê ở Phố Lu, Lào Cai vẫn còn liên tục bị gia đình để sẵn “chế độ” phải về quê lấy chống bất cứ lúc nào. Vì ở nhà Duyên đã có mấy đám dạm sẵn, và điều cốt yếu, theo bố mẹ, món đấm đá mà chị đang theo vừa ghê quá, vừa chẳng có tương lai gì, lại có nguy cơ ế chồng.
Nghiệp võ sĩ đấm bốc không chỉ giúp Duyên thoát khỏi nạn “lấy chồng sớm” mà còn đem lại cho chị rất nhiều giá trị vật chất, tinh thần khác. |
Vậy mà, chỉ một năm nay, bố mẹ chị đã luôn tự hào, phấn khởi “cho con Duyên theo võ cả đời, lúc nào lấy chồng cũng được”. Còn các HLV của chị nói thêm “cũng phải thôi bởi giờ Duyên đã là người Lào Cai nổi tiểng nhất” không chỉ mang lại niềm vinh dự mà còn giúp cả nhà đổi phận. Nếu không có boxing, chắc Duyên đã phải bỏ học lấy chồng ngay sau lớp 9, lam lũ vất vả trong cảnh con bống con bế.
Chiến tích 1 HCV SEA Games 27, 1 HCĐ ASIAD 2014 của Duyên có thể chưa là gì với dưới xuôi nhưng thực sự giống như một thứ quặng hiếm đối với nền thể thao của tỉnh miền núi này. Nó đã đi vào “sự kiện năm” của Lào Cai - điều chưa từng xảy ra với các địa phương khác, mà theo đó là rất nhiều khoản thưởng thuộc mức ngoại lệ.
Một năm trở lại đây, Duyên đã có khoản tích lũy hơn nửa tỷ đồng, và có thể đều đặn tăng cùng sự đột phá mãnh liệt của võ sĩ đất núi lên đỉnh châu Á và thế giới. Duyên đã có đủ tiền để xây một căn nhà giống như ở Hà Nội trên phố núi hoặc sắm một căn chung cư ở Thủ đô, trong trường hợp muốn lập nghiệp lâu dài ở đây.
Theo Bóng Đá Plus