Nếu năm 2002 người hâm mộ Pleiku chân chất đón chào Kiatisak đến phố Núi thật dân dã và hồn nhiên thì 13 năm sau mọi người lại đón lứa cầu thủ khóa đầu học viện đá V-League ồn ào và bài bản hơn rất nhiều.
Tôi xem đi xem lại những hình ảnh khi Kiatisak năm 2002 khoác áo HAGL và ghi bàn, rồi Santo trên sân Pleiku và trên khán đài, những cụ già người dân tộc miệng móm mém cười thật sảng khoái rồi tự hỏi khán đài hồi đấy và khán đài bây giờ có gì khác?
Lâu lắm rồi người dân phố Núi lại kéo đến sân đông đến vậy.
2002 người xem tìm đến cái sân Pleku cũ kỹ vì hiếu kỳ và vì chưa bao giờ bóng đá Gia Lai nổi đình nổi đám đến thế. Cái năm mà trước giải hạng Nhất, bầu Đức còn mời cho kỳ được đội vô địch V-League 2001 SLNA đến và đá giao hữu cho người hâm mộ phố Núi ngắm nhìn những thần tượng như Hữu Thắng, như Văn Sỹ Hùng, Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Sơn, Phi Hùng…
Bây giờ, không chỉ người hâm mộ phố Núi mà là cả nước đáng hướng về các cầu thủ trẻ HAGL (lứa cầu thủ mà mọi người đã quen với màu áo U19 Việt Nam) lần đầu khoác áo thi đấu chuyên nghiệp.
Và cái sân Pleiku được xây lại theo mô hình Emirates đã “vỡ” vì quá tải so với sức chứa 10 ngàn khán giả.
90 phút đầu tiên của V-League là cuộc trình diễn của các cầu thủ trẻ với bốn bàn thắng đẹp mà tác giả của nó là những cái tên đã quen thuộc trong màu áo U19 Việt Nam. 90 phút ở Pleiku, nhiều người không kịp nhận ra Sanna Khánh Hòa, cũng là một đội bóng trẻ thứ nhì của giải bởi truyền thông, khán giả và cả các bình luận viên đã hút hết vào HAGL.
Hiện tượng ở phố Núi được làm dày lên từ những hình ảnh nhỏ nhất, thậm chí là những chi tiết ở phòng thay trang phục và có lúc nó làm chìm hẳn 13 đội còn lại, dù họ cũng là thành viên của V-League.
Hiện tượng đấy là tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam về một nền tảng trẻ và về một lứa cầu thủ trẻ được kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, nhìn xa hơn về bản chất của vấn đề thì cả làng bóng bây giờ hình như có quá ít cái để mà yêu, để mà hy vọng.
Tên tuổi của bầu Đức là "tấm lá chắn" cho lứa cầu thủ trẻ của HAGL.
Đã có lúc tôi tự vấn mình và đặt ra hàng loạt câu hỏi quanh những sự trẻ hóa của nhiều đội bóng, như SLNA đưa cầu thủ chưa đủ 20 tuổi Tuấn Tài lên đá V-League, hoặc Khánh Hòa, Đồng Tháp… dự giải với một thành phần cũng rất trẻ, nhưng vì sao rất rất ít khi họ được nhìn nhận về sự tích cực ấy.
Và câu chuyện lại quay về cái sân Pleiku bị vỡ trong ngày khai mạc cùng những lời lý giải của đại diện ban kỷ luật liên quan đến nhiều yếu tố tích cực trong cái sân bị “vỡ”. Xét cho cùng nó cũng giống điều mà ông Miura thắc mắc vì sao tài xế của ông vi phạm luật giao thông nhưng lại được cho qua vì “nể cái ông ngồi trong xe đấy”.
Cũng đã có lúc tôi tự hỏi có phải vì ông Trưởng ban kỷ luật đang cố “bào chữa”, tìm những yếu tố tích cực, thay cho việc phải kỷ luật thẳng thừng theo khung của ban kỷ luật vì ngại va chạm với ông Phó chủ tịch VFF?
Cái khó của bầu Đức và của lứa cầu thủ trẻ khoác áo HAGL là họ cần được bảo vệ, nhưng lại cũng đang bị xem là đội bóng của ông Phó chủ tịch VFF nhiều hơn là đội HAGL. Thậm chí là nhiều người còn so sánh những trận bóng lớn hay những sự kiện quan trọng thì có thể không có ông chủ tịch VFF nhưng ở cuộc họp giới thiệu nhà tài trợ HAGL thì ông chủ tịch lại có vẻ vồn vã như người nhà.
Hiện tượng ở phố Núi là điểm sáng cho bóng đá Việt Nam nói chung và V-League nói riêng nhưng cách đi và cách nhìn nhận của đội bóng trẻ đấy như thế nào mới quan trọng. Họ - các cầu thủ trẻ HAGL – cần được trui rèn ở nhiều môi trường, thậm chí là cần được thử thách ở những đấu trường khốc liệt với tư cách là thành viên của một đội bóng hơn là những cầu thủ được gửi gắm và được cả nước cưng chiều.
Hy vọng những nhà làm bóng đá biết và hiểu hơn hết về những điều này để sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ tự nhiên và thực sự hữu ích hơn là có bàn tay “đạo diễn” của “người lớn”.
Theo Khám phá