Chuyện sẽ nhanh chóng khô đi như bãi nước bọt nếu như hình ảnh phun mưa của Chí Công không lọt vào khuôn hình những phóng viên ảnh trên sân. Chứng cứ rõ ràng, ngày 15.3 vừa rồi, tức là đúng 1 tháng sau vụ phun mưa, Ban kỷ luật VFF đã ra quyết định phạt Chí Công bị treo giò 3 trận và phạt… 10 triệu đồng. Đó có thể là bãi nước bọt đắt nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Phun mưa - một hiện tượng… phản văn hóa
FIFA có hẳn một điều luật chống lại nạn “bắn nước bọt” trong giới bóng đá. Nó được quy định ở điều "Những hành vi xúc phạm danh dự người khác, hành vi thiếu văn hóa". Cao hơn, trong một số trường hợp, thủ phạm có thể bị quy vào tội “Phân biệt chủng tộc”.
Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, trong trận Manchester United - Newcastle tại giải Ngoại hạng Anh, hai cầu thủ thủ Evans và Cisse nhổ nước bọt tè le vào nhau khiến cho thiên hạ một phen “tròn mắt”. Nhân sự kiện ầm ĩ, tờ Telegraph của Anh đã tổng hợp lại những vụ phun mưa nổi tiếng thế giới.
Nổi tiếng nhất là câu chuyện sau trận đấu Hà Lan gặp Đức ở World Cup 1990, Rijkaard sau khi phạm lỗi còn “phun mưa” kín đáo vào Rudi Voller. Tuyển thủ Đức phàn nàn, nhưng thay vì ghi nhận, ông trọng tài cho Voller chiếc thẻ vàng vì tội… lèm bèm. Trong pha bóng tiếp theo va chạm với thủ thành Hans van Breukelen, Voller lại bị Rijkaard nhổ nước bọt lần nữa. Không chịu được nữa, Voller phản ứng lại và kết cục là cả hai đều bị đuổi khỏi sân. Vụ việc ầm ĩ một thời gian và sau này, Rijkaard đã lên tiếng xin lỗi.
Còn ở Việt Nam thì sao? Hầu hết những vụ phun mưa không bị bắt tại trận do thiếu chứng cứ. Năm 2012, trong trận đấu ở Cup QG giữa Thanh Hóa và Sài Gòn FC, tiền đạo Sunday của Thanh Hóa đã “nổi khùng” và nói chuyện chân tay với Huỳnh Kesley trên sân Thống Nhất, bởi theo Sunday, tiền đạo Kesley đã “phun mưa” vào mặt anh. Song, kết cục chỉ là Sunday bị phạt tiền khá nặng còn vụ nhổ nước bọn của Kesley thì… cho qua.
Chí Công - chẳng phải… đậu vừa rang
Quay trở lại câu chuyện nhổ nước bọt của Chí Công. Tất nhiên, sau khi nhận được bản án đắt giá cho bãi nước bọt, tính ra tiền cũng không dưới 20 triệu đồng (10 triệu đồng tiền phạt, các khoản thưởng trong 3 trận bị treo giò cũng bị cắt), Chí Công đã tính đến chuyện khiếu nại. Thế nhưng CLB ĐT.LA lại có cách giải thích khác. Một lãnh đạo đội bóng này nói: “Chúng tôi tuy bất ngờ nhưng có lẽ BTC cũng đã có chứng cứ đầy đủ. Chí Công vi phạm luật chơi thì phải chịu phạt”.
Chí Công - còn được gọi là Công “Tây” do vóc dáng giống Tây (hoặc gốc miền Tây - Cần Thơ), từng là một trung vệ khét tiếng ở đội tuyển. Lối chơi của Chí Công quyết liệt tới mức thô bạo. Năm 2011, Chí Công có hai vụ đình đám. Đầu tiên là pha bóng đạp thẳng gầm giầy vào đầu gối tiền đạo Lucas Cantoro (CLB Hà Nội) khiến cầu thủ người Argentina không những bị chấn thương nặng mà còn hoảng sợ đến mức chia tay bóng đá Việt Nam vì không chịu nổi “nhiệt”. Vụ thứ hai là chuyện Chí Công bị… chém gây xôn xao dư luận.
Sau buổi tập của đội B.Bình Dương, Chí Công dùng cơm tối ở nhà ăn tập thể của đội bóng rồi dự một trận đấu bóng đá cùng những người bạn tại 1 sân cỏ nhân tạo thuộc khu vực Phú Thuận, thị xã Thủ Dầu Một. Sau trận đấu, Chí Công và người bạn điều khiển xe gắn máy đến đoạn gần vũ trường Đêm Màu Hồng thì bị một nhóm thanh niên ép xe. Nhóm thanh niên này cầm mã tấu rượt đuổi chém Chí Công và người bạn.
Sau này, Chí Công trần tình: “Em nghĩ chắc mình bị chém nhầm. Chứ mọi người đều biết em trước giờ đâu có xích mích với ai đâu mà bị chém. Ngay cả người lạ khi gặp em cũng đều không có ấn tượng xấu về em mà ngược lại là đằng khác". Thế nhưng, nhiều người cho rằng, không có chuyện nhầm lẫn ở đây vì khi chém, nhóm thanh niên kêu đích danh. Vụ việc chìm xuồng vì bản thân Chí Công lẫn CLB không muốn làm to chuyện.
Vụ ấy không khiến Công “Tây” hiền hòa hơn, anh này vẫn là một “máy chém” ở V.League. Với bãi nước bọt đắt giá nhất Việt Nam, liệu Công “Tây” có tỉnh ngộ và làm bài học cho những cầu thủ khác, để trả lại môi trường văn hóa cho V.League đã bị “vấy bẩn” bấy lâu?
Theo Lao Động