Vận động viên Vũ Bích Hường |
Với Hường, niềm hy vọng dồn hết vào cậu con trai Nguyễn Ngọc Quang nối tiếp được sự nghiệp của mẹ. Thế nhưng sau 3 lần dự SEA Games liên tiếp, Quang vẫn chưa chạm được vào tấm huy chương dù như Quang tâm sự rằng đã phải “nuốt cho nước mắt ngược vào trong, chạy cho cả mẹ tôi đang nằm liệt ở nhà”.
Những chấn thương cuộc đời
Chúng tôi gọi điện cho Vũ Bích Hường, bao nhiêu năm rồi chị vẫn dùng số cũ, nhưng cuộc đời chị đã thay đổi quá nhiều. Hường nói: “Thôi em ạ, hoàn cảnh của chị dù có thế nào, chị cũng chịu được. Chị không muốn báo chí nói đến nhiều rồi người ta thương hại chị…”
Bích Hường là thế, thẳng thắn, bộc trực còn hơn cả đàn ông. Có lần, ở quán cà phê “ruột” của Hường - quán cà phê Nhân đường Nguyễn Thái Học, ông Hoàng Vĩnh Giang lúc ấy còn là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đùa: “Hường còn dữ hơn đàn ông”, Bích Hường mới nhoài người ra: “Ui xời, mình Bích Hường xơi cả chục đàn ông một lúc”. Nói xong chị cười lớn, châm điếu thuốc, rít liền mấy hơi…
“Con mãnh hổ” của nội dung 110m rào ngày ấy - nghiệt ngã thay, lại bị sóng gió cuộc đời vùi dập. Nếu trên đường chạy, chị vượt qua những cái rào thật nhẹ nhàng, nhưng đường đời, chị lại liên tục vấp, lần này thì gần như nằm liệt.
Bích Hường đã bán mảnh đất ở cạnh Hồ Tây để mua trả góp căn hộ chung cư ở khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội). Đó là căn nhà chỉ khoảng 60m2, ở tầng 3 của một khu nhà không hề có thang máy. Đó là khu nhà vẫn được gọi là “dành cho người có thu nhập thấp”.
Chị lết từng bước chân ra mở cửa cho chúng tôi với chiếc đai vẫn được bó quanh người và sau đó lại phải nhờ đến sự hỗ trợ của những vị khách mới có thể định vị xuống ghế ngồi. Không thể tin được một Bích Hường can trường, tính cách mạnh mẽ ngày nào giờ đây gầy xọp, mệt mỏi. Đặc biệt, đôi mắt cứ mọng nước.
Chị mặc chiếc áo đỏ, có lá cờ đỏ sao vàng trước ngực. “Không phải là đồ đội tuyển điền kinh ngày xưa đâu, áo này của Quang mang về trước khi đi SEA Games”- chị giải thích
Vũ Thị Bích Hường kể, chị bị tai nạn giao thông trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua. Bác sĩ kết luận “lệch đốt sống thứ 4 và thứ 5 xẹp đĩa đệm chèn lên dây thần kinh nên không nuôi dưỡng được chân bên trái nên bị teo đi. “Một thời gian dài mình nằm liệt giường, giờ vết thương có đỡ hơn nhưng đi lại khó khăn và phải dùng nạng”.
Với Hường, nỗi đau thể xác không hề thấm tháp gì so với nỗi đau tinh thần mà chị đã và đang nếm trải. Đó mới là sóng gió của cuộc đời. Và chị khóc. Đôi mắt cương nghị ngày nào, đỏ hoe, ướt sũng.
Vừa khóc sụt sịt, Hường kể: Cú sốc lớn nhất giáng xuống đầu chị là năm 2012, khi người chồng xấu xố qua đời vì căn bệnh ung thư hiểm ác. Một mình nuôi con và bươn chải với số nợ cho căn hộ trả góp. Chị vẫn chưa hết ngậm ngùi kể lại những tháng ngày tưởng chừng như đen tối nhất ấy: “Có nhiều lúc chỉ biết giấu con, ôm mặt khóc một mình.”
Nỗi đau mất chồng quá lớn đã tàn phá đi cả một tâm hồn, lý trí của người đàn bà luôn tiến về phía trước. Anh Nguyễn Hữu Hòa - chồng chị - đã làm thay phần vợ sau những năm tháng chị cống hiến cho điền kinh.
Vừa khóc, chị vừa kể cái khoảnh khắc khi chồng phát hiện bệnh, đúng năm con trai cả là Nguyễn Ngọc Quang đi thi Đại hội TDTT toàn quốc trong TP.Hồ Chí Minh. Quang bị phạm quy và không được vào chung kết.
Chính Quang tâm sự: “Năm đó tôi đi thi, nhưng dường như có linh cảm điều gì chẳng lành. Gia đình đã giấu tôi chuyện bố mắc bệnh ung thư. Sau đại hội, về Hà Nội tôi mới biết những linh cảm của mình là đúng. Chính điều đó đã làm tôi mất tập trung và ảnh hưởng đến phần thi”.
Nước mắt ứa ra vì chồng, vì con
Quang có cái gene thể thao của mẹ, rất thích điền kinh, phù hợp đúng nội dung của mẹ: Chạy rào. Hường kể, sau khi chồng mất một thời gian, chị đưa Quang đi thi giải điền kinh toàn quốc. Chị nói với con trai: “Hôm nay là sinh nhật bố, con hãy làm điều gì để dành tặng bố”.
Trước giờ thi đấu rồi mà hai mẹ con chỉ muốn ôm nhau khóc ngay đường piste. “Bao nhiêu năm thi đấu chuyên nghiệp, tôi chưa bao giờ phải chịu áp lực như thế. Thế nhưng, khi nhìn con thi đấu, cảm giác hồi hộp và cảm tưởng huyết áp tăng lên. Tôi không dám nhìn con xuất phát. Và chỉ thực sự vỡ òa khi biết con đã chiến thắng năm đó”.
Quang theo điền kinh, dù vất vả, nghiệt ngã nhưng Hường tin vào bản lĩnh của cậu cả.
Rồi nước mắt người đàn bà bất hạnh vẫn chưa dừng lại khi kể về đứa con trai út mắc chứng tự kỷ. Vinh vẫn học giỏi chỉ có đôi lúc khùng lên trong vô thức. Chị nức nở kể về lá đơn của một bậc phụ huynh gửi đến nhà trường lên án việc con chị làm ảnh hưởng đến các học sinh khác trong lớp, có cả những chữ ký của nhiều người khác.
Chị đau xót cám cảnh cho đứa con mồ côi bị cô lập giữa tập thể: “Sao người ta có thể ác tâm với một đứa trẻ như thế”. Thậm chí, bé Vinh còn bị xếp ngồi một mình ở bàn cuối. Lúc ôn bài, bé cũng chỉ có một mình. Chị ôm mặt gạt nước mắt, giải thích những lúc Vinh khùng với bạn là do bị các bạn trêu quá đáng chứ không có ý gì…
Tôi sững người trước những tấm huy chương từng là cái gì đó thiêng liêng nhất của cả chị và thể thao Việt Nam. Cái quá khứ sau 20 năm cũng chẳng còn được gia đình trân trọng đặt trong tủ kính như bao vận động viên khác. Cả linh vật và những tấm huy chương đủ màu của 2 mẹ con ở tất cả các giải xếp lẫn lộn trong một ngăn kéo tủ tại căn buồng nơi chị vẫn nằm một chỗ thời gian qua.
Nghe chị nói, đã có tổ chức trong TP.Hồ Chí Minh gọi cho chị muốn đưa một trong những kỷ vật của chị ra đấu giá từ thiện để hỗ trợ chị vượt qua khó khăn.
Với Hường, vinh quang xưa bây giờ gần như không có giá trị. Điều quan trọng với Vũ Bích Hường là làm sao có tiền để chữa dứt điểm cái lưng, để đi lại được và tiếp tục công tác huấn luyện, để có thể chăm sóc được cậu con út tương lai chưa biết thế nào và cả ngôi nhà chị vẫn chưa trả hết nợ…
Số phận trớ trêu là thế, khi còn thi đấu, chỉ cần nhón chân là Bích Hường vọt qua rào chắn cao hơn 1 mét ở đường chạy. Thế mà giờ đây, chị cứ phải nhích chút một để bước lên cái bậc cầu thang chỉ cao vẻn vẹn gang tay. Nhưng Bích Hường biết, chị phải bước, phải vượt qua…
Phải có chính sách hậu thi đấu!
Trao đổi với Lao Động, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - ông Nguyễn Hồng Minh - nói: “Câu chuyện Vũ Bích Hường là một vấn đề hiện nay của thể thao Việt Nam, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ cho các VĐV đạt thành tích cao nhưng không gặp may mắn trong cuộc sống. Thiếu chính sách, thiếu những quỹ hỗ trợ có thể khiến những “tượng đài” thể thao cảm thấy bị bỏ rơi khi không còn thi đấu đỉnh cao. Hiện nay chúng ta đang tôn vinh những Ánh Viên, Quý Phước, Nguyễn Thị Huyền sau SEA Games, nhưng cũng khó có thể nói “sẽ ra sao ngày sau” nếu những VĐV này gặp hoàn cảnh không may và phải giải nghệ. Tôi không muốn nói tới tình huống xấu, nhưng rõ ràng khi không có chính sách hậu thi đấu, chúng ta rất khó khuyến khích các tài năng tham gia thi đấu đỉnh cao”. |
Theo LaoĐộng