Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) là sự kiện thể thao hàng năm hấp dẫn dẫn nhất hành tinh, với giá trị thương mại vượt xa La Liga của Tây Ban Nha hay Bundesliga của Đức.
Nhận thức được điều này, các công ty và tập đoàn kinh doanh bản quyền quốc tế luôn tận dụng cơ hội kinh doanh để thu về những khoản lợi nhuận, gián tiếp đưa giải đấu này trở thành một cỗ máy “ngốn tiền” của tất cả các đài truyền hình trên toàn thế giới.
Việt Nam cũng phải là một ngoại lệ, đặc biệt là VSTV (K+) luôn bị cuốn vào cuộc chiến không cân sức để giành quyền phát sóng 380 trận đấu của Ngoại hạng Anh trong suốt 3 mùa.
Mới đây vào đầu tháng 11, khi giải đấu này chính thức mở cuộc đấu thầu bản quyền, hầu hết các nghi ngờ được đặt ra rằng tại sao với mức giá ngày càng tăng với tốc độ phi mã như vậy, PL vẫn thu hút được quá nhiều sự cạnh tranh và luôn được coi miếng mồi béo bở để các đại gia truyền thông xâu xé?
Cho đến nay, cách thức đấu thầu giải bóng đá này vẫn là một bí ẩn đối với hầu hết người hâm mộ trái bóng tròn.
Premier League được đấu thầu như thế nào?
Khách hàng nào cũng được chào mời
Từ tháng 10 năm nay, BTC giải Ngoại hạng Anh đã gửi hồ sơ mời thầu tới cho các nước nằm ở khu vực châu Á và châu Đại đương. Nội dung thư mời thầu (ITT) nêu rõ việc mời “các bên quan tâm tham gia đấu thầu giành quyền phát sóng trực tiếp hình ảnh, âm thanh về giải Ngoại hạng Anh trên 8 vùng phát sóng riêng biệt” ở châu Á và châu Đại dương.
Cụ thể các vùng phát sóng 1, 2, 4, 5, 6 và 7 tương ứng với từng quốc gia riêng biệt ở châu Á, trong đó Việt Nam là vùng 7. Vùng 3 gồm quần đảo Thái Bình Dương và vùng 8 gồm toàn bộ 7 vùng trên.
Một nhà thầu có thể lựa chọn việc đấu thầu quyền phát sóng trên một vùng phát sóng đơn lẻ hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, bất kỳ nhà thầu nào chọn vùng phát sóng 8 sẽ phải tham gia đấu thầu riêng biệt trên từng vùng phát sóng, từ 1 tới 7.
Mỗi vùng phát sóng chỉ có 1 gói phát sóng trực tiếp để khai thác. Gói phát sóng này gồm quyền truyền hình trực tiếp, trên một kênh nhất định, toàn bộ 380 trận đấu giữa các CLB trong giải Ngoại hạng Anh vào mỗi mùa; quyền phát sóng riêng biệt các trận đấu; quyền phát chậm, phát lại một trận đấu (phát đầy đủ hoặc dưới phiên bản đã biên tập, chứa không ít hơn 30 phút về trận đấu) và quyền phát sóng các trận đấu theo yêu cầu; quyền phát sóng các chương trình được cho phép, gồm chương trình nêu bật các điểm đáng chú ý của một trận đấu, hay nhận định trước trận do BTC giải Ngoại hạng Anh sản xuất.
Các gói dịch vụ khác trong ITT còn bao gồm các đoạn video ngắn, trong đó nhà thầuđược quyền phát sóng cả âm thanh và hình ảnh các đoạn video với nội dung trích từ các trận đấu trong giải Ngoại hạng Anh, lên Internet; gói sử dụng video về các trận đấu của một CLB trong giải Ngoại hạng Anh...
BTC giải Ngoại hạng Anh hoan nghênh tất cả các nhà thầu tham gia, không phân biệt họ sẽ phát sóng bằng nền tảng nào. Bên mời thầu cũng sẵn sàng cân nhắc các đề nghị thầu từ những công ty quản lý bản quyền hoặc các trung gian khác, muốn bán lại toàn bộ hoặc một phần gói bản quyền phát sóng trực tiếp cho các vùng phát sóng.
Chỉ đấu thầu qua…email?
Tuy nhiên, BTC giải Ngoại hạng Anh không muốn cân nhắc hoặc chấp nhận bất kỳ hoạt động đấu thầu chung nào, do 2 hoặc nhiều hơn nhà thầu bắt tay thực hiện.
Để được xem xét, mỗi nhà thầu phải thực hiện một đề nghị đấu thầu độc lập cho gói phát sóng trực tiếp tại vùng lãnh thổ cụ thể và phải điền đầy đủ thông tin theo như yêu cầu của bên mời thầu. Việc không đáp ứng đúng yêu cầu của bên mời thầu sẽ khiến nhà thầu bị đánh giá không hợp lệ và đề nghị chào thầu không được xem xét.
Các nhà thầu có lịch sử giao dịch hoàn hảo với giải Ngoại hạng Anh sẽ không phải chịu mức độ kiểm tra an ninh tài chính cao như những nhà thầu mới tham gia, vốn chưa có thành tích gì.
Thời gian nhận đề nghị chào thầu rất ngắn, chỉ từ 8h sáng (giờ Anh) ngày 3/11/2015 tới 10h sáng ngày 3/11 là đã kết thúc. Ngoài ra, các đề nghị chào thầu phải gửi tới bằng thư điện tử. Các đề nghị gửi bằng fax và người đưa tin đều không được chấp nhận.
Quy trình đấu thầu
Sau khi nhận được đề nghị chào thầu tại vòng mở màn do các nhà thầu gửi tới, bên mở thầu sẽ xem xét từng đề nghị. Tại vòng này, bên mở thầu đã có thể chọn ra những người thắng thầu. Nhưng nếu vòng này kết thúc mà vẫn chưa tìm được bên trúng thầu hoạt động phát sóng tại một vùng, việc đấu thầu sẽ tiếp tục diễn ra.
Trước các vòng đấu thầu tiếp theo, mọi nhà thầu sẽ được thông báo bằng văn bản về tiến trình đăng ký tham gia đấu thầu vòng kế tiếp. Số tiền chào thầu mà nhà thầu đăng ký từ vòng trước sẽ được tự động đưa vào vòng trong và chỉ thay đổi nếu nhà thầu tăng số tiền lên.
Hầu hết các đài truyền hình nhỏ thường thua ở vòng đấu thầu đầu tiên và chọn giải pháp mua lại từ những đại diện thắng thầu ở vòng trước, do đó mức giá sẽ bị đội lên rất nhiều.
Giá bản quyền tại chính nước Anh cũng tăng lên với mức độ chóng mặt hàng năm |
Việt Nam “không có cửa” mua bản quyền trực tiếp
Canal Plus, đối tác của VTV và là đơn vị sở hữu K+ từng phải bỏ ra tới 40 triệu USD – một con số khổng lồ trong năm 2013 để mua lại bản quyền giải ngoại hạng Anh, trong đó có gói độc quyền Super Sunday (các trận hay nhất thường diễn ra vào ngày chủ nhật) từ Tập đoàn IMG – nhân vật gần như luôn thắng thầu trong vòng đầu tiên để từ đó kinh doanh theo dạng trung gian.
Do hiện nay việc đấu thầu vẫn chưa kết thúc nên không thể kết luận K+ sẽ tiếp tục chi ra bao nhiêu để giành lấy bản quyền phát sóng mùa giải 2016-2019 mới này.
Một chuyên gia về đàm phán bản quyền truyền hình giải thích: “Ban tổ chức Ngoại hạng Anh mở thầu cho thị trường Việt Nam , gồm nhiều tập đoàn lớn chuyên kinh doanh bản quyền truyền hình trên thế giới chứ không chỉ các nhà đài Việt Nam."
"Họ mới là những người nắm cuộc chơi vì có tiềm lực và họ không chỉ tham gia đấu thầu thị trường Việt Nam mà còn nhiều thị trường khác nên có tiếng nói với ban tổ chức. Vì thế, trong cuộc đấu với những “gã khổng lồ” này, các nhà đài Việt Nam không thể cạnh tranh về uy tín, tài chính và kinh nghiệm.”
Hiện tại, vòng đấu thầu đầu tiên cho bản quyền mùa giải 2016-2019 tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã kết thúc và K+ lại tiếp tục thất bại khi có thông tin cho rằng, đài truyền hình tại Thái Lan đã đưa ra mức giá cao gấp 8 lần so với đơn vị này.
Người dân phải chịu một khoản phí khổng lồ để được xem những trận cầu tại nước Anh |
Việc các kênh truyền hình phát sóng không thể tạo dựng uy tín cũng như tiềm lực về tài chính khiến cho cuộc đua giành bản quyền trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, và chúng ta vô tình trở thành những con rối bị giật dây chỉ biết làm theo mệnh lệnh của người khác.
Với đà tăng giá như vậy, ước tính khả năng Việt Nam phải bỏ ra tới 1.500 tỷ để có thể phát sóng những trận bóng đá trong khuôn khổ PL, và sau 3 năm nữa khi cuộc chiến mới lại bắt đầu, con số này sẽ lên tới 3.000 hoặc 5.000 tỷ.
Câu hỏi đặt ra là: số tiền đó dùng để đổi lấy sự giải trí, để theo đuổi một cuộc đua không bao giờ có hồi kết, liệu có đáng hay không?
Theo CafeBiz