“HLV Nguyễn Thành Vinh vẫn muốn tôi tiếp tục ở lại miền Nam để tập luyện cùng đội bóng, chuẩn bị cho trận đấu trên sân Pleiku với HA.GL vào cuối tuần này. Nhưng quả thật, tôi chẳng còn tâm trí nào để tập luyện nữa. Tôi muốn mọi chuyện rõ ràng và hy vọng sớm gặp được Chủ tịch CLB Nguyễn Đức Kiên để thương thảo chuyện hợp đồng”, Thành Trung cho biết sau buổi tập cùng CLB bóng đá Hà Nội vào chiều qua.
Trở lại với bản hợp đồng đã đáo hạn hôm 21/1/2012 của Thành Trung với CLB cũ HP.HN (giờ là CLB bóng đá Hà Nội), theo lời Trung, bầu Kiên muốn ký tiếp với anh thêm 5 năm nữa (chứ không phải 3 năm) với giá 1 tỷ đồng/mùa bóng, nhưng tiền vệ người Hà Tĩnh đã từ chối. Đơn giản bởi so với giá trị của một tuyển thủ QG trên sàn chuyển nhượng vào thời điểm hiện tại, cái giá mà bầu Kiên đưa ra là quá bèo.
Dẫu biết rằng một bản hợp đồng lao động xác định thời hạn tối đa chỉ được kéo dài 3 năm, nhưng có lẽ bầu Kiên Kiên muốn triệt để tận dụng thêm 2 năm cống hiến trong phụ lục hợp đồng của Thanh Trung với HP.HN trước đây. Và đó là bản chất vấn đề. Trung nghĩ mình bị ép giá, nhưng phía còn lại, ông chủ của anh cho rằng, thế đã là biệt đãi rồi. Trong tình huống này, chỉ có luật sư và tòa án mới có thể giải quyết.
Đã có ý cho rằng, nếu Thanh Trung bước vào cuộc chiến pháp lý với bầu Kiên, chẳng khác nào châu chấu đá voi, nhưng xét trên giấy trắng mực đen thì Thanh Trung cũng có những lý lẽ hợp pháp của mình. Thanh Trung không do HP.HN được đào tạo từ lứa tuổi năng khiếu, và bản thân bản hợp đồng 6 năm mà anh ký trước đây (vốn đã không hợp lệ) cũng đã được hủy bỏ vào thời điểm năm 2009, khi Trung đặt bút ký vào bản hợp đồng chuyên nghiệp.
Vẫn phải nói lại rằng, Trung có 2 năm cống hiến tiếp theo cho đội bóng cũ theo phụ lục hợp đồng (vốn không có giá trị về mặt pháp lý), với điều kiện phải có sự thống nhất của đôi bên: người lao động và chủ sở hữu lao động. Nhưng, như TT&VH đã thông tin, sau khi HP.HN sáp nhập với HN.ACB để trở thành CLB bóng đá Hà Nội như bây giờ, giữa bầu Kiên và Thanh Trung đã không (chính xác là chưa) đi đến thống nhất.
Ông Kiên vẫn nổi tiếng nói được làm được và giữ nguyên chính kiến từ hôm ở Bình Dương, Thanh Trung sẽ bị kỷ luật xuống đội trẻ. Tuy nhiên, không có văn bản pháp quy nào bắt Trung phải chịu hình thức kỷ luật nội bộ cả, khi dường như ngay cả bầu Kiên cũng đang vi phạm quy chế: không nộp đủ bản hợp đồng lao động có thời hạn với Thanh Trung cho BTC giải Super League sau khi nó đã hết hạn sau ngày 21/1/2012.
Từ chuyện Thanh Trung với CLB bóng đá Hà Nội, mà cụ thể là với bầu Kiên, mới thấy người lao động ở đủ mọi giai tầng của xã hội luôn phải chịu thiệt thòi. Lật lại hồ sơ kể từ ngày bóng đá VN lên chuyên, không phải ai cũng lớn gan như Thanh Trung, khi đơn thương độc mã chống lại ông chủ. Mà tính ra, bầu Kiên cũng đâu phải ông chủ thật sự của cầu thủ người Hà Tĩnh, kể từ ngày anh ký bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, cho đến lúc này?!
Những trường hợp cầu thủ bị (“cấp trên”) ép giá - Kết thúc giải hạng Nhất 2011, Trọng Bình (Sài Gòn FC với tên gọi cũ là SG.XT) đã bày tỏ nguyện vọng muốn hồi hương để khoác áo K.KH, nhưng cái giá mà đội bóng chủ quản hét cho việc bồi thường 1 năm còn lại của bản hợp đồng là không rẻ chút nào: 2 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu về với K.KH, nhiều nhất Trọng Bình cũng chỉ nhận 1 tỷ đồng/mùa giải. Vạn bất đắc dĩ cầu thủ này phải ở lại cho đến khi mãn hạn hợp đồng, ngay cả khi đội bóng Sài thành đã và đang phải chịu cuộc khủng hoảng thừa ở hàng hậu vệ. - Nhật Thanh trước khi đạt được thỏa thuận đầu quân cho ĐT.LA cũng bị lãnh đạo HP.HN quần cho tơi tả với chi phí bồi thường hợp đồng lên đến cả tỷ đồng, dù trước đó, tiền vệ người Tiền Giang chỉ ký với đội bóng Thủ đô với giá rất bèo: 500 triệu/3 năm hợp đồng. Một hồi năn nỉ ỉ ôi cùng những trình bày về hoàn cảnh, Thanh mới được toại nguyện. Cho đến bây giờ, Nhật Thanh vẫn chưa nhận đủ phí ký hợp đồng (3 năm) với đội bóng mới, nhưng anh vẫn hạnh phúc vì đã được giải thoát. - Các tình huống khác của Như Thành, Thế Anh và Quang Thanh (B.BD) cho đến bây giờ đã là những điển tích. Bản thân thủ môn Văn Thạch hay Hoàng Đức của K.KH thì ngay cả khi đã mãn hạn hợp đồng và không có trong kế hoạch sử dụng của đội bóng song vẫn bị làm khó: phải chi “phần trăm” hoặc kỷ luật nội bộ khi có ý định đầu quân cho đội bóng mới. Rồi Đức Quý, Văn Thịnh, Tshamala (ĐT.LA)… cũng là những trường hợp tương tự khi có ý định đào thoát khỏi Bến Lức. |
Theo Thethaovanhoa.