Erik Ten Hag - Điểm 10 chất lượng của Ajax

Thứ sáu, 19/04/2019, 11:01
Từ chỗ bị Guardiola phủ bóng, HLV người Hà Lan đã có những cải tiến vượt bậc về chiến thuật để vươn lên tốp đầu châu Âu.

"Ten" trong tên của HLV Ajax có nghĩa là "10", đó cũng là đánh giá của phần đông người hâm mộ cho Erik Ten Hag về màn trình diễn mãn nhãn mà Ajax thể hiện trước hai ứng viên vô địch Champions League: Real Madrid và Juventus. Đội bóng Hà Lan đều lâm vào thế bất lợi sau lượt đi trên sân nhà, nhưng bằng tinh thần quả cảm và tài dụng binh của nhà cầm quân 49 tuổi, cựu vương của bóng đá châu Âu vượt khó, và bây giờ là đối tượng quan tâm số một từ mọi đối thủ.

Sẽ là quá lời nếu coi Ten Hag sinh ra là để dành cho Ajax, bởi trước khi nhận lời đội bóng thủ đô Amsterdam vào tháng 12/2017, ông chẳng có chút dính dáng gì tới CLB bốn lần đoạt Cup C1. Thuở là cầu thủ, Ten Hag là một trung vệ dạng trung bình khá ở giải vô địch Hà Lan và chưa một lần chạm ngõ đội tuyển. Ông cũng khác phần đông những người con Ajax ưu tú, bước sang con đường huấn luyện ngay khi treo giày, như Johan Cruyff, Marco Van Basten hay Frank Rijkaard, mà mất tới... 10 năm để có chiếc ghế ngồi đầu tiên, tại đội bóng hạng Nhì Go Ahead Eagles.

Ngay chính Giám đốc điều hành Edwin Van Der Sar và Giám đốc thể thao Marc Overmars, những người ủng hộ Ten Hag lên thay Peter Bosz hồi hè 2017, cũng phải thừa nhận cựu HLV Twente là một kẻ "ngoại đạo" với Ajax. Họ không dám đánh tiếng với một gã "chẳng biết gì" về Ajax, khi mà phần đông lãnh đạo CLB ủng hộ HLV đội trẻ Marcel Keizer, dù thực sự mến tài của nhà cầm quân này. Mãi tới khi Keizer ngã ngựa, Van Der Sar mới dùng quyền phủ quyết để bốc máy cho Ten Hag.

Câu chuyện cổ tích của Ajax cũng bắt đầu từ ấy.

Ten Hag (phải) bên cạnh đội trưởng Ajax - De Ligt.

Ten Hag là một người cuồng bóng đá, đó là lời nhận xét của Giám đốc kỹ thuật Bayern Munich, Mathias Sammer về Ten Hag trong những ngày đầu tiếp xúc, sau khi ông nhận lời dẫn dắt đội hai của "Hùm Xám" đang chinh chiến ở Bundesliga 4 hồi hè 2013. "Ông ấy như thể nằm mơ cũng thấy trái bóng vậy. Ten Hag dõi theo từng cái lắc hông của học trò, rồi chỉnh đốn họ sau mỗi buổi tập. Đôi lần, thấy ông ta 'cuồng' quá, tôi tiến ra nói mấy câu chuyện phiếm khi hết giờ tập, nhưng xoay vòng một hồi, Ten Hag lại nhắc tới bóng đá", cựu danh thủ người Đức kể.

HLV hiện tại của Ajax si mê bóng đá, nhưng ở Bayern ngày đó, đã gặp một đối thủ tương xứng, ấy là Pep Guardiola. Cả hai có ngoại hình từa tựa nhau, cùng thích ăn ngủ cùng bóng đá, và đến xứ Bavaria gần như cùng lúc. "Ban đầu tôi chỉ ngỡ họ thân thiết vì cùng phận người mới, nhưng rồi hoá ra không phải. Lần nào tôi nghe họ trao đổi cũng là về bóng đá, về kiểm soát bóng. Mãi sau tôi mới vỡ lẽ, Ten Hag nhận lời dẫn đội hai của Bayern phần lớn vì Guardiola được bổ nhiệm trước đó vài tháng. Ông ấy thực sự ngưỡng mộ triết lý và thành công mà Guardiola thiết lập", Sammer nói tiếp.

Bản thân Ten Hag cũng thừa nhận ảnh hưởng sâu sắc từ Guardiola. Ông chia sẻ: "Ngày ấy, tôi duy trì thói quen đến sân tập từ sớm, chia bài và nói rõ định hướng buổi tập cho các trợ lý, rồi chờ... gặp Guardiola. Được làm việc cùng ông ấy là niềm vui lớn với tôi. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cảm thấy mình vỡ vạc ra một điều mới mẻ. Hít thở bầu không khí Bayern và học hỏi Guardiola là quãng thời gian tuyệt vời và vô cùng giá trị đối với cuộc sống cũng như sự nghiệp của tôi".

Ten Hag (phải) trò chuyện với Guardiola.

Trong hai mùa nắm đội hai Bayern, Ten Hag thiết lập tỷ lệ thắng kỷ lục trong lịch sử (66,7%) - và giúp đội giành quyền thăng hạng. Vốn kinh nghiệm phong phú tại Đức giúp Ten Hag tự tin hồi hương và tách ra làm riêng cùng Utrecht, một CLB nhỏ ở giải vô địch Hà Lan, với ngân sách hoạt động vô cùng khiêm tốn: 2 triệu đôla mỗi mùa. Tại đội bóng mới, người đàn ông sinh tại Twente giữ cùng lúc hai cương vị: HLV và Giám đốc kỹ thuật (giống Alex Ferguson và Arsene Wenger trước đây). Để có thể sống khoẻ với ngân sách chưa bằng 2% của Ajax bây giờ, Ten Hag phải xới tung mọi thứ.

Đầu tiên là đề xuất với CLB xin chính quyền cho mượn khuôn viên của CLB golf thành phố làm sân tập. Kế đó là mời về các chuyên gia dinh dưỡng thể thao lên thực đơn hàng ngày cho đội bóng. Cuối cùng là bộ phận y tế, Ten Hag cắt một khoản ngân sách để trả lương chính thức cho những người tay ngang, đồng thời yêu cầu nhân viên theo dõi thể trạng học trò qua từng buổi tập và cung cấp dữ liệu cho ông. Từ chỗ tập một buổi mỗi ngày, Utrecht tập ba buổi một ngày nhưng thời gian tập được chia nhỏ. Từ chỗ hai phần ba đội một thừa cân, Utrecht trở thành đội bóng luôn chơi tận hiến tới phút cuối ở giải vô địch Hà Lan.

Nền móng cho triết lý của Ten Hag manh nha trong thời kỳ này. Hai yếu tố được ông đặt lên hàng đầu, nhờ thừa hưởng của Guardiola, là kiểm soát bóng và pressing. Chơi trung vệ thuở là cầu thủ, Ten Hag đề cao tầm quan trọng của việc đỡ bước một với học trò, và chỉ dẫn họ cách làm thế nào để chuyền bóng chuẩn xác chỉ với tối đa hai chạm. Đó là một yêu cầu khó, ngay cả với những ngôi sao hàng đầu. Nhà cầm quân sinh năm 1970 biết điều này, và ngay từ đầu mùa 2015-2016 đã chủ trương định hướng vị trí trên sân thành những nhóm ba người, nhằm giúp mỗi cầu thủ khi có bóng đều có ít nhất hai lựa chọn chuyền bóng.

Khi được bơi ra biển lớn Ajax, tư tưởng của Ten Hag vươn tới đỉnh cao nhờ Frenkie De Jong. Tiền vệ 21 tuổi có thể xem là bậc thầy thoát pressing của bóng đá châu Âu hiện tại. Dù đá ở trung tâm hàng tiền vệ, De Jong có khả năng rê dắt cực tốt, với tỷ lệ qua người thành công hơn 80%, cao hơn cả Lionel Messi hay Eden Hazard. Cách chơi của tân binh Barca gần giống với Luka Modric tại Real Madrid, nhưng ở vị trí thấp hơn. Khi triển khai bóng từ sân nhà, trước những đội pressing tầm cao tốt, De Jong lùi về thành trung vệ thứ ba. Cùng với người đá cặp ở vị trí tiền vệ trụ Lasse Schone và bộ đôi trung vệ, De Jong hợp thành nhóm bốn người và áp đảo quân số trước bất cứ bộ ba tấn công nào.

Juventus là đội hiểu rõ sự nguy hiểm của De Jong nhất. Tối 16/4, đội bóng Italy cắt cử Miralem Pjanic theo kèm nhạc trưởng Ajax nhưng bất thành. Nếu Pjanic nhô cao, hai tiền vệ trung tâm còn lại của "Lão Bà" không thể bắt những đường phất ra biên cho hậu vệ cánh của De Jong. Ngược lại, nếu Pjanic giữ vị trí và chỉ áp sát từ giữa sân, De Jong sẽ tấn công trực diện vào trung lộ khi có tới ba lựa chọn chuyền bóng lên trên cho Tadic, Hakim Ziyech và David Neres. Chính miệng Ten Hag thốt lên rằng "mọi đối thủ đều gặp khó với cách chơi này của Ajax", và chỉ đội của ông mới "thay đổi được nhịp điệu pressing".

Vấn đề thoát pressing tầm cao là thứ khiến nhiều bộ óc vĩ đại miệt mài tìm tòi. Guardiola từng sử dụng thêm một tiền vệ trụ ở tứ kết lượt đi gặp Tottenham - Ilkay Gundogan - để chia lửa với Fernandinho. Ole Gunnar Solskjaer thậm chí đá phòng ngự, bằng sơ đồ 5-1-2-2 khi tiếp Barca trên sân nhà để đảm bảo sự an toàn. Với Ten Hag, ông kết hợp cả hai. Vẫn là hai tiền vệ trụ khi xuất phát, nhưng khi lên bóng, một người sẽ lùi về làm thành trung vệ thứ ba, còn người kia bó vào đá giữa, hình thành nên một hình thoi. Từ hồi ở Utrecht, ông thầy 49 tuổi đã đưa Willem Janssen vào vị trí gần giống với libero này, trước khi hoàn thiện và áp dụng cho De Jong.

Sáng tạo của Hen Tag còn nằm ở việc pressing theo tuyến nghiêng. Họ chủ động tạo ra sự áp đảo về quân số nhờ hậu vệ biên dâng cao ở cánh đối phương giữ bóng. Ngay khi bóng được đối thủ đẩy khỏi trung lộ, tiền đạo, tiền vệ công lệch cánh và tiền vệ trung tâm hợp với hậu vệ biên dâng cao tạo ra thế bốn đánh ba ở khu vực này. Bàn gỡ 1-1 ở tứ kết lượt về là kết quả của cách chơi này. Bốn cầu thủ lệch trái của Ajax thu hút sự chú ý của hàng thủ chủ nhà, và khi bóng được nhả ra cho Ziyech, Juventus không áp sát kịp, tạo điều kiện để anh này chuyền xuống cho Donny Van De Beek dứt điểm cận thành.

Không phải một người con Ajax nhưng Ten Hag lại mang DNA của đội bóng này. Điều ấy tiềm ẩn chính trong việc ưu tiên những sản phẩm cây nhà lá vườn thời còn dẫn dắt Utrecht. Từ chỗ nhiều năm không có nổi một cái tên ra hồn nào cho đội một, lần lượt Sean Klaiber (21 tuổi), Giovani Troupée (17), Soufyan Amrabat (19), Bart Ramselaar (19) và Yassin Ayoub (21) bước ra ánh sáng từ đội trẻ Utrecht trong "canh bạc" của Ten Hag. Thực tế, tài nhìn người của vị thuyền trưởng này vốn đã phát tiết từ trước khi dìu dắt Memphis Depay tại PSV và Marko Arnautovic tại Twente, ngày ông mới là trợ lý. Chính Ten Hag đã khuyên Memphis nên chơi rộng sang hai cánh, thay vì bám trung lộ như hồi mới lên đội một, để rồi anh này trở thành vua phá lưới giải vô địch Hà Lan năm 2015.

Tối Ajax loại Juventus khỏi tứ kết Champions League, Overmars không giấu niềm sung sướng bằng màn trượt cỏ hệt như ngày còn thi đấu. Cựu danh thủ của Arsenal nằm trong số những người vui nhất bởi chính ông đã trao cơ hội làm HLV đầu tiên cho Ten Hag ở Go Ahead Eagles, CLB mà ông là đồng chủ sở hữu. Còn với nhà cầm quân có ngoại hình giống Guardiola, ông một lần nữa chứng minh, Ajax đủ sức khiến mọi đối thủ phải run sợ.

Ten Hag được học trò cũ ở Go Ahead Eagles công kênh sau mùa giải đầu tiên thành công.

Trong văn phòng có không gian khiêm tốn của Ten Hag tại Ajax, trên bốn bức tường là hàng loạt tấm hình lưu giữ những triều đại thành công của CLB. Dù giờ trở nên nổi tiếng và được truyền thông quốc tế quan tâm, Ten Hag vẫn giữ thói quen giam mình nhiều giờ trước mỗi trận đấu để "ủ mưu tính kế". Khi được hỏi về thành công hiện tại, ông thường chỉ vào những bức hình của Rinus Michels, Johan Cruyff và Louis Van Gaal rồi nói:

"Họ, tất cả, đã tạo nên một bản sắc Ajax như ngày nay".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích