Từ chỉ tiêu dự World Cup của Việt Nam: "Cả Đông Nam Á mơ World Cup"

Thứ ba, 28/02/2012, 10:40
Cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á, giấc mơ World Cup của Việt Nam từng có và mới đây là… “mơ lại”.


Nhiệm kỳ III LĐBĐ VN từng có giấc mơ World Cup nhưng giấc mơ đấy sớm vào quên lãng khi người lên đề án cứ mơ, còn người thực hiện thì cứ làm theo kiểu riêng của mình.

Bóng đá Việt Nam hai lần mơ, một “quên”

Mới đây, giấc mơ đấy lại được lặp lại và đang hoàn thiện để trình Chính phủ cho dù trong giấc mơ đấy cũng có những điểm chưa tương đồng.

Đề án 2030 của bóng đá Việt Nam mới đây được đưa ra trong dự thảo đề cập đến năm 2030 Việt Nam sẽ nằm trong top 10 châu Á trong khi để dự vòng chung kết thì cả châu Á chỉ có 4,5 suất tức bốn suất chính thức và một suất đá play-off. Điều này khẳng định nếu vào top 5 thì có thể chứ ở top 10 thì cơ hội vào chung kết vẫn còn rất xa.

Qua đó cũng cần đề cập đến các giấc mơ dự World Cup của bóng đá Đông Nam Á và có chung mẫu số với bóng đá Việt Nam đó là mơ thì cứ mơ còn gãy thì là chuyện của người thực hiện.

Giấc mơ của người Singapore

Bay bổng giấc mơ có mặt ở vòng chung kết World Cup đầu tiên ở Đông Nam Á là Singapore cùng đề án “Goal 2010”. Ý tưởng manh nha từ năm 1996 và đến 1998 thì bắt tay vào. Đó là mời một ê kíp người Đan Mạch đến vạch đề án và huấn luyện gồm các HLV tên tuổi như Poulsen, Nielsen và các chuyên gia.
 


Trong khi bóng đá Việt Nam tính top 10 để vào vòng chung kết World Cup thì ở sân chơi U-23 đến đội tuyển Malaysia đều vượt qua bóng đá Việt Nam. Ảnh: QUANG THẮNG

Với “Goal 2010” bóng đá Singapore hình thành lứa cầu thủ U-17, U-18 (có cả cầu thủ nội lẫn nhập tịch) tham dự như một đội chuyên nghiệp dự S-League nhằm cọ xát đỉnh cao nhiều. Lứa Dikson, Alam Shah, Precious, Lewis. Shi Yiayi… hiện nay của Singapore tiêu biểu cho lứa cầu thủ đấy. Đến Tiger Cup 2002 thì HLV Poulsen ra đi và thế là “Goal 2010” chỉ thu hoạch được hai chức vô địch AFF Cup 2004 và 2006. Còn giấc mơ World Cup thì lần nào Singapore cũng bị loại sớm.

Indonesia từng tốn cả triệu USD để mơ

Indonesia từng đưa ra ba đề án song hành. Đề án thứ nhất là… đăng cai làm chủ nhà vòng chung kết World Cup 2022 (đã thất bại). Với đề án này Indonesia đã tiêu tốn cả chục triệu USD cho việc thuê chuyên gia viết đề án cùng phí vận động hành lang…

Đề án tiếp theo là hoạch định cho World Cup 2022 và 2026 qua việc đầu tư cho một đội U-17 và U-15 tập huấn dài hạn và tham dự các giải quốc gia thứ hạng thấp ở Uruguay.

Tiếp theo là đề án kêu gọi những tài năng có gốc bố hoặc mẹ là người Indonesia quay về khoác áo đội tuyển quốc gia… Đề án này cũng đang thực hiện và vừa qua Indonesia đã trình làng nhiều cầu thủ có hai dòng máu chơi ở AFF Cup 2010 lẫn SEA Games 2011 như Diego, Lilyapaly, Michels, Irfan Bachdim…

Đến nay cũng có thể nói cả ba đề án trên đều gãy cùng với “nội chiến” bóng đá Indonesia.

Thái Lan mượn hơi người Anh để mơ

Vào những năm 2005, 2006, Thái Lan cũng đưa ra đề án Goal 2010 rồi 2014. Goal 2010 thì HLV Peter Reid đã gãy khi để Việt Nam lấy cúp vàng AFF 2008 và HLV này bị sa thải. Nay thì Thái Lan đang thực thi Goal 2014 mà hiện nay thầy trò Schaefer (Đức) đang dự vòng loại bảng World Cup nhưng mục tiêu thì hầu như đã rời khỏi tầm tay.


Theo Phapluattp
 

Các tin cũ hơn