Cầu thủ Tây ở Việt Nam và bi kịch bán thân nuôi miệng

Thứ sáu, 23/03/2012, 13:57
Có một thời, Bóng đá Việt Nam là thiên đường của những anh chàng vắt bò sữa, hái cà phê, lái máy kéo,... đến từ Nam Mỹ, châu Phi nghèo khó nhưng lại có tí năng khiếu bóng banh, kiểu chạy khỏe, sút mạnh.



Bây giờ, những câu chuyện cổ tích thời hiện đại ấy đã xưa rồi. Ấy vậy mà, không ít kẻ vẫn ôm ấp một giấc mơ Việt, để rồi phải rơi vào con đường cùng, bán thân xác để nuôi miệng.

Khách Tây không còn ở... phố Tây

"Lâu không gặp, dạo này đi đâu mà không thấy ở đây vậy Adebayor?". "Bọn tao qua Quận 7 và Quận 8 kiếm ăn rồi. Ở đây nhà nghỉ vừa đắt lại bị công an hỏi thăm thường xuyên, có gì hay ho thì tối mới vào trung tâm".

Trên đây là mẩu đối thoại giữa chúng tôi với người đàn ông gốc Phi tình cờ quen biết trong một dịp lân la tới một quán cà phê vỉa hè trên đường Bùi Viện (Q1.TPHCM).

 


Tôi không nhớ nổi họ tên anh chàng da đen này, bởi đó là một cái tên dài loằng ngoằng. Chỉ biết rằng, gã có một mái bím khá sành điệu, đặc biệt khuôn mặt có cái gì "hao hao" như ngôi sao Emmanuel Adebayor (Togo) thế nên tôi thường chọc là Adebayor, cho gã vui lòng. Ngôn ngữ của gã như một nồi lẩu thập cẩm, vừa nói tiếng bồi, tiếng mẹ đẻ, pha chút tiếng Việt Nam, lại vừa làm kí hiệu chân, tay, miệng, để trả lời chúng tôi.

Dĩ nhiên, chẳng biết hôm nay có phải vì trời Sài Gòn nắng 39 độ C hay không mà khác với mọi khi, gã nói với "người quen" bằng thứ giọng gắt gao, đôi mắt cũng khác thường, đưa đi đưa lại rất nhanh như thể sợ bị giang hồ... đòi nợ.

Cũng may cho chúng tôi, ngồi từ sáng đến trưa và tưởng chừng đã phải nhổ neo, ai dè cuối cùng lại gặp được cố nhân. Quả đúng như một đồng nghiệp nói: "Bây giờ có đốt đuốc đỏ con mắt, cũng khó mà tìm được những Tây balô, những người mà các bác xe ôm vẫn thường nói vui là "các bang ngoại ở phố Tây".

Nó khác xa với dạo trước, cứ rảo bộ qua các con phố Tây như Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám và Ngô Quang Đẩu, không cần phải liếc mắt bạn cũng thấy cả đám tụ tập tám chuyện rôm rả dù trên bàn chỉ có vài ba ly trà đá, xa xỉ lắm thì ly cà phê đã trong vắt vì nước đá tan chảy. Bạn cũng có thể gặp họ ở mọi ngõ ngách của Công Viên 23/9, thánh đường Huyện Sĩ, những trạm chờ xe buýt... trong bộ dạng chẳng khác gì cái bang.

Bi kịch bán thân nuôi miệng

Ở thời điểm V-League mới chuyển mình lên chuyên, rất nhiều cầu thủ da màu khăn gói đến theo chân "cò", hay bạn là cầu thủ, hoặc mượn cớ đi du lịch...để tìm cách tiếp cận thiên đường mang tên Việt Nam, nơi mà họ nghe nói là một tháng kiếm được cả mấy ngàn USD dễ như trở bàn tay.

Thế nhưng, giờ đây tất cả đã nhận ra rằng V-League là thiên đường nhưng cũng là cạm bẫy chôn vùi tuổi thanh xuân đời họ; bởi không còn như thuở hồng hoang, một anh vắt bò sữa, hái cà phê, lái máy kéo... có chút năng khiếu bóng banh hè phố, chạy khỏe, sút bừa... là có thể được thu nhận và đào tạo thành cầu thủ Tây.

 


Thực tế, không ít người đã nhận ra những sai lầm, nhưng vẫn cố bấu víu ở lại để chờ đợi cơ hội dù nó rất mong manh. Bi kịch ở chỗ, họ chẳng có sự lựa chọn, dù có muốn về lại quê  nhà cũng không thể đào đâu ra số tiền lên đến cả mấy ngàn USD để mua vé máy bay. Hơn thế nữa, trở lại xứ sở, những ông Tây này cũng chẳng có nghề nghiệp gì. Đặc biệt, trước mắt họ là những món nợ khổng lồ mà họ đã vay làm "lộ phí" trước khi qua Việt Nam.

Không trình độ, không nghề nghiệp, không tiền bạc, chỗ ở, không giấy tờ tùy thân... những kẻ lang thang buộc phải duy trì sự sống bằng những thứ nghề có thể nghĩ ra: ăn quỵt, giở trò gạ gẫm, cờ bạc bịp, phụ giúp quán cơm, buôn bán quần áo cũ, bốc xếp.... Trên con đường dấn thân vào vòng lao lí, có một cái nghề mà tất cả phải rùng mình đó là làm "trai bao" cho các quý bà sồn sồn và giới gay.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục tổ chức những đợt kiểm tra liên ngành. Không ít ông Tây đã bị trục xuất hoặc bị buộc phải xuất cảnh. Thế nhưng, chẳng hiểu sao họ vẫn tìm cách quay trở lại Việt Nam. Khác với lúc trước, khi những con phố Tây đã "động", những ông Tây đen này đã "lánh nạn" ở những vùng ven như Quận 7, Quận 8 nhằm kiếm kế mưu sinh.

Như anh bạn Adebayor thổ lộ, ngày đi đá phủi, còn đêm có mối ngay lập tức "phi đội" này lại đổ bộ vào trung tâm để kiếm ăn. Họ làm gì, đi đâu, có trời mới biết. Nhưng dám chắc rằng, vô số cạm bẫy đang chờ đón họ và cả những người muốn tìm của lạ, hoặc bất kì người nào cũng có thể trở thành nạn nhân của những con người "khốn cùng liều thân"....

Theo Bóng đá & Cuộc sống

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích