Bóng đá Việt Nam hiện nay không còn ngây thơ như thuở nào khi mà sự cổ vũ hồn nhiên của CĐV đã được thay bằng những lời chởi bới, dọa nạt và thậm chí là hành hung nếu thấy không vừa mắt. Ấy thế mà mùa nào cũng vậy, trong phạm vi quản lý của mình, VFF mới chỉ giơ cao đánh khẽ với những sai phạm của đội bóng, đặc biệt là tình trạng bạo loạn quá khích của những nhóm CĐV hooligan có tiếng từ xưa đến nay.
Sau vụ trọng tài Võ Minh Trí bị hành hung có thể VFF sẽ nghĩ khác |
Thậm chí những tưởng sau cái chết của một CĐV trong cuộc loạn đả kinh hoàng giữa hai nhóm CĐV Hải Phòng và CĐV SLNA năm 2008, VFF sẽ chấn chỉnh tình trạng lộn xộn giữa các nhóm CĐV mỗi khi đi sân khách cổ vũ.
Thế nhưng mùa nào cũng như mùa nấy, điệp khúc loạn đả giữa CĐV hai đội hay tình trạng bát nháo lộn xộn gây mất trật tự an ninh xã hội trước và sau trận đấu vẫn cứ xảy ra đều đều như thách thức VFF.
Việc sai phạm của các nhóm CĐV Hải Phòng, SLNA, B-Bình Dương…hầu như mùa nào cũng có nhưng mọi việc đều được VFF xử lý một cách khá nhẹ nhàng với những án phạt mang tính “ giơ cao đánh khẽ”.
Và thử hỏi nếu không xảy ra vụ vụ trọng tài Võ Minh Trí bị hành hung, VFF có mạnh dạn tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh trong việc xử lý những “con sâu” đang đục khoét và làm mất đi giá trị của cả một nền bóng đá.
Việc VFF mới chỉ quan tâm đến những hoạt động trong phạm vi bóng đá mà quên rằng những kết quả và diễn tiến của bóng đá cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận xã hội. Và rồi không có sự quản lý tốt giữa VFF với các ban ngành chức năng thì những vụ hành hung trọng tài Võ Minh Trí là điều hoàn toàn có thể lặp lại.
Thông qua việc này mới biết được con đường chống tiêu cực của bóng đá Việt Nam còn lắm đường gian nan. Bởi người trong cuộc còn chưa thể định hướng và kịp đề phòng trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra đối với bóng đá ta thì chuyện tiêu cực xảy ra cũng đúng thôi.
Vì vậy mới nói, chống tiêu cực trong bóng đá không chỉ là chuyện riêng của VFF mà là của toàn xã hội.
Minh Phước