Chung kết Champions League: Vé đắt, thực phẩm không an toàn

Thứ năm, 17/05/2012, 15:13
Chỉ còn ít ngày nữa thôi, trận chung kết Champions League giữa Bayern Munich và Chelsea sẽ chính thức khởi tranh nhưng cho đến bây giờ vẫn tồn tại những vấn đề bất cập chưa có lời giải. 


>>Hạ Barca, Chelsea thu 'tiền tấn' từ Champions League 
>>Loại Barca, CĐV Chelsea chìm trong men say chiến thắng 
>>Bắn hạ Kền kền, Bayern Munich thẳng tiến đến chung kết


Giá vé cao gấp 30 lần

Giá vé luôn là vấn đề gây tranh cãi và bất bình trong mỗi mùa giải Champions League. Ở trận chung kết giữa Man United và Barcelona tại Wembley, có 4 loại vé khác nhau được bán ra.

Vé VIP nhất có mức giá lên tới 300 bảng, trong khi để sở hữu loại vé để ngắm các thần tượng thi đấu qua... màn hình đặt tại SVĐ, các CĐV cũng phải bỏ ra tới 80 bảng. 2 loại vé còn lại có giá 225 và 150 bảng.

Ngay đến Chủ tịch UEFA, Michel Platini cũng thừa nhận rằng LĐBĐ châu Âu đã sai lầm khi đưa ra mức giá quá khủng khiếp trên và hứa sẽ xem lại trong... mùa giải tới.

Thế nhưng, sai lầm không hề được sửa chữa còn giá vé thì vẫn đội lên cao hơn, thậm chí gấp hàng chục lần. Theo thống kê, giá vé vào xem trận chung kết Champions League tại Allianz Arena đã tăng tới 30 lần so với giá niêm yết.

Cụ thể, loại vé có mệnh giá 302 bảng mà UEFA phân bổ cho phía Chelsea đang được rao bán trên các trang mua bán trực tuyến và diễn đàn CĐV với giá 8.000 bảng (xấp xỉ 260 triệu VNĐ). Những chiếc vé có mệnh giá thấp nhất, 57 bảng, thì bị thổi giá lên tới 1.687 bảng.

 

Nạn phe vé luôn đe dọa quyền lợi của người hâm mộ đích thực- Ảnh Internet


Nguyên nhân dẫn đến giá vé bị thổi lên mức cao xuất phát từ nguồn vé quá khan hiếm. Sân Allianz Arena - nơi diễn ra trận chung kết Champions League mùa này - có sức chứa 62.500 chỗ ngồi. Tuy nhiên, cả Bayern lẫn Chelsea chỉ được phân bổ mỗi đội 17.500 vé. Hơn 20.000 vé khác được UEFA dành cho các nhà tài trợ, khách mời...

Chelsea hiện có 25.000 người mua vé trọn mùa, xem tất cả các trận của đội trên mọi đấu trường nhưng vé được phát chỉ là 17.500 vé. Tình thế nói trên buộc đội bóng Anh sẽ phải tiến hành bắt thăm để chọn ra những người may mắn sở hữu tấm vé vào sân Allianz. Những người đen đủi sẽ phải ở nhà, hoặc tới Munich cổ vũ qua màn ảnh rộng bên ngoài sân.

Thực trạng giá vé dành cho người hâm mộ bị đẩy lên cao vô tội vạ trong khi số lượng dành cho các đối tác tài trợ, khách mời của UEFA lại tương đối lớn khiến nhiều CĐV bất bình bởi điều này vô hình trung đã tiếp tay cho nạn phe vé.

Malcolm Clacrke, Chủ tịch hiệp hội CĐV xứ sương mù buồn bã cho biết: “Có quá nhiều tấm vé không nằm trong tay những CĐV đích thực. Một người đam mê bóng đá sẽ không bao giờ bán lại tấm vé có một không hai trong đời như vậy.”

Trước tình hình này, Chủ tịch của Bayern Munich, Uli Hoeness cho biết sẽ thảo luận với UEFA để tìm ra giải pháp. “Chúng tôi phải bàn bạc với UEFA một lần nữa về vấn đề này. Bóng đá là môn thể thao thuộc về người hâm mộ”.

Thế nhưng từ nay đến ngày khởi tranh trận đấu, liệu nhà chức trách có kịp đưa ra một giải pháp hay là sẽ thả nổi để những CĐV chân chính buộc phải rút hầu bao mua vé đến cổ vũ đội bóng với giá cắt cổ. 


Nỗi lo về thực phẩm

Hồi đầu năm 2011, cả thế giới rúng động về vụ bê bối an toàn thực phẩm khiến hơn 1.000 trang trại ở bang Hạ Saxony trong số 375.000 ở Đức phải ngừng hoạt động.

Cuộc khủng hoảng thực phẩm nhiễm dioxin của Đức sau đó tiếp tục có chiều hướng lan rộng khi hàng trăm con lợn bị tiêu hủy vì bị nhiễm độc. Một số nước trên thế giới đã đưa ra lệnh cấm nhập thực phẩm từ Đức.

Không lâu sau, Đức tiếp tục cảnh báo người tiêu dùng đặc biệt thận trọng khi sử dụng cà chua, rau diếp và dưa chuột vì các thực phẩm này hiện được cho là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người tử vong.

Mặc dù sự việc đã xảy ra được một thời gian và hiện đã trong tầm kiểm soát nhưng bê bối thực phẩm này đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng nuôi trồng ở quốc gia này.

Đó cũng chính là vấn đề mà Chelsea và hàng nghìn CĐV từ khắp nơi trên thế giới lo ngại trước chuyến đi tới Munich. Chính người dân Đức cũng đổ xô đi mua thực phẩm hữu cơ để có thể bảo vệ sức khỏe cho chính mình còn CĐV và cầu thủ khi đến đây chỉ biết phó mặc tính mệnh cho các chủ cửa hàng và khách sạn nơi họ lưu trú. 

Nhưng Chủ tịch Hoeness cho rằng vấn đề không đến nỗi nghiêm trọng như báo chí đồn thổi. “Làn sóng đổ xô đi mua thực phẩm hữu cơ với suy nghĩ nó tốt cho sức khỏe thật là điên rồ. Ai có thể đảm bảo rằng những người dùng thực phẩm hữu cơ sẽ sống lâu hơn những người mua xúc xích bình thường."

Phát biểu của người đứng đầu Bayern dù sao cũng không mang tính khách quan bởi con trai ông đang điều hành một nhà máy xúc xích ở Nuremberg, nơi cung cấp thực phẩm cho “Hùm xám”. Còn người hâm mộ, họ vẫn sẽ tới Munich với nỗi lo. 


 

Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích