Góc khuất của "cầu thủ thứ 12" ở V-League

Thứ năm, 17/05/2012, 07:42
Nhóm CĐV ăn lương của Hà Nội T&T trở thành điểm đen về văn hóa cổ vũ ở giải bóng đá quốc gia.


>>Xác định CĐV đánh trọng tài Võ Minh Trí 
>>Vụ CĐV Hải Phòng hành hung trọng tài: Sớm đưa thủ phạm ra xử lý 
>>CĐV Hải Phòng tiếc vì không đánh... nặng hơn


Vài giờ trước cuộc đối đầu với SLNA trên sân Hàng Đẫy, bất chấp cái nắng oi ả đầu hè ở Hà Nội, vẫn có một nhóm CĐV Hà Nội T&T mặc áo vàng trống dong cờ mở trên một chiếc xe tải nhỏ và hàng chục xe máy diễu hành qua các con phố chính để mời khán giả Thủ đô tới sân xem trận Hà Nội T&T - SLNA.

Sẽ không có nhiều điều để nói về cuộc diễu hành này, bởi hầu như đội bóng nào cũng làm như vậy để lôi kéo khán giả tới sân, nhưng thành phần tham gia diễu hành của nhóm CĐV Hà Nội T&T thật kỳ lạ.

 

CĐV SLNA biến Hàng Đẫy trở thành sân nhà trong trận đấu gặp Hà Nội T&T. Ảnh: Khôi Ngô.


Hầu hết số CĐV này đều ở độ tuổi trung niên và có rất nhiều bà nội trợ còn mặc nguyên bộ đồ ở nhà và chỉ khoác bên ngoài chiếc áo vàng để quảng bá cho Hà Nội T&T. Đa số đàn ông trong nhóm CĐV diễu hành của Hà Nội T&T đều là những người đang làm nghề xe ôm với chiếc xe máy treo hai chiếc mũ bảo hiểm cũ kỹ.

Dường như đây là một nhóm CĐV ăn lương của Hà Nội T&T, được đội bóng Thủ đô bỏ tiền ra thuê để lăng xê cho đội bóng chứ chẳng phải là các CĐV “ruột” vì hâm mộ Hà Nội T&T mà tự tổ chức cuộc diễu hành này.

Ai từng chứng kiến cảnh diễu hành của các CĐV ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng hay Nghệ An thì sẽ thấy nó khác hẳn với hình ảnh èo uột, rời rạc của các CĐV được Hà Nội T&T trả lương hôm qua.

Nghĩ cũng thật cám cảnh, đội bóng của ông bầu được coi là chịu chơi nhất nhì V-League, lối đá cũng được coi là đáng xem nhất V-League và HLV trưởng thì đang có khả năng rất lớn trở thành HLV đội tuyển quốc gia lại không có nổi vài chục CĐV trung thành để hâm nóng không khí trước trận đấu, cho dù Hà Nội T&T đã thi đấu ở V-League từ 3 năm nay.

Như thế để thấy trong thời buổi bóng đá kim tiền như ngày nay, những giá trị truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng và không phải bất cứ cái gì cũng có thể đánh đổi bằng tiền bạc. Và thế, cái ngày Hà Nội T&T mà lôi kéo được khán giả ngồi chật sân Hàng Đẫy như Thể Công hay CAHN từng làm được trước kia hẳn vẫn còn xa lắm.

Nếu như Hà Nội T&T khổ sở vì có quá ít CĐV, đến mức phải bỏ tiền ra thuê thì Hải Phòng chưa bao giờ phải lo lắng về “những cầu thủ thứ 12”, bởi dù đội bóng đất Cảng thi đấu ở đâu tại Việt Nam thì cũng đều có CĐV theo chân. Thậm chí, cả khi Hải Phòng vào Đà Nẵng tập huấn để “né” World Cup 2010 cũng có CĐV bám sát để cập nhật thông tin và hình ảnh về đội bóng trên diễn đàn Hội CĐV.

Yêu mến CLB như thế thì cũng chỉ có CĐV Hải Phòng và dám chắc không có đội bóng nào ở V-League có được dàn CĐV nhiệt thành và máu mê đến vậy.

Tuy nhiên, cái ranh giới giữa sự máu mê và quá khích đôi khi chỉ là trong tấc gang và đã không dưới một lần đội bóng Hải Phòng phải nhận án kỷ luật vì những hành vi quá khích của các CĐV, mà mới nhất là vụ một số CĐV Hải Phòng tấn công trọng tài Võ Minh Trí sau trận Đồng Tháp - Hải Phòng vào tối ngày 13/5.


Sự cố này chắc chắn nằm ngoài ý muốn của ban huấn luyện và cầu thủ Hải Phòng, nhưng nếu bảo họ hoàn toàn không liên quan thì cũng không chính xác, bởi ai cũng thấy nếu như không có hàng loạt phản ứng thiếu kiềm chế của cầu thủ và ban huấn luyện Hải Phòng với trọng tài Võ Minh Trí trên sân Cao Lãnh thì sau đó chưa chắc nhóm CĐV Hải Phòng nói trên đã bị kích thích tới mức tấn công trọng tài Võ Minh Trí một cách hồ đồ và phi luật như thế.

Vì thế, nếu Hải Phòng có bị xử lý kỷ luật về vụ việc do CĐV của mình gây ra thì cũng chẳng ai cảm thấy oan uổng, bởi không ai khác, các cầu thủ và ban huấn luyện Hải Phòng chính là những người đã không nêu gương sáng cho CĐV của mình.

 

Theo Thethaovanhoa

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn