Câu chuyện bóng đá VN: Con nuôi, con đẻ. Vợ lớn, vợ bé
Thứ sáu, 01/06/2012, 10:58
Lại có tin gây sốt. Một phụ nữ 66 tuổi độc thân gốc Hoa ở TPHCM qua đời đột ngột để lại khối tài sản lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Để đếm được số tài sản này, người ta phải mất đến… cả tuần với cơ man tiền vàng, ngoại tệ, hột xoàn, bất động sản…
Nữ đại gia này ngoài việc không có nhu cầu tiêu tiền, bà cũng không tin tưởng ai giữ đống của “to như núi” đó, chẳng hạn là gửi nhà băng lấy lời chẳng hạn. Rắc rối ở chỗ là nữ đại gia lại không để lại di chúc thừa kế. Tranh chấp xảy ra giữa người con gái nuôi mà nữ đại gia nhận nuôi từ bé được pháp luật thừa nhận với những người anh em ruột của bà (nghe kể là cũng rất giàu).
Theo đúng trình tự luật pháp về quyền thừa kế khối tài sản đó đương nhiên thuộc về người con nuôi – người duy nhất của hàng thừa kế thứ nhất. Các anh chị em ruột của người phụ nữ quá cố trên chỉ là hàng thừa kế thứ hai, chỉ nhận tài sản thừa kế khi không có ai ở hàng thừa kế thứ nhất.
Người Đà Nẵng lâu nay có vẻ rất khó chịu về cái tiếng “làm lẽ” cho bầu Hiển.
Vấn đề ở chỗ những người anh em của nữ đại gia không muốn chuyển toàn bộ tài sản cho người con nuôi mà muốn gửi ngân hàng với lý lẽ “khối tài sản này có công sức, phần hùn hạp chung của anh em chúng tôi trong đó”. Tất nhiên, muốn chứng minh phần hùn hạp thì có giấy tờ, sổ sách chứ không thể nói suông.
Dễ thấy rằng những anh em của người phụ nữ giàu kếch xù trên có tâm lý phân biệt “con nuôi thì không thể nào hưởng hết tài sản”. Với một xã hội giàu truyền thống... thích đẻ như Việt Nam, thân phận con nuôi bị “phân hạng” trong gia đình, dòng tộc là có thật.
Người con gái nuôi của nữ đại gia quá cố, dù pháp lý đứng hoàn toàn về phía mình nhưng khá rụt rè và không muốn làm ồn ào. Chị này có vẻ không mạnh dạn vì mình là... con nuôi.
Một câu chuyện thú vị về con nuôi – con đẻ tiện thể khi nói đến trận HN.T&T – SHB.ĐN. Dùng con ruột-con nuôi trong trường hợp này không chuẩn bằng vợ lớn-vợ bé.
Người Đà Nẵng lâu nay có vẻ rất khó chịu về cái tiếng “làm lẽ” cho bầu Hiển. Khó chịu cũng đúng bởi bóng đá đất Quảng vốn truyền thống hào hùng lại do người ngoài nắm quyền đã đành lại còn chịu tiếng sân sau của đội bóng “nứt mắt” được vài năm HN.T&T.
Dư luận hay nói về khả năng tiêu cực khi SHB.ĐN và HN.T&T gặp nhau nhưng thực tế sân cỏ thì lần nào gặp nhau, SHB.ĐN đều đá cho đối thủ chí chết. Đòn nào đau bằng đòn ghen?
Với tính tự ái, ngang ngạnh và lý sự “Quảng Nam hay cãi” nên thâm tâm, người Đà Nẵng vẫn coi sự hợp tác với bầu Hiển là sự gá duyên tạm thời cho dù ông chủ T&T đã mang đến không ít điều tốt đẹp cho bóng đá sông Hàn.
Nếu thắng trước HN.T&T, SHB.ĐN mở đường đến ngôi vương và có lẽ báo hiệu cho một cuộc chia tay với ông chủ hào phóng khi VPF đã “thề” sẽ cho mối duyên vi phạm nguyên tắc “một vợ một chồng” này… lên đường.