Chuyện ít kể về xạ thủ “10 viên trúng 10”

Thứ hai, 16/07/2012, 11:03
Cho đến giờ, kỳ tích bắn 10 viên đều trúng hồng tâm tại SEA Games 24 của xạ thủ người Quân đội Hoàng Xuân Vinh vẫn chưa có ai làm được. Những xạ thủ lão làng của đội tuyển bắn súng Việt Nam đều thừa nhận, phải có một thần kinh thép, mới giữ được sự bình tĩnh, tự tin, chính xác trong từng loạt đạn như thế. 

>>Những chuyện chỉ có ở Việt Nam 
>>
Thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012: Tăng lượng nhưng khó đổi chất 
>>
Đấu kiếm Việt Nam giành vé Olympic 2012 
>>
Rowing Việt Nam cọ xát trước thềm Olympic 

Cái "thần kinh thép” ấy của Hoàng Xuân Vinh, được tôi luyện từ một tuổi thơ đầy cơ cực, từ nỗi đau tột cùng vì 2 lần mất mẹ và từ trách nhiệm của một đàn anh trong đội tuyển bắn súng. Giờ thì Xuân Vinh tiếp tục là niềm hy vọng của bắn súng Việt Nam ở sân chơi Olympic.

Giấu nỗi đau sau vỏ đạn

Gặp và nói chuyện nhiều với Xuân Vinh, nhưng lúc nào cũng vậy, ánh mắt anh luôn phảng phất nỗi buồn. Sự nghiệp và cuộc đời của Vinh, là những mảng màu đối lập. Ít ai nghĩ một xạ thủ đầy oai hùng, bản lĩnh, giành bao chiến tích cho bắn súng nước nhà, lại trải qua những năm tháng thăng trầm trong cuộc đời như thế...
 

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Có Nghe Vinh kể về cuộc đời mình, mới hiểu vì sao xạ thủ này lại âm thầm lựa chọn một cách sống lặng lẽ, nhẫn nại nhưng không bao giờ mềm yếu trong từng loạt đạn. Mồ côi mẹ khi chỉ mới 3 tuổi, cả quãng đời tuổi thơ với Xuân Vinh là chuỗi ngày cơ cực. 3 tuổi không thể giúp Vinh lưu được những hình ảnh về người mẹ thân yêu của mình, nhưng qua câu chuyện của bố, qua những bức ảnh để lại, Xuân Vinh đã khóc rất nhiều, khi anh bắt đầu cảm nhận được sự thiếu vắng của một người mẹ trong gia đình.

Thương con, bố Vinh đi bước nữa. Tuy nhiên, cũng như người mẹ đẻ, khi mà Vinh chưa cảm nhận được tình thương mẫu tử thì người mẹ kế dính căn bệnh quái ác liệt nửa người. Lần này thì Vinh quyết không để mất mẹ một lần nữa. Sau giờ học, người ta lại thấy thằng Vinh còi nhom về giúp bố bán hàng và làm đủ thứ công việc để lo tiền thuốc cho mẹ.

Tuổi thơ của Vinh cứ trôi qua như vậy trong những ngày gắn liền với cuộc mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn. Nhưng rồi, ông trời cứ như thử thách những người biết chịu đựng. Người mẹ thứ 2 của Vinh qua đời trong nỗi đau tột cùng của những người con không phải là máu thịt.

Trước đó, Vinh đã lấy vợ sớm để cho mẹ vui. Đêm tân hôn, hai vợ chồng phải vào viện chăm mẹ đến tận sáng. Đó quả thực là những câu chuyện cảm động khiến người nghe phải rơi nước mắt, nhưng với Vinh, dường như anh đã quá quen với những nỗi đau, sự hy sinh. Không biết có phải vì thế, mà làng súng Việt Nam đã sản sinh ra một Hoàng Xuân Vinh luôn biết cách vượt qua mọi gian khó, mang bao chiến tích về cho thể thao nước nhà.
 
Chuyên gia giải hạn
 
Gặp vận hạn nhiều trong cuộc sống, nhưng ông trời cũng khéo sắp đặt, Hoàng Xuân Vinh lại là một "chuyên gia giải hạn” cho bắn súng Việt Nam. Năm 2001, Vinh đoạt HCV đồng đội đầu tiên tại SEA Games 21. SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà Việt Nam, Vinh tiếp tục đoạt một HCV cũng ở nội dung đồng đội súng ngắn hơi nam.

Tuy nhiên SEA Games 24 mới là thời điểm mà Xuân Vinh "bùng nổ” khi anh "giải hạn” cho bắn súng Việt Nam với 3 tấm HCV quý giá. Còn nhớ khi đó, sau bốn lượt bắn, Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp ở vị trí thứ năm. Thế nhưng bước vào loạt bắn cuối cùng, Xuân Vinh tạo nên cuộc "lội ngược dòng” ngoạn mục khi bắn 10 viên đều đạt điểm 10, vọt lên dẫn đầu BXH (vượt qua cả đàn anh Mạnh Tường), xuất sắc giành cả tấm HCV đồng đội và cá nhân.
 
Tới SEA Games 25 và 26, Vinh tiếp tục là người "mở hàng” cho đội tuyển bắn súng với những tấm HCV quý giá. Giờ thì ai cũng phải thừa nhận, Vinh đã mang quá nhiều chiến tích cho bắn súng Việt Nam, chiến tích của một xạ thủ luôn xuất hiện đúng lúc, giống cái cách mà anh mang về tấm vé tham dự Olympic lịch sử cho môn bắn súng nước nhà. Cái tính cách ấy và cả khả năng giải hạn mà anh luôn làm được cho bắn súng, một lần nữa, Xuân Vinh lại được chờ đợi sẽ lập kỳ tích cho TTVN tại sân chơi Olympic.
 
Hôm biết tin chồng mình giành suất tham dự Thế vận hội, mẹ con chị Hương Giang chỉ biết ôm nhau mà khóc vì hạnh phúc. Không khóc sao được khi chuỗi ngày tháng tập luyện vất vả, cuối cùng cũng được đền đáp. Không khóc sao được, khi những ký ức ngày xưa cứ hiện về, trôi theo dòng lệ chảy mãi trên má.

Chính những mất mát, thăng trầm trong cuộc sống, đã tôi luyện cho Vinh một bản lĩnh cần có của một xạ thủ. "Huy chương cũng là cách có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống. Song, bản lĩnh chỉ đến khi người ta được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt thực sự. Đó là những cuộc đầu sức, đấu trí, là trách nhiệm với quốc gia, với chính bản thân mình”, Xuân Vinh tâm sự.
 
Một tuổi thơi dữ dội, một sự nghiệp cũng dữ dội không kém. Có người nói, chính cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Vinh đã "nhập” vào làm một, tạo ra một xạ thủ với khí phách oai hùng, đậm chất lính, nhưng cũng luôn chứa đựng những nỗi đau thầm kín trong lòng.

 

Theo Daidoanket

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn