Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, trước đây, chương trình bình ổn chỉ triển khai trong 3 tháng Tết nhưng nay là cả năm với 4 nhóm hàng hóa chính nằm trong chương trình bình ổn là thực phẩm, mùa khai trường, sữa và nhóm dược phẩm. Giá của chương trình bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5 – 10%. Cơ sở để so sánh giá hàng bình ổn là cùng chủng loại, cùng chất lượng.
Ảnh minh họa
Chương trình ngày càng có nhiều cải tiến mới hơn, được đông đảo doanh nghiệp (DN), người dân đón nhận. Tất cả thể hiện bằng số lượng các DN tham gia đều tăng hơn so với năm trước, kéo theo tăng điểm bán.
Năm 2011 có 6.400 điểm bán bình ổn, nhưng năm 2012 đã lên tới 8.000 điểm. Ngoài ra các chuyến hàng lưu động cũng triển khai tích cực. Ví dụ ở Hà Nội có các chuyến hàng lưu động tới các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa.
Bộ Công thương sẽ làm gì để bình ổn nếu giá nhiều sản phẩm trong dịp Tết tăng cao? Theo bà Thoa, cân đối được cung - cầu chính là biện pháp không làm sốt giá. Để đảm bảo Tết này không thiếu nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân, Bộ Công thương phối hợp Bộ NN-PTNT và nhiều bộ, ngành liên quan lên kế hoạch để các địa phương dự trữ nguồn hàng.
Qua đó sẽ điều chỉnh, bù đắp cho một số vùng xảy ra thiếu cục bộ. Vì vậy, người dân không lo bị thiếu nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm (nhất là thịt lợn, gia cầm, trứng...).
Trước e ngại giá rau xanh, thực phẩm sẽ tăng mạnh ở các tỉnh miền Trung vì người dân đã bị mất gần hết do bão lụt, theo bà Thoa, Bộ Công thương đã tính đến điều này. Vì vậy đầu tháng 1/2014, sẽ có một đoàn cán bộ của Bộ Công thương đến với một số tỉnh Bắc Trung bộ để cập nhật thông tin và yêu cầu các DN cam kết bán hàng bình ổn vào dịp Tết.
Là nơi thực hiện chương trình bình ổn sớm nhất, TP.HCM hiện tập trung 9 nhóm mặt hàng với hơn 350 mặt hàng nhỏ khác nhau được bán bình ổn tại hơn 7.500 điểm, riêng 10 quận, huyện vùng ven cũng có gần 1.000 điểm bán.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện thành phố có 64 DN tham gia bình ổn giá, trong đó 54 DN sản xuất, đáp ứng từ 30-40% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Để đổi mới chương trình, từ năm 2012, không ứng vốn từ ngân sách nhà nước cho các DN tham gia, thậm chí yêu cầu DN phải đạt những tiêu chí như chất lượng hàng hóa phải đảm bảo, phù hợp với nhu cầu người dân, có thể đáp ứng nếu thị trường có biến động và giá luôn thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường. Để đảm bảo hàng bình ổn đến tận tay người tiêu dùng, Sở yêu cầu các DN ổn định điểm bán và tăng từ 15-20% điểm bán theo các năm…
Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các địa phương có triển khai Chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Giáp Ngọ, cần tăng cường giám sát và triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.
Bộ yêu cầu địa phương xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, nhất là thời gian cao điểm trong dịp Tết, đồng thời công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng... |
Theo NongNghiep