Tiêu chí: Độc, lạ, quý
Không chỉ ngày xưa mà ngày nay mâm cỗ Tết không thể thiếu các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, nem, măng mọc... Tuy nhiên, tùy từng điều kiện gia đình, bên cạnh những món ăn truyền thống xuất hiện thêm những món ăn ngon, lạ, đặc sắc của các vùng miền.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm gần đây, cứ thời điểm cận kề tết Nguyên đán, nhiều chuyến hàng từ vùng cao chuyển về Đồng bằng Bắc bộ xuất hiện lượng lớn những món đồ đặc sản như thịt trâu khô, nếp nương, thịt lợn đen, măng lưỡi lợn...
Chị Đào Thị Thanh Phương (Trần Hưng Đạo- Hà Nội) cho biết, hai năm gần đây, năm nào gần Tết, gia đình chị cũng đặt khoảng 10 kg thịt trâu khô và 50kg nếp nương để làm phong phú thêm bữa cơm ngày Tết, đồng thời đem biếu những người thân, bà con, họ hàng, bạn bè thân thiết.
Phương thức mà chị Phương cùng những người trong cơ quan chị thường áp dụng là tìm những người có quê gốc ở địa phương có đặc sản, sau đó qua họ để đặt hàng ở những mối quen biết. "Có thể mất nhiều công sức hơn so với việc đặt hàng qua lái buôn nhưng như vậy mình thấy yên tâm về nguồn gốc hàng hóa hơn", chị Phương tâm sự.
Được biết giá của các loại thịt trâu khô dao động trong khoảng từ 600-750.000 đồng/kg.
Không những chỉ "mê" món thịt trâu khô thơm ngon phục vụ hương vị ngày Tết mà hiện món thịt lợn đen cũng đang được nhiều gia đình săn đón mỗi khi Tết đến xuân về.
Có nhiều năm kinh nghiệm "săn" thịt lợn đen, bà Nguyễn Thị Mai (Phương Mai- Hà Nội) chia sẻ: Trong số các loại thịt lợn đen, loại có nguồn gốc từ Mường Khương- Lào Cai được người tiêu dùng ưa thích vì chất lượng thịt thơm ngon, đỏ, bì và mỡ dày, không hôi.
Ngoài các món ăn đặc sản trong nước, một số gia đình có điều kiện còn chuộng những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài như thịt nai rừng Campuchia có giá từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng/kg, quả cherries (anh đào) nhập từ Mỹ, có giá 600.000 đồng/kg, thịt bò Úc, Mỹ từ 350.000 đến 700.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Không những chỉ thích các món đặc sản của núi rừng, nhiều món bánh ngon, lạ miệng của người miền Trung đang rất hút các thực khách của Hà thành như tôm chua Huế, củ cải chua ngọt miền Tây, bánh tét,… Và để có được những món đặc sản này, nhiều người ở Hà Nội phải nhờ người quen sống ở các vùng miền đặt hàng hộ, rồi chuyển theo đường tàu hỏa, ô tô, thậm chí máy bay gửi ra.
Ngoài các loại thức ăn đặc sản, nhiều loại hoa, quả lạ, quý hiếm cũng được người dân tìm cách "săn" bằng được như bưởi hồ lô tứ quý hay hoa lan, hoa oải hương... Tuy nhiên giá của những mặt hàng này rất cao nên không phải ai cũng có thể mua được.
Không những chỉ săn thực phẩm mà xu hướng săn lùng các vật phẩm quý, độc làm quà tặng cũng được nhiều người lựa chọn mỗi khi Tết đến.
Theo quan niệm của người dân Việt, quà tặng đầu năm với ý nghĩa chúc mừng một năm mới gặt hái được nhiều thành công cũng như lời chúc gia chủ thêm một tuổi mới gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc.
Do vậy xu hướng quà tặng Tết được nhiều người hướng đến là dòng sản phẩm độc và lạ là linh vật mạ vàng, mỗi năm ứng với mỗi vật được nhiều người săn đón làm quà tặng, đồng thời để làm quà mừng tuổi hay để trưng bày thể hiện đẳng cấp của người sử dụng.
Qua tìm hiểu được biết, giá của sản phẩm này khá cao, dao động trong khoảng 5 đến 20 triệu đồng/ sản phẩm.
Với những người có thú vui tiêu khiển dịp Tết thì "săn" gà chọi được xem là ưu tiên hàng đầu. Nhiều người không ngần ngại bỏ ra số tiền hàng mấy chục triệu đồng chỉ để săn được một chú gà trống tốt, khỏe để chọi dịp Tết.
Không tránh khỏi rủi ro
Với xu hướng chọn hàng độc, lạ, quý hiếm mà nhiều người ưa thích, nhiều người phải bỏ không ít thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên cũng có những người gặp phải tình huống "dở khóc dở cười".
Chị Lê Nữ Hạnh Nguyên (Hàng Trống- Hà Nội) than thở: Đã hai năm nay chị đều đặt mua thịt lợn đen của một người quen trên Lào Cai, chất lượng thịt khá ngon, bảo đảm. Tuy nhiên, do tâm lý thích đồ tươi sống nên tôi đề nghị chủ hàng để nguyên con và nhốt trong lồng gửi xe chuyển xuống. Năm nay lúc tôi ra bến xe để nhận hàng, do chiếc lồng bị va đập trên đường vận chuyển bị lỏng, chú lợn xổng ra chạy khắp bến xe. Tôi phải thuê một số nhân viên bảo vệ bến xe lùng sục, sau hơn 1 tiếng đồng hồ mới bắt lại được.
"Đúng là săn hàng độc thì phải chịu nhọc công, điều đó quả không sai", chị Nguyên ví von.
Trường hợp của chị Nguyên còn may mắn hơn rất nhiều những người những người muốn săn hàng độc, giá cao nhưng lại mua phải thứ hàng không đảm bảo chất lượng.
Do việc đặt hàng của những người này đều là qua người quen, qua người thứ 3 hay qua mạng internet nên việc không may nhận phải mặt hàng không ưng ý không phải là hiếm gặp. Anh Kiều Kim Cương (Đống Đa- Hà Nội) than thở: Do thích các loại hoa quả nhập khẩu nên tôi nhờ người bạn thân đặt hàng xách tay của một người thường xuyên xuất ngoại với giá thường rất cao.
Tuy nhiên một lần tình cờ đi qua hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Láng Hạ mới biết người chủ cửa hàng chính là người mà bạn tôi đặt hàng. "Bản thân tôi trước kia đã nhiều lần mua hoa quả ở đây nhưng do không cảm thấy yên tâm nên không tiếp tục, không ngờ qua nhiều đường vòng cuối cùng lại quay lại điểm mình đã chê", anh Cương ngao ngán.
Theo kinh nghiệm của một chủ hàng trên phố Chùa Láng- Hà Nội thì xu hướng đặt hàng đặc sản quê trên mạng hiện vẫn khá hút khách, do phần lớn những người lựa chọn cách mua hàng này là dân văn phòng, những người bận với công việc. Tuy nhiên người tiêu dùng cần cảnh giác với chiêu trò quảng cáo của một số DN nhằm mục đích kinh doanh.
"Khách hàng cần thận trọng và tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua các sản phẩm này. Không phải cứ "đắt là xắt ra miếng" như quan niệm của nhiều người hiện nay. Lợi dụng tâm lý hàng đắt là hàng tốt, nhiều DN, cửa hàng đã cố tình nâng giá sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng", chủ hàng này khuyến cáo.
Theo HQOline