Khi nhu cầu của thị trường vừa chớm tăng, giá các loại đồ uống đã bắt nhịp tăng giá ngay vì dự đoán nhu cầu sẽ còn tăng cho đến Tết Nguyên Đán. So với đầu tháng 12, một thùng (24 lon) bia đã tăng đến 30.000 đồng.
Tại các điểm bán đồ uống trên những tuyến đường kinh doanh đồ uống của TP.HCM như Nguyễn Thông (quận 3), đường 3/2 (quận 10)... , giá bia đang tăng vùn vụt. Tính trung bình, giá bia đã tăng thêm từ 20.000-30.000 đồng/thùng so với thời điểm đầu tháng 12.
Cụ thể, bia 333 có giá 220.000-230.000 đồng/thùng, bia Hà Nội khoảng 210.000 đồng/thùng, bia Heineken 380.000 đồng/thùng, bia Tiger từ 300.000-310.000 đồng/thùng, Sapporo 380.000 đồng/thùng...
Tuy nhiên, đây là giá bán sỉ, khi đến các điểm bán nhỏ lẻ, người tiêu dùng còn phải trả thêm từ 10.000-15.000 đồng/thùng tùy loại. Không chỉ bia, giá nhiều loại nước giải khát cũng đang tăng nhẹ, đáng chú ý nhất là các loại trà xanh đã tăng thêm khoảng 10.000 đồng/thùng...
Giá bia tại các nhà máy tăng không đáng kể. |
Các doanh nghiệp phân phối, đại lý cấp 1 cho biết, giá các loại đồ uống, đặc biệt là bia tăng cao trong những ngày qua là do các nhà bán lẻ hoặc đại lý cấp 2 tự ý đẩy giá lên.
Thực tế, chỉ có một vài nhà sản xuất như Tiger, Tân Hiệp Phát... có mức tăng giá sản phẩm không đáng kể. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng, giá sản phẩm đã đội thêm lên từ 15-20%.
Hầu hết việc kiểm soát giá bia trong thời gian vừa qua đều nằm ngoài khả năng của các công ty sản xuất cũng như phân phối.
Ông Nguyễn Thành Đạt - đại diện Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) cho biết, VBL chỉ tăng giá 7.000 đồng/thùng đối với bia Tiger, còn giá bia Heineken không tăng. Đó là giá phân phối cho hệ thống 41 đại lý cấp 1. Riêng giá bán qua các cấp đại lý và đến tay người tiêu dùng thì công ty không thể kiểm soát được.
Thậm chí, trên thị trường còn còn xảy ra hiện tượng khan hiếm với một số mặt hàng. Tại siêu thị Big C đã dán thông báo chỉ bán giới hạn hai thùng bia Tiger/người, đối với các loại bia khác thì không giới hạn.
Đại diện hệ thống siêu thị Citimart cho biết gần đây tại siêu thị việc lấy hàng đối với mặt hàng bia cũng rất khó khăn. Theo các nhà bán lẻ hiện bia đang rất khó mua do các nhà phân phối, đại lý cấp một trữ hàng không bán ra.
Việc khó quản lý nhất vẫn là các mặt hàng rượu khi xuất xứ và chất lượng vẫn còn nhiều mập mờ nhưng nhu cầu mua làm quà biếu lại rất phổ biến. Các loại rượu vốn phổ biến làm quà biếu vào dịp Tết đã tăng khoảng 15-20% so với ngày thường.
Trong khi đó người tiêu dùng đang phải mua với giá cao do các đại lý tự đẩy lên. |
Đặc biệt, tình trạng tăng giá chỉ xảy ra ở các loại rượu trôi nổi, hàng xách tay. Riêng hàng chính hãng được bày bán tại các đại lý vẫn có giá ổn định.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, giá nhà máy không tăng mà đại lý, nhà phân phối bán giá chênh lệch quá nhiều thì lực lượng thuế phải làm việc lại để có mức truy thu thuế hợp lý, làm rõ có tình trạng đầu cơ tăng giá hay không và xử lý tới nơi, tới chốn.
Nếu đại lý nói do giá mua vào tăng thì phải làm rõ mua ở đâu, phải truy tận gốc.Khâu nào tăng giá bất hợp lý, khâu đó phải chịu trách nhiệm. Quyết tâm là vậy, nhưng liệu cơ quan thuế có đối chiếu được giá bán qua các cấp đại lý để truy thu thuế?
Ông Hoàng, chủ một đại lý bia trên đường 3/2 (quận 10) thanh minh: “Nguồn hàng cung cấp từ các nhà máy đang ngày một ít đi nên tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường là dễ nhận thấy. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lại thường tăng cao đột biến, khoảng 50% so với ngày thường.
Do nguồn cung khan hiếm tạm thời và không ít doanh nghiệp, nhà bán lẻ đang gom hàng dự trữ với số lượng lớn nên tạo ra cơn sốt về giá”.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang kiểm soát đơn hàng nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá vô tội vạ làm ảnh hưởng tới thị trường. Để tránh tình trạng các đầu nậu gom hàng, Big C sẽ linh động điều tiết số lượng bán ra nhằm đảm bảo hàng hóa trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.
Còn tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, giá các mặt hàng đồ uống cũng bình ổn. Giá các loại bia không có biến động nhiều và từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung với giá cả ổn định sẽ được doanh nghiệp duy trì.
Tuy vậy, điểm khó vẫn là việc kiểm soát được giá từ đại lý cấp 1, cấp 2 - đây chính là bước đệm để giá các mặt hàng tăng lên. Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nên công bố giá gốc để người tiêu dùng rõ ràng hơn trong mua bán.
Đối với cơ quan quản lý thị trường cũng cần được các doanh nghiệp công bố con số cụ thể hơn về tăng số lượng và giá bán chứ không chỉ con số phần trăm.
Theo VEF