"Nhảy múa" cùng giá xăng

Thứ sáu, 20/12/2013, 09:34
Ngày 18/12, giá bán xăng, dầu đồng loạt tăng thêm 400 - 650 đồng/lít. Việc tăng giá xăng vào thời điểm giáp Tết không chỉ tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mà còn tạo cớ để nhiều mặt hàng khác “té nước theo mưa”, thành hiệu ứng tăng giá trên diện rộng.
Điệp khúc “tát nước theo mưa”

Mặc dù bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, việc tăng giá xăng dầu sẽ không tác động lớn đến giá cả các mặt hàng cuối năm, bởi thời điểm này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị trước lượng hàng Tết và công tác chỉ đạo, quản lý điều hành giá nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Giáp Ngọ đã được tăng cường. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường, ngay sau khi giá xăng tăng đã tác động đến tâm lý bán hàng số đông tiểu thương.
Xăng tăng giá đúng thời điểm tàu, xe nhộn nhịp đưa người dân về quê ăn Tết khiến các hãng vận tải buộc phải cân nhắc tăng giá vé.

"Trong bối cảnh sản xuất vẫn đình trệ, doanh nghiệp lao đao, thu nhập của người dân không được cải thiện thì việc tăng giá xăng dẫn tới hàng hóa cũng tăng giá theo chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm Tết”.
Tiến sỹ kinh tế Ngô Trí Long
nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học, thị trường, giá cả

Tại chợ Cầu Giấy sáng 19/12, giá bán cam sành đã là 18.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với đầu tuần. Anh Nam, người bán cam lưu động vừa chống chân chống xe máy vừa phân trần: “Mấy hôm trước nhập hàng rẻ nên bán rẻ. Hôm qua là Rằm, giá đã lên rồi, hôm nay giá nhập từ chợ đầu mối cũng nhích lên vì giá xăng tăng”.

Tương tự, giá khoai tây hai ngày trước chỉ là 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 17.000 đồng/kg. “Gần Tết, cái gì cũng tăng hết, thì rau củ quả cũng phải tăng giá chứ”, chị Nga, chủ một quầy rau trong chợ cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học, thị trường, giá cả: “Giá xăng tăng vào bất cứ thời điểm nào cũng vậy, đều ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng khác, nhất là dịp nhạy cảm cuối năm, hàng hóa đã và đang trên đà tăng giá như thời điểm này”.
Về việc giá xăng tăng liệu có làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Ngô Trí Long cho hay: “CPI thường được chốt vào ngày 15 hàng tháng nên tăng giá sau thời điểm này sẽ không tác động đến CPI của tháng, của năm 2013. Do đó, thời điểm tăng giá xăng lần này (ngày 18/12) chắc chắn đã được cơ quan quản lý tính toán”.
Giá cước vận tải buộc phải tăng

Các doanh nghiệp vận tải là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá xăng. Ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đợt tăng giá xăng, dầu lần này cộng với yếu tố giáp Tết khiến cước vận tải chắc chắn tăng theo. Bởi nhiên liệu chiếm khoảng 40-45% chi phí vận tải. Trong khi đó, tổng cộng những đợt tăng và giảm giá từ đầu năm đến nay, giá xăng A92 vẫn tăng 1.210 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.100 đồng/lít.
Giá xăng tăng 580 đồng/lít từ ngày 18/12.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, mới chỉ có các doanh nghiệp vận tải taxi điều chỉnh giá cước, còn lại, hầu hết doanh nghiệp vận tải khác vẫn đang cầm cự chưa tăng giá. “Vì vậy, đợt tăng giá xăng dầu lần này sẽ là “cú hích” khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh và hàng hóa tăng giá cước. Đặc biệt, vào dịp Tết, đối với xe khách, để phụ thu giá vé chạy chiều rỗng, giá vé xe khách thường tăng lên đến 60%. Năm nay, tăng giá xăng - dầu thì mức tăng sẽ còn cao hơn”, ông Thân Văn Thanh nói.

Ông Lê Đức Thành - Giám đốc Công ty Thành Bưởi (TP HCM) cho biết, cuối năm, mọi chi phí đầu vào đều tăng, nay giá xăng dầu cũng tăng thì tạo thêm “gánh nặng kép” cho doanh nghiệp. Công ty hiện khoảng hơn 100 đầu xe khách, ước tính lần điều chỉnh giá xăng dầu này, Công ty phát sinh chi phí đầu vào khoảng 100 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay, Công ty mới chỉ một lần điều chỉnh giá cước, nên nếu để bù đắp đủ phát sinh do tăng giá xăng dầu tăng trong năm qua thì phải tăng tối thiểu 10% giá cước.
“Hiện một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP HCM còn có ý định tăng đến 20% giá cước, Công ty đang cân đối để tăng giá cước ở mức độ phù hợp, vừa để doanh nghiệp không lỗ, vừa không ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân”, ông Lê Đức Thành chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty vận tải Phượng Hoàng (Hưng Yên) nhẩm tính, với 30 đầu xe khách chạy tuyến đường dài Bắc - Nam và một số xe buýt chạy nội tỉnh và tuyến Hưng Yên - Hà Nội, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, chi phí phải bù đắp mỗi tháng sẽ rơi vào khoảng 100 - 150 triệu đồng/tháng.
“Công ty đang cân nhắc việc tăng giá cước vận tải hợp lý bởi trong thời điểm suy thoái kinh tế này, nếu chỉ tăng giá cước thì không những gây khó khăn cho hành khách mà còn ảnh hưởng đến chính các doanh nghiệp vận tải, khi người dân sẽ hạn chế đi lại...”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo GTVT

Các tin cũ hơn