Dưa hấu chỉ có trữ lạnh?

Thứ sáu, 18/04/2014, 07:53
Do dưa hấu có tỷ lệ nước quá lớn (trên 90%) nên cách bảo quản tốt nhất là phải đưa vào hệ thống lạnh.

Trao đổi về vấn đề bảo quản dưa hấu hiện nay, TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ Sau thu hoạch (Viện Cây ăn quả miền Nam), cho biết, dưa hấu có tỷ lệ nước rất lớn, tới trên 90%. Do tỷ lệ nước quá lớn nên dưa hấu thông thường khó để được lâu.

Trong khi đó, nông dân sau khi thu hoạch dưa thường không quan tâm tới khâu bảo quản, thương lái đi thu mua và chở dưa hấu lên biên giới cũng không quan tâm tới việc này. Do đó, hầu hết dưa hấu sau khi thu hoạch đều được chất ngay lên những xe tải thông thường, lót rơm sơ sài. Khi chuyên chở đường dài, ở điều kiện nhiệt độ thông thường, dưa hấu rất dễ bị hư hỏng. Nhiều trái nhìn cái vỏ trông có vẻ vẫn ngon lành, nhưng thực tế bên trong đã bị hư rồi.

dưa hấu
Thu hoạch dưa hấu

TS Phạm Văn Tấn, PGĐ Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch, cũng cho rằng, dưa hấu nhanh hư là do được chất lên đầy các xe tải. Khi vận chuyển đường xa, gặp đường sá không tốt, nền nhiệt độ lại cao, khiến cho trái dưa nhanh bị hư hỏng.

Do dưa hấu có tỷ lệ nước quá lớn nên cách bảo quản tốt nhất là phải đưa vào hệ thống lạnh như trữ trong kho lạnh, vận chuyển bằng những xe container lạnh. TS Phong khẳng định, các giải pháp như dùng màng phủ…, cũng sẽ không mấy hiệu quả với trái dưa hấu nếu không được đưa vào hệ thống lạnh. Bởi sau khi bọc màng phủ và vẫn để dưa hấu trong điều kiện nhiệt độ thông thường, trái dưa hấu vẫn rất dễ bị hư hỏng ngay từ bên trong.

Hiện nay, một số loại trái cây xuất khẩu khác như thanh long, bưởi da xanh, chôm chôm…, đã được các doanh nghiệp tổ chức bảo quản, tiêu thụ một cách bài bản theo chuỗi lạnh từ dự trữ tới vận chuyển. Thị trường của thanh long, bưởi da xanh, cũng mang tính bài bản cao hơn, nên các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào việc dự trữ, vận chuyển tới nơi tiêu thụ theo chuỗi lạnh.

Tuy nhiên, trái dưa hấu lại khó làm được điều này, bởi dưa hấu vẫn đang được sản xuất chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát, không kiểm soát được diện tích, sản lượng. Giá trị của dưa hấu lại không lớn như thanh long, bưởi da xanh…, nên chưa có doanh nghiệp nào đầu tư bài bản cho việc bảo quản, tiêu thụ dưa hấu. Trong việc kinh doanh dưa hấu hiện nay, hầu như mới chỉ có sự tham gia của lực lượng thương lái. Họ thường mang xe tới tận ruộng, tiến hành thu mua, chất dưa hấu lên đầy xe rồi chở ngay tới thị trường tiêu thụ. Thành ra, việc để nông dân trồng dưa hấu tiếp cận được hệ thống kho lạnh nhằm gia tăng thời hạn bảo quản loại trái cây này là rất khó.

Bởi thế, theo TS Nguyễn Văn Phong, việc sản xuất, tiêu thụ dưa hấu cần phải được cải thiện lại một cách hệ thống, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, đánh giá nhu cầu thị trường, có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong việc bảo quản, tiêu thụ dưa hấu. Có như vậy, mới có thể đưa việc bảo quản, vận chuyển dưa hấu vào trong chuỗi lạnh, qua đó kéo dài được thời hạn bảo quản cho loại trái cây này.

Một giải pháp khác có thể giúp giảm áp lực tiêu thụ dưa hấu tươi, là đầu tư vào chế biến dưa hấu. Do tỷ lệ nước quá lớn, nên cách chế biến tốt nhất đối với loại trái cây này là làm nước ép, phục vụ nhu cầu giải khát của người tiêu dùng. TS Nguyễn Văn Phong cho hay, hiện nay, các công nghệ sản xuất nước ép đóng chai, đóng lon đều đã sẵn ở nước ta. Chỉ cần chuẩn hóa lại từ khâu sản xuất như tạo độ ngọt đồng đều cho trái dưa hấu, sản xuất dưa hấu theo hướng ATTP…, là có thể sản xuất ra được loại nước ép dưa hấu có chất lượng tốt. Tiếc là hiện nay chưa thấy có doanh nghiệp nào quan tâm nghiên cứu thị trường, đầu tư vào làm nước ép từ dưa hấu.

Tăng chế biến, giảm bán tươi, thô

Không chỉ dưa hấu, nhiều loại trái cây khác cũng thường xuyên lâm vào tình cảnh được mùa mất giá. Chính vì thế, theo TS Phạm Văn Tấn, để giảm áp lực tiêu thụ trái cây tươi hay các loại nông sản thô khác, ngoài những giải pháp kéo dài thời hạn bảo quản sau thu hoạch, cần phải quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào khâu chế biến.

Ở nhiều nước, người ta đã đầu tư chế biến sâu cho nhiều loại trái cây để giảm bớt áp lực tiêu thụ trái tươi, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của trái cây. Chẳng hạn từ trái xoài, nhiều nước đã đầu tư sâu vào việc sản xuất ra bột xoài để làm các sản phẩm như mứt xoài, bánh kẹo xoài…, hay sản xuất xoài sấy khô. Hay như ở Thái Lan, người ta không chỉ xuất khẩu gạo như Việt Nam, mà còn tổ chức chế biến ra các loại bột gạo, sản phẩm từ gạo rồi xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với giá trị cao hơn hẳn so với chỉ xuất khẩu gạo. Công nghệ chế biến trái cây hay nông sản khác không có gì phức tạp.

Các HTX, doanh nghiệp nhỏ đều có thể làm được nếu như có những chính sách tốt hỗ trợ, khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư vào khâu này. Nếu làm được điều ấy, vừa giảm được áp lực tiêu thụ trái cây tươi, nông sản thô, vừa tăng cao giá trị nông sản, đồng thời phát triển được công nghiệp ở nông thôn, qua đó góp phần xây dựng NTM, giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn.

Theo NNVN

Các tin cũ hơn