Ớt đang vào vụ thu hoạch nhưng người trồng bỏ chín nẫu ngoài ruộng vì ớt không tiêu thụ được, lại tốn tiền thuê công hái.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết, vụ đông xuân 2013-2014 diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện tăng vọt lên đến gần 1.000 ha. Những diện tích ớt cho thu hoạch lứa đầu cách đây vài tháng còn được giá 32.000 đồng một kg nhưng sau đó liên tục rớt giá. Hiện giá ớt sừng (trái to) chỉ còn 2.500 đồng một kg; loại ớt 2 mũi tên còn khá hơn, nhưng cũng chỉ từ 10.000 đến 12.000 đồng. Trong khi đó, hầu hết người trồng ớt ở Phù Mỹ đều chọn trồng giống ớt sừng để canh tác.
Nhiều ruộng ớt đang chín rộ, người trồng không thèm hái vì phía Trung Quốc đã ngừng nhập, hái không biết bán cho ai vì loại ớt này không tiêu thụ nội địa được, lại phải tốn tiền thuê công hái.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở khối Kim Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng ớt cho biết, ớt sừng chỉ có 1 đầu ra là thị trường Trung Quốc. Nếu thị trường này “tắc” là ớt đổ đống, để úng chứ không biết bán cho ai, vì không tiêu thụ nội địa được. Tuy nhiên, lý do nông dân thường chọn giống ớt sừng để trồng vì nếu khi tiêu thụ được thì sẽ có giá rất cao, thường cao hơn ớt 2 mũi tên đến 10.000đồng mỗi cân.
Tuy nhiên, theo anh Hùng, đối với ớt 2 mũi tên, nếu không tiêu thụ được tại thị trường Trung Quốc thì vẫn bán được cho các đại lý nội địa, họ mua về phơi để chế biến thành ớt bột dành bán vào mùa mưa, vì trời mưa gió không có ớt tươi để ăn.
Ở huyện Phù Cát cũng có diện tích trồng ớt khá cao trong vụ đông xuân này với trên 400 ha, người trồng ớt ở đây cũng đang lao đao. Trồng một sào ớt đầu tư từ 2,5-3 triệu đồng, giá ớt rớt thảm như bây giờ thì nông dân lỗ nặng.
Theo NNVN