Thương lái nước ngoài lại thu mua nông sản "lạ" ở Việt Nam

Thứ tư, 21/05/2014, 14:16
Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tiếp tục ồ ạt thu mua con banh lông, rễ cây tiêu tươi, cá sấu con, thảo quả với giá cao.

Thương lái Trung Quốc lại mua con banh lông

Tờ Tuổi trẻ đưa tin, ngày 20/5, ông Từ Văn Hiền - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: Trên địa bàn có hiện tượng một số thương lái thu mua con banh lông, sau đó bán lại cho thương lái người Trung Quốc. Việc thương lái mua con banh lông còn diễn ra trên biển ở tỉnh Kiên Giang.

Theo người dân xứ biển, con banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn, lâu nay ngư dân hầu như không khai thác con này. Tuy nhiên, gần đây có thông tin thương lái mua với giá cao, người dân bắt đầu chú ý khai thác.

nông sản
Ngư dân chuẩn bị ra khơi khai thác con banh lông.

Đáng nói, để khai thác con banh lông, người dân phải đầu tư lồng cào (giống như loại dùng để cào sò lụa nhưng có mắt lưới to hơn). Chi phí cho việc đầu tư dụng cụ này khoảng 40 triệu đồng.

Theo ông Hiền việc thương lái mua con banh lông với mục đích gì ông cũng không rõ. Giá cả lên xuống thất thường, có thời điểm 700.000 đồng/kg, nay giảm xuống 100.000 đồng/kg, nhưng không ai mua.

Trung Quốc ráo riết mua cá sấu con

Hồi đầu tháng 5/2014, thị trường Trung Quốc săn mua ráo riết cá sấu sống, đặc biệt là cá sấu con có trọng lượng 3-5kg, khiến giá cá sấu tăng chóng mặt. Thời điểm này năm ngoái giá cá sấu sống chỉ 120.000-140.000 đồng/kg nhưng nay lên xấp xỉ 230.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ nhiệm HTX cá sấu giống Nam Bộ (Q.12, TP.HCM) cho biết: Trước đây Trung Quốc chủ yếu mua cá sấu sống từ 10kg trở lên, nhưng khoảng hai tháng qua họ lại tận thu cá sấu con.

Trại cá sấu bố mẹ của HTX cá sấu giống Nam Bộ hiện chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về giống.

“Không biết nguyên nhân vì sao Trung Quốc lại tận thu cá sấu con, trong khi giá cao nên người nuôi đang ào ạt xuất bán cá sấu con để nhanh kiếm lời. Tình hình này kéo dài rất có thể sẽ làm sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai” - ông Thành lo lắng.

Thương lái Trung Quốc “tận thu” rễ tiêu

Theo thông tin trên tờ Lao động, từ đầu tháng 4/2014, tại các xã Bờ Ngoong, Ia Blang, Ia Glai, Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) xuất hiện thương lái người Trung Quốc đi cùng phiên dịch thông qua tiểu thương địa phương thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống. Sự việc đã gây hoang mang dư luận khi nhiều thông tin cho rằng, thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ tiêu sống nhằm mục đích phá hoại sản xuất.

nông sản
Việc chặt phá rễ khiến cây tiêu còi cọc, không phát triển.

Ngày 19/5, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã ra văn bản về việc kiểm tra, xử lý tình trạng thương lái người Trung Quốc thu mua rễ tiêu xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, văn bản được gửi đến Sở NNPTNT, CA tỉnh và UBND huyện Chư Sê triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn, xử lý việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu nhằm phá hoại sản xuất. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành phải có chỉ đạo xử lý nghiêm, không để tái diễn sự việc.

Ồ ạt nâng giá thu mua mầm thảo quả

Tờ Thanh Niên ngày 1/3/2014 dẫn lời Chánh văn phòng UBND huyện Quản Bạ (Hà Giang) Thẩm Hữu Thanh cho biết: Thương lái Trung Quốc nâng giá thu mua mầm thảo quả được phát hiện ở xã giáp biên giới như Tùng Vài, Tà Ván và rộ nhất là tại xã Cao Mã.

Sự việc này bắt đầu từ ngày 10/2, thương lái Trung Quốc tung tin thu mua mầm thảo quả với giá gần 50.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp tết chỉ từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Giá thảo quả được nâng lên gần 50.000 đồng/kg.


Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, cũng xác nhận ngoài H.Quản Bạ, tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua mầm thảo quả đúng vào thời kỳ sinh trưởng cao gấp nhiều lần so với giá bình thường được phát hiện ở các địa bàn giáp biên ở H.Yên Minh.

Ở Hà Giang và nhiều địa phương biên giới phía Bắc, thảo quả là cây xóa đói giảm nghèo vì có giá trị kinh tế cao. Mùa vụ năm 2013, giá mua thảo quả tại Hà Giang phổ biến 29.000 đồng/kg, nếu chăm sóc tốt, năng suất thảo quả có khả năng đạt khoảng 2,5 tấn/ha.

Trong điều kiện bình thường, người trồng thảo quả vẫn tỉa mầm ở những diện tích có mật độ ra mầm lớn mang bán để chế biến thành các món ăn. Nếu người dân chặt mầm ồ ạt thì thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Trước việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản lạ, giữa tháng 3/2014, tại Công văn 1910, Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương báo cáo hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả những loại khác lạ) của người nước ngoài, đồng thời nêu rõ những vướng mắc, khó khăn.

Ngoài ra, các địa phương cần phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu.


Theo quy định của Việt Nam, thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp thu gom nông sản từ nông dân mà phải thông qua cơ quan đại diện là thương nhân Việt Nam. Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết đã khuyến cáo người dân ở Vĩnh Long, Hà Giang, Nghệ An... hiểu những hoạt động thu mua nào là trái phép.

Theo GDVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn