Dự án Sản Phẩm Việt được vận hành bởi các thành viên hiện đang làm Tiến sĩ và Thạc sĩ tại Châu Âu. Tất cả các thành viên đều là du học sinh đạt được học bổng Erasmus Mundus của các ngành về kỹ thuật như Vật liệu tiên tiến và Môi trường. Nhóm Sản Phẩm Việt có 4 thành viên, tuổi từ 25 - 28, do anh Lộ Nhật Trường - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật liệu Tiên tiến tại Pháp làm trưởng nhóm.
Các thành viên trong nhóm dự án Sản Phẩm Việt |
Nhóm nghiên cứu mất khoảng 1 tháng để chuẩn bị cho dự án và đã chính thức ra mắt vào đầu tháng 5/2014.
Theo chia sẻ của các thành viên trong nhóm, mục tiêu của dự án Sản Phẩm Việt không nhằm tẩy chay hàng Trung Quốc, mà hướng đến mục tiêu cao đẹp hơn là xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh và phát triển bằng cách ủng hộ hàng sản xuất tại Việt Nam.
"Chúng tôi rất bình tĩnh để hiểu rằng việc chúng tôi làm là hoàn toàn khác biệt những lời kêu gọi tẩy chay đang tràn ngập trên mạng. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các sản phẩm Việt Nam nhằm giới thiệu thay thế hàng Trung Quốc. Cụ thể và chi tiết!
Chúng tôi mong muốn thay đổi cách suy nghĩ của người tiêu dùng Việt Nam khi chọn mua bất kỳ một sản phẩm nhập khẩu nào, đặc biệt từ Trung Quốc, vì lý do sức khỏe và vì sự đi lên của đất nước" - anh Trường cho biết.
Phương pháp mà dự án Sản Phẩm Việt tiến hành là kêu gọi cộng đồng mạng cùng chia sẻ những hình ảnh sản phẩm Trung Quốc trên thị trường, từ đó chúng tôi sẽ tìm kiếm những sản phẩm cùng loại có chất lượng của Việt Nam để chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng mạng được biết.
Song song với những kế hoạch kêu gọi cộng đồng mạng, chúng tôi cũng bước đầu xúc tiến tiếp xúc với doanh nghiệp để hỗ trợ họ quảng bá sản phẩm của mình vì rõ ràng điều này trước nhất là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Đã có doanh nghiệp bày tỏ tín hiệu tích cực và chúng tôi đang đàm phán họ.
Dự án Sản Phẩm Việt dự định sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu, thưa anh?
Chúng tôi dự định tiến hành Dự án trong 1 năm theo công thức 6 tháng + 6 tháng. Giữa hai giai đoạn sẽ là khoảng thời gian chúng tôi dùng để đánh giá lại toàn bộ hoạt động, hiệu quả của dự án cũng như tìm cách cải tiến quy trình. Chúng tôi hi vọng sẽ gặt hái được những tín hiệu khả quan để Dự án có thể tiếp tục lâu dài hơn.
Anh có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn từ khi bắt đầu dự án Sản Phẩm Việt?
Thuận lợi đầu tiên chúng tôi có được là từ bạn bè và người thân. Khi nghe về dự án của chúng tôi, có rất nhiều người không những bày tỏ sự ủng hộ mà còn hỗ trợ chúng tôi kêu gọi sự tham gia của cộng đồng mạng. Đó chính là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục dự án này.
Về khó khăn, đầu tiên là do những công cụ chúng tôi đang sử dụng. Vì các thành viên đều đang ở châu Âu nên chúng tôi dựa trên nền tảng mạng internet và mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng.
Điều chúng tôi gặp khó khăn là thói quen người dùng internet đã quá quen thuộc với những phương pháp quảng cáo sản phẩm nên cho rằng chúng tôi đang cố bán hàng và kiếm tiền. Nhưng khi mọi người tìm hiểu kỹ những việc chúng tôi đang làm, đa số là ủng hộ.
Khó khăn tiếp theo là thói quen sử dụng hàng của người Việt Nam. Các khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt vẫn chưa tiến xa hơn thành hành động. Cho dù rất nhiều người thừa nhận rằng sản phẩm Việt an toàn và tốt hơn nhưng họ lại vẫn viện dẫn một số lý do để sử dụng hàng Trung Quốc vì mẫu mã và giá cả. Chúng tôi cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu nhiều hơn nữa để người dùng có cái nhìn tổng thể để đánh giá. Từ đó từng bước thay đổi thói quen này.
Kết nối với doanh nghiệp cũng là một khó khăn khác. Chúng tôi muốn doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hệ thống sản phẩm vì hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ thị trường và dự án này tạo ra lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.
Chúng tôi nghĩ có lẽ vì dự án của chúng tôi còn mới nên chưa tạo được niềm tin nơi doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục kiên trì đi theo hướng này. Tham vọng của chúng tôi là hướng người dùng về cho doanh nghiệp Việt nhưng bản thân doanh nghiệp cũng cần có động thái hỗ trợ nhiều hơn.
Một số hoạt động của nhóm thực hiện dự án trên facebook |
Khó khăn chắc chắn là điều không thể tránh khỏi và chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những thách thức có thể xảy ra. Chúng tôi không có thói quen để cho những lo lắng lấn át những ước mơ và hoài bão. Cố gắng giải quyết từng vấn đề để hướng tới mục tiêu cuối cùng là phương châm làm việc của chúng tôi.
Đã có những dự án lúc đầu đưa ra rất cao đẹp, nhưng sau đó lại tiếp cận doanh nghiệp và người tiêu dùng để làm lợi cho mình. Với dự án của nhóm anh thì sao?
Chúng tôi xin khẳng định rằng dự án của chúng tôi là hoàn toàn tự nguyện và phi lợi nhuận. Điều chúng tôi mong mỏi là được giúp cho các công ty nội địa có chỗ đứng vững chắc ở chính thị trường nhà vì đó là cách duy nhất để đất nước phát triển.
Chúng tôi thấu hiểu rằng một đất nước nghèo sẽ luôn bị xâu xé và chèn ép bởi các cường quốc. Cách duy nhất để đứng ngang hàng với họ là phải giàu mạnh. Chấp nhận xả thân để chống giặc ngoại xâm là hành động mà mọi người Việt Nam sẽ làm nhưng giúp cho đất nước đi lên để có tiếng nói lớn hơn lại là nhiệm vụ tối quan trọng.
Chúng tôi cảm nhận được sức nóng trong những ngày gần đây nhưng chúng tôi hy vọng rằng mỗi người con đất Việt có thể cùng chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh. Những công việc cụ thể sẽ có ý nghĩa rất nhiều cho đất nước này.
Cảm ơn anh!
Các thành viên của nhóm dự án Sản Phẩm Việt:
1. Lộ Nhật Trường - 28 tuổi - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật Liệu Tiên tiến tại Pháp - Chương trình IDS-Funmat của Erasmus Mundus
2. Nguyễn Thu Trang - 26 tuổi - Sinh viên cao học ngành Sinh thái Công nghiệp tại Thụy Điển - Chương trình MIND của Erasmus Mundus
3. Võ Anh Thy - 26 tuổi - Sinh viên cao học ngành Kỹ thuật Môi trường tại Hà Lan - Chương trình IMETE của Erasmus Mundus
4. Nguyễn Thùy Dương - 25 tuổi - Sinh viên cao học ngành Sinh Thái Công nghiệp tại Thụy Điển - Chương trình MIND của Erasmus Mundus.
|
Theo MTG