Vải thiều: Nhà giàu Trung Quốc thèm, nhà nghèo Việt "chê"

Thứ ba, 17/06/2014, 09:54
Vải thiều của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được chở thẳng đến Bắc Kinh và là món ăn cao cấp của giới nhà giàu. Nhưng ở Việt Nam, giá cực rẻ 10.000 đồng/kg bán khắp chợ, vỉa hè... vẫn không hết.

Vải thiều là trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm mát, ngọt thanh có khả năng giải khát tốt trong mùa hè nóng nực. Do vậy, biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ trái vải trong nước đang được đặt ra trong hội nghị đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông – Tây Nam Bộ 2014 tại TP. HCM ngày 16/6.

Hiện giá vải thiều tại các tỉnh phía Bắc là 10.000 đồng/kg, tại các tỉnh phía Nam là 25.000 đồng/kg. Khoảng 190.000 tấn vải thiều sẽ chín rộ trong vòng hơn 1 tháng và hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đang kêu gọi các tỉnh, thành trong nước cùng liên kết tiêu thụ trái vải.

Ông Đoàn Xuân Hòa, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, vải thiều của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được chở thẳng đến Bắc Kinh và là món ăn cao cấp của giới nhà giàu. Vậy tại sao chúng ta không tiêu thụ ngay ở trong nước cho người dân Việt Nam thưởng thức trái ngon này?

Còn ông Đặng Anh Cương, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương cho biết:  “giá xuất khẩu vải thiều chỉ trên 10.000 đồng/kg, trong khi đó giá quả vải tại các thị nước ngoài lên đến vài chục USD/kg. Tôi đồng ý là nhiều lúc chúng ta quên mất thị trường trong nước, quả vải tốt rồi nhưng chưa làm cho nhân dân ở các địa phương khác hiểu và yêu quý quả vải”.

Hiện thị trường tiêu thụ trái vải chủ yếu là các tỉnh lân cận phía Bắc, và một số tỉnh thành miền Nam. Vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều rộng ra khắp cả nước đang được đặt ra cấp bách.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “vụ mùa vải thiều năm nay cả hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang sẽ cung cấp cho thị trường trong nước 50% của 190.000 tấn vải. Khối lượng này không phải là quá lớn đối với thị trường trong nước. Tính ra đối với 90 triệu dân Việt Nam thì lượng tiêu thụ trái vải bình quân chỉ khoảng hơn 1kg/người”.

Tuy nhiên, đặc trưng của trái vải là chín rộ tập trung chỉ trong 1 tháng với khối lượng lớn khiến thị trường tiêu thụ không kịp. Bên cạnh đó, khâu bảo quản trái vải cũng chỉ là bảo quản lạnh và để lâu ngày sẽ bị thâm dù bên trong quả không bị ảnh hưởng.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, vải tại Bắc Giang chín làm 3 đợt: vải chín sớm từ 2-20/6, vải chính vụ từ 20/6-20/7 và đợt chín cuối kéo dài khoảng 13 ngày sau chính vụ. Hiện sản lượng vải thiều của Bắc Giang đến 60% tiêu thụ trong nước và 40%  xuất khẩu chủ yếu là sang Trung Quốc. Nhưng năm nay chúng tôi muốn đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều trong nước. Vì đây là loại trái cây rất ngon, người Trung Quốc và các nước khác rất thích và khi xuất chúng ta lại xuất loại quả có chất lượng ngon nhất, trong khi có người dân ở nhiều tỉnh trong nước lại không được tiêu dùng.

Ông Hạnh cũng khẳng định: “Thời điểm này, sản lượng tiêu thụ khoảng 34 nghìn tấn trên các thị trường trong nước. Mọi người yên tâm ăn trái vải, chúng tôi yêu cầu người trồng tuân thủ nghiêm ngặt dư lượng thuốc trừ sâu trên quả vải để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.

Năm nào chúng tôi cũng tổ chức Hội nghị  xúc tiến tại tỉnh và các thương nhân trong tỉnh và các lãnh đạo các tỉnh khác, cùng Hải quan tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh… bàn cách tiêu thụ vải thiều.

Đối với tỉnh Hải Dương, vải thiều Hải Dương tiêu thụ trong nước tới 50% của tổng sản lượng 40.000 tấn. Tuy nhiên, giá bán vải không ổn định do giá vải thiều chín tập trung từ 10-30/6, lúc này lượng vải ồ ạt nên giá sẽ bị giảm xuống còn 5.000-6.000 đồng/kg tại vườn. Do giá vải rẻ nên một số nông dân vừa bán tươi vừa sấy khô. Theo ông Cương, chỉ cần giá quả vải bán tại vườn trên 10.000 đồng/kg là người trồng vải có lãi.

Do vậy, làm sao để quả vải thiều đến được với người tiêu dùng trong nước với giá cả hợp lý, ông Hạnh đề nghị, các địa phương tạo điều kiện cho lưu thông quả vải tốt hơn. Vì nếu một xe chở vải từ Bắc Giang lên Lạng Sơn thì phí mãi lộ cũng hết 2-3 triệu đồng. Bắc Giang cũng đã kết nối xong với công an Lào Cai nếu thấy là xe chở vải thiều thì cho đi ngay.

“Về bảo quản trái vải tốt hơn chúng tôi đang muốn sử dụng công nghệ đông lạnh của Nhật và họ nói có thể làm lạnh và tươi trong 10 năm, nhưng chúng tôi chỉ cần đông lạnh trong 9 tháng”, ông Hạnh cho biết.

Trong đó, các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước, đại diện Chợ Bình Điền cho rằng chỉ có 7-8/20 thương nhân có kinh doanh trái vải với sản lượng 60-70 tấn/đêm nên vẫn còn khả năng mở rộng thị trường trái vải tại đây. Vấn đề làm sao kết nối đươc giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ.

Gần như tại các chợ đầu mối lớn tại TP. HCM mà Hải Dương và Bắc Giang lại không có đại diện mà chủ yếu mua bán vải thiều tự phát. Việc mua bán nông sản nếu có vựa tại các chợ đầu mối lớn sẽ tốt hơn.

Còn đại diện siêu thị Co.op mart cho biết, điều đáng nói là đầu mối cung cấp vải thiều cho hệ thống Co.op mart là một thương lái tại Ninh Thuận chứ không phải là DN nào tại Hải Dương hay Bắc Giang. Thị trường TP.HCM rất ưa chuộng trái vải, sau Tết Đoan Ngọ hàng năm nhu cầu vải gia tăng.

Siêu thị Co.op mart hiện nay đang đẩy mạnh tiêu thụ vải khoảng 10 tấn/ngày. Sắp tới Co.op mart sẽ gia tăng mạnh hơn qua các kênh nhà hàng, khách sạn và giới thiệu vào cẩm nang mua sắm của Co.op mart, hướng dẫn người dân tiêu thụ sản phẩm này.

Định hướng trung, dài hạn nên chế biến đóng lon và sấy khô để trái vải để sản lượng vải không ồ ạt ra thị trường theo vụ mùa. Như vậy, nên có sự liên kết chặt chẽ với nơi sản xuất.

Về giải pháp chung, bà Nguyễn Thị Hồng , Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ phải ngồi lại để xử lý bảo quản trái cây sau thu hoạch. Vì Việt Nam là nước nhiệt đới nên trái cây rất phong phú. Làm sao tận dụng được ưu thế này để đưa trái cây Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đem lại giá trị gia tăng cao.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích