Cày nát rừng già kiếm hạt ươi bán 200.000 đồng/kg

Thứ sáu, 20/06/2014, 09:09
Thay vì chỉ nhặt trái rụng như mọi năm, thanh niên, phụ nữ xã Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam) rủ nhau vào rừng, chặt cây, quần nát rừng ươi để lấy hạt, bán giá trên 200.000 đồng.

Ồ ạt tận thu

Từ trụ sở UBND xã Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam), đi hơn một tiếng đồng hồ mới đến khu vực Suối Bùn (Tiên Lãnh). Dọc đường, đội quân chở trái ươi bằng xe máy hối hả ra vào rừng. Khu rừng nguyên sinh âm u nằm trên lòng hồ thủy điện sông Tranh 3 đã mở chi chít các lối mòn. Nhiều người dân địa phương cho biết, chưa bao giờ được mùa ươi, lại được giá như năm nay. Với mức dao động hơn 200.000 đồng/kg ươi, phần lớn thanh niên, phụ nữ ở Tiên Lãnh đều đổ xô vào rừng khai thác ươi.

Cơ quan chức năng chưa quản lý, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở thu mua hạt ươi trái phép. Trong ảnh: Người dân phơi hạt ươi non tại thôn 8 - xã Tiên Lãnh.
Người dân phơi hạt ươi non tại thôn 8 - xã Tiên Lãnh. Năm nay, ươi được mùa, được giá. Giá bán mỗi kg hạt lên tới trên 200.000 đồng.

Có mặt tại tiểu khu 556, 557 thuộc khu vực Suối Bùn, chúng tôi chứng kiến dòng người nườm nượp vào triệt hạ cây lấy hạt ươi. Hàng trăm cây ươi đổ ngã ngổn ngang trong rừng, hầu hết là ươi có chiều cao hơn 20m, đường kính tối thiểu 30cm. Càng tiến sâu vào rừng, thấy một màu đỏ rực của trái ươi chín. Trước đây, ít người vào rừng khai thác ươi do giá rẻ và chỉ đi nhặt trái ươi đã chín rụng xuống đất. Nhưng năm nay giá ươi cao ngất ngưởng khiến nhiều người chuyển sang hình thức chặt phá cây lấy trái.

Người dân cho biết, khu vực rừng đầu nguồn Tiên Lãnh giáp ranh với xã Trà Đốc (Bắc Trà My) và xã Phước Gia (Hiệp Đức) hơn hai tháng nay luôn là “điểm nóng” phá rừng ươi khủng khiếp nhất. Một cây ươi ngã xuống đã kéo theo hàng loạt cây rừng khác bị đốn hạ. Cây ươi thông thường nằm trong rừng sâu, vì thế lâm tặc đã ngang nhiên mở đường trái phép trong rừng.

Tại tiểu khu 556, có hơn 5 con đường lớn nhỏ được mở, các loại xe máy có thể vào tận nơi. Thấy tôi thắc mắc hỏi không sợ cán bộ kiểm lâm bắt bớ hay sao, nhiều người cưa cây ươi vẫn bình thản trả lời rằng, ở các thôn 8, 10 xã Tiên Lãnh, hầu như nhà nào cũng có lao động vào rừng hái ươi. Nếu bị kiểm lâm bắt tận tay, các đối tượng sẵn sàng bỏ ươi tại hiện trường. Hiện tại, chính quyền xã Tiên Lãnh đã tịch thu hơn 100kg ươi khai thác trái phép. Một đối tượng đốn hạ cây lấy ươi non còn nói, các cơ quan chức năng nếu làm “căng” thì nên nhắm vào các đại lý, cơ sở thu mua ươi, vì có cầu thì mới có cung. Nhìn cảnh khai thác ươi non kiểu tận diệt như thế này, không biết sau này ở rừng già bên hồ thủy điện sông Tranh 3 có còn loại lâm sản quý này không?

Trước “cơn lốc” hủy diệt rừng ươi, chính quyền xã Tiên Lãnh đã thành lập 2 tổ truy quét tại tiểu khu 556, 557. Trong 2 ngày (6 và 7/6), tổ truy quét đã phát hiện hơn 100 đối tượng vào rừng khai thác ươi trái phép. Nguy hiểm là, lâm tặc đã dùng cưa lốc triệt hạ cây hoặc trèo lên cây chặt cành nhánh lấy ươi. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ một cưa lốc, gần 50kg ươi và tiến hành lập biên bản bà Trần Thị Luận (thôn 8, xã Tiên Lãnh) đã tiêu thụ ươi không rõ nguồn gốc.

Buông lỏng quản lý

Ông Võ Hồng Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh xác nhận, tình trạng phá rừng lấy ươi rất phức tạp tại vùng giáp ranh. Dù đã cử 14 cán bộ thường xuyên “canh gác” rừng nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để đối tượng vào rừng. “Cái khó là khi đoàn truy quét tiếp cận hiện trường thì người dân đã chuyển qua địa bàn xã Trà Đốc, hoặc Phước Gia hoạt động, ẩn náu. Tại địa bàn, mỗi ngày có hơn 100 người dân khai thác ươi non, ươi chín. Vì cái lợi trước mắt, người dân đã bất chấp phá rừng. Ngoài phá cây ươi, một số người còn lợi dụng đốn ngã cây rừng khác”, ông Nhiệm nói.

Cây ươi bị đốn ngã để lấy hạt tại rừng Tiên Lãnh.
Cây ươi bị đốn ngã để lấy hạt tại rừng Tiên Lãnh.

UBND tỉnh đã có nhiều phương án bảo vệ cây ươi, cụ thể, cuối tháng 5, đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản nói chung và chặt hạ cây ươi để thu hái quả. Trong đó, “mạnh tay” với các trường hợp thu hái, mua bán, cất giữ, vận chuyển và chặt hạ cây ươi trái phép.

Văn bản cũng nêu rõ, UBND các huyện, chủ rừng và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi để khai thác hạt trong lâm phận, địa bàn quản lý. Thế nhưng, tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn và Tam Kỳ tình trạng thu mua, phơi ươi non trái phép vẫn diễn ra công khai, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 11. Các cơ quan chức năng vẫn chưa thấy động thái nào trong xử phạt, kiểm tra các cơ sở thu mua ươi trái phép. Trong khi đó, chính quyền các địa phương hầu như chưa kiểm soát được “cửa ngõ” vào rừng, để tái diễn liên tục tình trạng phá rừng ươi.

Trước đó, tại Quảng Nam xuất hiện nhiều người đi hái quả ươi. Thậm chí, người dân căng lều, dựng lán ngay tại rừng để tiện khai thác. Một số người đi "săn" ươi cho biết, thu nhập từ công việc này lên tới 400.000-600.000 đồng/ngày, nhưng phải cạnh tranh gay gắt vì nhiều người đi tìm lấy hạt ươi.

Ươi là một loại cây rừng thân gỗ có đường kính gốc lên đến trên 1m, chiều cao từ 20 đến 40m. Thường 4 năm, ươi cho trái chín một lần. Hạt ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát. Chính vì có những giá trị như vậy mà loại hạt này đang là một nguồn lợi kinh tế không nhỏ.

Theo Báo Quảng Nam

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích