Tuần này, vàng khó giữ mốc 37 triệu đồng?

Thứ hai, 23/06/2014, 08:10
Trong tuần vừa qua, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4. Hiện những người tham gia thị trường đang theo dõi chặt mốc trên 1.300 USD/ounce để xem kim loại quý có thể ở lại được mức tâm lý quan trọng này trong bao lâu. 

Chốt phiên cuối tuần qua, giá vàng giao tháng 8 đứng ở mức 1.316,6 USD/ounce, tăng 3,3% trong cả tuần.

Kết quả thăm dò giá vàng trên Kitco News Gold Survey cho thấy, đã có 18/26 người đoán giá vàng tuần này sẽ tăng cao hơn, 6 người cho rằng giá sẽ giảm và 2 ý kiến nói giá sẽ đi ngang.

Giá vàng đã tăng vọt trong phiên giao dịch ngày thứ Năm của tuần vừa qua, phản ứng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì một thái độ mềm mỏng về chính sách tiền tệ và căng thẳng leo thang ở Iraq và Ukraine. Khi giá vàng tăng, hoạt động mua vào để đóng trạng thái của giới đầu tư bán không càng khiến giá vàng tăng mạnh. Lực tăng đã đẩy giá vượt qua một số mốc kháng cự trên biểu đồ kỹ thuật.

Dựa trên phân tích kỹ thuật của giá vàng tuần qua, chuyên gia Dave Toth của công ty RJ O’Brien, tỏ ra lạc quan về triển vọng giá vàng trong tuần này. Theo ông Toth, việc giá vàng vượt ngưỡng 1.285 USD/ounce trong phiên ngày thứ Năm tuần vừa qua đã mở ra xu hướng tăng giá dài hạn mới của giá vàng.

Tuy nhiên, ông Toth cho rằng, nếu giá vàng không duy trì được mốc 1.300 USD/ounce, thì xu hướng tăng giá này có thể bị phá vỡ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên sàn Comex thuộc Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), các nhà phân tích cho biết, số hợp đồng vàng mới mở trong phiên ngày thứ Năm tăng mạnh. Và họ sẽ giữ tâm lý chờ đợi trong tuần này vì đợt tăng giá này của vàng vẫn chưa thúc đẩy các khách mua vàng vật chất vào cuộc.

Hiện đang có một số hy vọng vào việc khách hàng Ấn Độ có thể quay lại thị trường vàng vật chất trong những ngày tới, dựa trên việc Chính phủ nước này đang phát tín hiệu có thể nới lỏng thuế nhập khẩu vàng. Tuy vậy, khả năng hạn hán mùa hè và mưa ít trong mùa mưa năm nay có thể ảnh hưởng tới mùa màng của Ấn Độ, kéo theo thu nhập của người nông dân nước này giảm, từ đó tác động bất lợi tới nhu cầu vàng.

Trong tuần này không có nhiều thống kê dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố. Giới phân tích cho rằng, Fed đang có cách xử lý chính sách tiền tệ sát với tình hình kinh tế, nên các số liệu thống kê kinh tế Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn tới triển vọng giá vàng.

“Fed có thể tỏ ra mềm mỏng hơn trước, nhưng điều đó không thay đổi quan điểm căn bản của họ là lãi suất sẽ tăng khi nền kinh tế sẵn sàng”, ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản, lãi suất và tỷ giá của TD Securities, nhận định.

Tuy vậy, theo ông Melek, ở thời điểm hiện tại, giá vàng đã có thêm lực hỗ trợ. “Đợt tăng giá hiện nay của vàng có thể kéo dài thêm đôi chút, nhưng giá khó có thể vượt quá xa khỏi mức 1.330 USD/ounce. Một khi hoạt động mua vào đóng trạng thái của giới đầu tư bán khống kết thúc, thì tình hình kinh tế và việc làm của Mỹ được cải thiện có thể đẩy giá vàng trở lại ngưỡng 1.200 USD/ounce”, ông Melek nói.

Giá vàng trong nước trong tuần qua đã có lực tăng mạnh, đánh dấu ngưỡng 37 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong phiên ngày 20/6, giá vàng SJC có lúc tăng vượt ngưỡng 37 triệu đồng/lượng, có lúc lên tới 37,12 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tính đến ngày thứ Bảy tuần qua, giá vàng SJC đã giảm nhiệt dần, tuy nhiên mốc 37 triệu đồng/lượng vẫn được duy trì.

Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, vàng SJC của Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 36,75 – 37,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại TP.HCM, vàng SJC được công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào – bán ra ở mức 36,75 – 37 triệu đồng/lượng.

Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, lực tăng mạnh của giá vàng đã khiến thị trường sôi động. Lực mua của thị trường đã xuất hiện trở lại. Tại công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, lượng khách đến mua cao hơn so với lượng khách đến bán (khoảng 55% khách tới mua và khoảng 45% khách tới bán).

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn