Cảnh giác với gạo có mùi thơm

Thứ tư, 27/08/2014, 13:35
Các chuyên gia cho rằng, trước tình trạng gạo loạn chất lượng như hiện nay thì người tiêu dùng cần tự bổ túc cho mình kinh nghiệm nhận diện gạo để tránh độc.

Khách hàng lo lắng chọn gạo

Bà Vũ Thị An (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước tôi để con dâu đi mua gạo nhưng tính nó đại khái, đến cửa hàng cứ đứng ở ngoài nói mua gạo rồi chờ người bán mang ra. Từ khi có thông tin gạo tẩm hương độc, tôi yêu cầu việc mua gạo để cho tôi chọn vì tôi có thời gian, có kinh nghiệm. Trước khi mua gạo tôi phải cho lên mũi ngửi, hương gạo chỉ thoang thoảng thơm và có mùi của gạo mới. Sau đó, cho vài hạt vào miệng nhai, hạt gạo phải dẻo, ngọt, khi nhai nát phải thấy dính răng, có độ dẻo tôi mới quyết định mua”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Quyên, chủ đại lý gạo phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội thì phàn nàn: “Trước đây, khách quen đến mua gạo thường chỉ ngồi trên xe nói tên gạo cần mua là tôi cân mang ra tận xe nhưng bây giờ khách quen cũng như khách lạ chọn gạo rất cẩn thận, ai cũng vốc gạo đưa lên mũi ngửi rồi cho vào miệng nhai nhưng vẫn thấy nghi ngờ. Tôi phải trả lời rất nhiều câu hỏi về chất lượng gạo của khách. Thậm chí nhiều người đi ngược, đi xuôi các hàng gạo rồi mới quay lại mua cho tôi”.

Cũng trong tình trạng bị khách hàng nghi vấn, chị Trần Thị Mai, chủ cửa hàng Gạo Yến, thị trấn Cổ Điển, Đông Anh, Hà Nội than thở: “Từ ngày có thông tin gạo bị tẩm hương độc, diệt mối mọt, chống mốc bằng thuốc diệt côn trùng, bán gạo không đơn giản như trước nữa. Nhiều người đến mua gạo toàn hỏi những câu quen thuộc đại loại như mùi hương ở gạo có thật không, gạo lấy lâu chưa…

Cửa hàng của tôi cũng là chỗ để chứa gạo luôn, nhiều khách đến mua gạo cứ ngó trước nhìn sau cái chỗ tôi để gạo. Tôi trải bạt xuống nền nhà rồi mới đặt các bao gạo lên, có người còn đến nâng cả cái bạt lên để kiểm tra”.

gạo

Người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức đi chọn mua gạo.

Khi chúng tôi nói về cách bảo quản gạo và sử dụng hương liệu thường được các chủ cửa hàng bán lẻ gạo sử dụng, họ cho rằng, có thể các đại lý lớn sử dụng, còn cửa hàng của họ nhập số lượng gạo không nhiều, không lo ẩm mốc nên không dùng đến phương pháp đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là đa số các cửa hàng nhỏ lại lấy hàng từ các đại lý lớn. Vì vậy, việc nghi ngại, lựa chọn gạo kỹ càng hơn của người tiêu dùng không phải không có cơ sở!

Cơm có “độc” sẽ lâu bị thiu

Theo các chuyên gia, muốn có được gạo an toàn ngoài việc chọn địa chỉ uy tín thì người tiêu dùng cần có thông tin để nhận diện các loại gạo mình cần chọn một cách chính xác.

Ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần gạo Vinh Phát chia sẻ, để chọn được gạo ngon, người tiêu dùng cần có những kinh nghiệm nhất định để nhận diện. Ví dụ, gạo thơm Sóc Trăng thì hạt nhỏ, thon, dài, trong, thơm nhẹ, cơm ngọt, thơm, dẻo, mềm, săn hạt. Gạo Tám thơm Bắc Bộ thì hạt gạo thon nhỏ, trong xanh, thơm nhẹ, nấu thành cơm ăn có vị ngọt, thơm, dẻo, mềm, săn hạt. Gạo Nàng thơm hạt phải thon nhỏ, thơm nhẹ, có phần trắng hạt lựu ở giữa hạt, nấu thành cơm có vị ngọt thanh, thơm, mềm, săn hạt. Gạo Lài sữa thì hạt gạo dài, trắng sữa, thơm nhẹ…

“Đáng tiếc là hiện nay, rất ít người tiêu dùng biết cách nhận diện gạo mà hoàn toàn tin vào lời người bán hàng nên rất dễ bị lòe và vì thế mà thị trường gạo sinh loạn như hiện nay”, ông Trung bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa cũng chia sẻ rằng: “Nhận diện gạo độc, ngoài việc cơm mất mùi hương khi nấu thì việc cơm lâu thiu cũng thể hiện gạo có vấn đề. Vì gạo xay xát kỹ sẽ không còn vitamin, nhất là bị tẩm độc thì càng không mà chỉ còn lại tinh bột, cơm sẽ rất lâu thiu. Cơm có độc sẽ lâu thiu hơn bình thường vì nó có chất bảo quản”.

Cũng theo ông Hoan, hạt gạo còn vỏ cám sẽ có đầy đủ chất dinh dưỡng và là điều kiện để nấm mốc phát triển nhanh. Đó là lý do vì sao người ta nấu cơm cho lên men làm rượu lại phải sử dụng loại gạo còn nguyên vỏ cám. Tốt nhất nên ăn gạo được xay xát sơ qua, vẫn còn vỏ cám thì sẽ có nhiều vitamin và dưỡng chất.

Trong trường hợp muốn gạo vẫn có mùi hương, hạt bóng nhưng không độc hại, bà Lý Thị Thành, chủ đại lý gạo tại thị trấn Nga Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ bí quyết: Chỉ cần cho một ít lá dứa thơm tươi (2 lạng/100kg gạo) vào cùng xát với gạo trước khi đóng vào bao để chuyển đi. Loại lá này vẫn thường được sử dụng khi nấu cơm để có mùi thơm của gạo nếp. Cũng theo bà Thành, muốn hạt gạo bóng hơn chỉ cần cho một bình nước nhỏ đặt trên máy xát gạo trong công đoạn cuối và nước sẽ chảy xuống xát với gạo. Nhờ có nước, các cám gạo trôi hết và hạt gạo bóng bẩy hơn. Tuy nhiên, gạo này phải bán thật nhanh nếu không rất dễ bị ẩm mốc.

Nhiều loại gạo không hề có hương

“Người tiêu dùng ngửi thấy gạo có mùi thơm nồng hoặc mùi lạ, cần cảnh giác có thể gạo đã bị ướp hương hoặc bị nhiễm mùi. Đối với những loại gạo này, kiên quyết không dùng. Lưu ý, có một số giống gạo không có mùi thơm như gạo Tài nguyên, gạo 4218, gạo Hàm Châu. Những loại gạo này nếu có bất cứ hương gì khi ngửi đều có thể kết luận là bị ướp hương”.

Ông Vũ Ngọc Duy, Giám đốc công ty gạo Vinh Phú - TP HCM

Theo Gia Đình

Các tin cũ hơn