Chị Hương, nhân viên một công ty bánh có trụ sở tại quận Ba Đình cho biết doanh thu trong hệ thống năm nay đang bị giảm 20-30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhân viên trong hệ thống lại phải làm việc bận rộn hơn rất nhiều.
"Những năm trước, khách hàng doanh nghiệp của chúng tôi chiếm 80%. Năm nay, số này giảm khoảng 15-20%. Mặc dù khách lẻ có tăng nhưng doanh số từ nhánh này thường tăng rất chậm. Nhân viên đó phải bán hàng tăng ca liên tục mà vẫn không đủ chỉ tiêu được giao", Hương cho hay.
Nhân viên này lý giải những mặt hàng bán cho doanh nghiệp đa số có giá cao hơn, lại được đặt số lượng lớn nên thường giúp chị cùng các đồng nghiệp sớm hoàn thành kế hoạch. Trong khi đó, những khách lẻ thì chủ yếu mua những mặt hàng có giá bình dân.
Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu bánh trung thu khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Ảnh: Anh Quân |
Theo chị Lệ Thu, quản lý một cửa hàng lớn tại quận Đống Đa cho biết một tháng gần đây, do là cao điểm tiêu thụ bánh trung thu nên phải nhận khoán doanh số tối thiểu 2,2 tỷ đồng, gấp 4 lần bình thường. Nếu đạt mức này, nhân viên mới được tính thêm tiền làm tăng ca. Còn không đạt thì chỉ hưởng lương như những tháng trước (khoảng 3-4 triệu đồng).
Tuy vậy, doanh thu tháng vừa qua của cửa hàng cũng chỉ đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 2,7-2,8 tỷ. Do đó, kể cả làm thêm 2-3 giờ đồng hồ mỗi ngày, nhân viên ở đây cũng không được nhận thêm tiền làm tăng ca.
Đại diện một thương hiệu bánh cao cấp tại Hà Nội cũng thừa nhận sức tiêu thụ tại đơn vị này hiện bị giảm so với cùng kỳ khoảng 20%. Tuy nhiên, ông vẫn nhận định khá lạc quan khi cho rằng, còn nửa tháng nữa mới đến Trung thu, sức mua có thể dồn vào những ngày cuối nên trước mắt chưa thể kết luận mùa bánh năm nay doanh số giảm.
Vị này cũng cho hay, doanh thu giảm một phần là do đơn đặt hàng của doanh nghiệp ít đi. "Nhóm khách hàng này có nhiều lựa chọn hơn khi các thương hiệu bánh mới ngày một nở rộ. Ngoài các thương hiệu lớn thì còn hàng chục tên tuổi khác, giá cả và mẫu mã đều rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, phong trào tự làm bánh trung thu, sự cạnh tranh của các thương hiệu bánh gia truyền cũng khiến phân khúc khách lẻ của chúng tôi giảm so với trước", ông nhận định.
Tuy nhiên, theo ông, có thể không phải hầu hết các thương hiệu bánh doanh số đều bị giảm. Một số hãng lớn tập trung vào các phân khúc giá tầm trung, phát triển được lượng khách hàng doanh nghiệp ổn định thì có thể vẫn đạt doanh thu tốt. Các thương hiệu bánh lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị... vẫn cho biết sản lượng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, các dòng cao cấp có sức tiêu thụ tăng mạnh nhất.
Lãnh đạo một đơn vị sản xuất bánh lớn tại miền Bắc cũng nhận định, sức tiêu thụ chỉ có thể tăng trưởng tốt nếu phát triển được nhóm khách hàng doanh nghiệp. "Nhu cầu về biếu tặng cán bộ, nhân viên, đối tác, khách hàng của các doanh nghiệp, tổ chức rất lớn. Trong khi đó, nhóm khách lẻ mua về dùng hoặc biếu trong gia đình nếu có tăng cũng không đáng kể. Việc phát triển nhóm khách hàng này cũng khó khăn", vị này nói.
Do đó, ông cho rằng, việc một số thương hiệu bánh có doanh thu giảm không phải là điều khó hiểu trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi mới với các chiêu thức cạnh tranh không chỉ về giá cả, mẫu mã, chất lượng mà còn cả những biện pháp chăm sóc khách hàng tận tình hơn.
Theo VnExpress